Để tạo nên một bài hát, có khi người nhạc sĩ làm luôn lời ca, có khi tìm đến thơ để phổ nhạc. Trong kho tàng ca khúc Việt Nam hiện đại, số lượng những bài phổ thơ chiếm tỉ lệ đáng kể. Cần phân biệt nhạc sĩ phổ thơ và cùng với nhà thơ tạo nên phần lời ca là hai việc khác nhau. Phổ thơ là từ một bài thơ hoàn chỉnh có sẵn, nhạc sĩ phổ nhạc (tất nhiên hoàn chỉnh ở đây nói theo nghĩa tương đối với tư duy của nhà thơ). Còn việc sau là nhạc sĩ bàn với nhà thơ phác thảo phần lời ca rồi dựa vào đó tạo nên phần nhạc, hoặc từ giai điệu có trước rồi mời nhà thơ làm ca từ.

 Trong bài viết này, tôi chỉ xin bàn về việc thứ nhất: phổ thơ. Nghiên cứu lại tất cả các bài hát phổ thơ đặc sắc được công chúng ưa thích trong mấy chục năm qua, thấy rõ một điều: đó không phải là những bài thơ hay. Nói cách khác, những bài thơ ấy đứng độc lập, ít người coi là hay. Và người ta biết đến rất ít bài thơ trước khi được phổ nhạc. Bản thân các nhà thơ có thơ được phổ nhạc nhiều chắc cũng biết điều đó. Nhiều thế hệ công chúng đã rất ưa thích và truyền tụng những: Bộ đội về làng (Lê Yên phổ thơ Hoàng Trung Thông), Đóng nhanh lúa tốt (Lê Lôi phổ thơ Huyền Tâm), Anh vẫn hành quân (Huy Du phổ thơ Trần Hữu Thung), Đường chúng ta đi (Huy Du phổ thơ Xuân Sách), Cô gái vót chông (Hoàng Hiệp phổ thơ Anh Ngọc), Câu hò bên bờ Hiền Lương (Hoàng Hiệp phổ thơ Đằng Giao), Bước chân trên dải Trường Sơn (Vũ Trọng Hối phổ thơ Đăng Thụ), Tiếng đàn bầu (Nguyễn Đình Phúc phổ thơ Lữ Giang), Đôi dép Bác Hồ (Văn An phổ thơ Tạ Hữu Yên), Đợi (Huy Thục phổ thơ Vũ Quần Phương),… Con số đó có thể là nhiều trăm bài, không kể hết. Tất cả những trường hợp trên đều là nhạc sĩ phổ nhạc bài thơ đã có sẵn (ở nước ta, cách làm này