Bên bờ hạnh phúc

Cách đây không lâu, tập truyện ngắn "Bữa ăn trên cỏ" của Nguyễn Văn Ninh được ấn hành. Những truyện ngắn của anh đi theo hàng ngang, chậm rãi, khiêm nhường, tự nhiên, nặng trĩu chất sống, như sự tồn tại. Với tôi, truyện của anh rất cuốn hút người trẻ. Cảnh vật trong truyện hòa lẫn với con người, không còn ranh giới phân biệt. Truyện nào cũng có dư vị, ngậm ngùi thân phận người (Nắng hanh vàng, Thì thầm trong đêm, Bữa ăn trên cỏ… ). Con người sinh ra từ đời sống, thản nhiên sống bằng đời sống đó và Nguyễn Văn Ninh đã đến sống cùng họ, hòa vào đám đông thân phận ấy.

Yếu tố hài trong truyện Nguyễn Văn Ninh rất lớn. Hài ở ngôn từ, chi tiết, cấu trúc, cách phát hiện vấn đề. Khung cảnh truyện anh vẽ ra chỉ là một cảnh huống, đôi khi nghịch lý, éo le, nực cười. Ví như một gia đình đông con, nheo nhóc, nhưng các con đều có tên là Phú – Quý, Thịnh – Vượng, Yến – Oanh, Nghĩa – Lý, Bình – Tĩnh… thì rõ là phép thắng lợi tinh thần. Nguyễn Văn Ninh không dè bỉu, hắt hủi đời sống đó – anh là bạn của người nghèo khổ. Mỗi truyện vẽ lại cảnh sống bần hàn, nét họa đậm, chắc nịch. Ở đây, khát vọng, nỗi nhớ về một thời quá khứ hiện lên. Đó không phải nỗi nhớ lãng mạn của thi ca, mà là nỗi nghẹn ngào của văn xuôi. Văn rất đời, gánh chở được nhiều những bi kịch đói nghèo, tăm tối, thân phận con người. Truyện của Nguyễn Văn Ninh không có cao trào, cũng không có thoái trào. Truyện chỉ là những lát cắt tươi nguyên của cuộc sống thường nhật, lầm than. Người ta có thể lấy từ đó sự thương yêu, cảm thông, và tất nhiên cả nỗi giận, ghét. Thực trạng đời sống ngày càng u tối, do con người chưa ý thức được cuộc sống, chưa biết làm gì để sống chất lượng hơn. Họ buông thả bản năng theo đất cát, chẳng hề có ý thức đổi thay. Cuộc sống ấy cứ kéo dài dằng dặc. Cảnh huống đó dàn bày trước mắt Nguyễn Văn Ninh từ những ngày đầu cầm bút, đặt đời anh đứng trước sự lựa chọn, và anh đã nhặt những hạt sương, hạt bùn đất quê mình, để đặt những viên gạch đầu tiên cho một đời văn.

Nguyễn Văn Ninh không muốn tạo nên huyền thoại về nỗi thống khổ của con người. Anh chỉ khát khao nhìn cuộc sống như nó vốn có. Anh quan sát mọi vật sống động, yêu thở, cấu véo mà biết thời gian, năm tháng đã chảy qua. Anh muốn trả nhân vật về với khát vọng bản năng của họ. Truyện ngắn Dưới trăng là một truyện ngắn xử lý chưa trọn vẹn. Anh hành hạ nhân vật của mình nhiều quá. Cho rằng chị Đồng còn niềm tự trọng, còn luân lý, nỗi sợ hãi ràng buộc, thì cũng không nên phơi bày trước mắt chị một hạnh phúc quá gần như thế. Anh đã “vô trách nhiệm” bỏ chị Đồng giữa chừng như thế, rồi anh kết thúc truyện, vậy thì chị Đồng của anh biết làm thế nào?! Nhưng anh viết rất đạt về sự vật vã bản năng của người đàn bà lỡ thì quá lứa.

Đối với nhà văn, mọi thứ trên đời là bình thường, thậm chí dẫu có rất nhiều thất vọng, tuyệt vọng cũng phải nhìn nhận. Con người nhiều khi vô trách nhiệm đối với cuộc đời mình và với cuộc đời người khác. Ở truyện Cơm bình dân, cuộc sống như một đống rác ô hợp, chực làm nhục con người, ở đâu cũng là cạm bẫy. Cạm bẫy của tính dục, của dục vọng, sự hoang tàn. Đứa con gái hoang nhớ đến sự sai lầm bất hạnh của người mẹ, nên đã tránh xa ông chủ dâm dục để đi tìm một chỗ làm khác. Truyện chỉ có vậy. Nhưng người ta sẽ thấy cuộc sống quá chán, những cùn mòn, quẩn quanh, tha hóa của đời sống thành thị, nơi ta chẳng tìm được một lẽ gì để sống, ngoài hai bàn tay vơ thức ăn vào miệng và sống như một sinh vật trên đời. Nguyễn Văn Ninh không muốn nói suông về lẽ sống. Nhưng chả lẽ con người lại không có lẽ sống? Có lẽ sống mới sống được chứ. Nhưng anh không nói. Anh muốn diễn tả con người nô lệ miếng ăn, nô lệ sự sinh tồn. Thói quen của Nguyễn Văn Ninh là từ hiện tượng nhìn ra bản chất của mọi vật. Nếu hiện tượng không đủ để nói lên bản chất, thì đó là những thứ khách quan, thậm chí duy nhất mà nhà văn nhìn thấy để bắt đầu khởi sự viết về cuộc đời.

Đôi lúc Nguyễn Văn Ninh đóng vai một người con ngoan, và mãi không lớn lên, vẫn tấm lòng đó không thay đổi. Thấp thoáng đâu đó tình cảm máu mủ, gia đình, đạo lý làm người. Nhưng nó không thắng nổi sự chịu đựng nặng nề của cuộc sống, sự tha hóa của tình người, cái bê tha bệ rạc chảy tràn bờ thành những hành vi không kiểm soát nổi. Đã đến lúc không thể lấy một vài yếu tố cá nhân, gia đình và xã hội để lý giải tính cách của mỗi con người và tâm lý của một cộng đồng người. Quá khứ tươi đẹp đã mất rồi, lỗi tại ai? Đó là nỗi nhức nhối của một thời đại không còn tiếng súng, mà niềm tin và tình người mục ruỗng, xã hội tha hóa xói mòn trầm trọng (Hối muộn). Nguyễn Văn Ninh không ngại gọi tên sự vật, nói huỵch toẹt vấn đề; đó là điều tôi thích nhất ở anh. Văn anh chân thật, cục mịch, như hòn đất, các chữ di chuyển từ dòng này sang dòng khác một cách im lặng, nặng trĩu. Bất cứ ở một trường đoạn nào, anh cũng cài đặt mâu thuẫn, oái oăm, để ta có thể bật cười lên khe khé, tiếng cười rất lạ. Tiếng cười này không gây sảng khoái, nó là nỗi đau nhức, lầm than, làm sao ta có thể cười vô tư được. Những trường đoạn thú vị trong văn anh là đoạn miêu tả con người. Theo anh, con người dù tốt dù xấu cũng nên nhìn nhận chứ không nên trù dập (lão Hoát trong Chuyện đời như kịch). Người ta sống thế nào là quyền của họ, chỉ cần không gây thảm họa cho đồng loại là được. Một lúc nào đó nơi cuộc sống bề bộn, tưởng như bế tắc ấy, nhân cách nhà văn cũng hiện ra : “Người tốt phải biến đổi hoàn cảnh chứ đừng để hoàn cảnh biến đổi”. “Người tốt làm việc như ý nghĩ. Nếu có yêu thì tình yêu ấy chỉ để cho người khác lợi dụng, lừa gạt. Người tốt rất hay tha thứ… ”. Và đây đó, những nhân cách tốt đã tìm thấy nhau như tiếng chim gọi bầy, họ không đơn lẻ. Cách xử thế vô cùng hiểu đời : “Đứng hay ngồi anh cũng không lấy gì là quan trọng, vì anh cho rằng, chỗ đứng hay ngồi dù có lựa chọn tốt đẹp cũng chỉ là tạm thời, niềm vui vì có chỗ đẹp cũng trôi qua nhanh. Đến bến, anh cũng phải xuống và chỗ ngồi ấy lại thuộc về người khác. Lựa chọn khôn ngoan mà rồi cuối cùng cũng không phải là của mình thì lựa chọn làm gì” (Phòng trắng).

Trần Thị Ngọc Lan – SCLO

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *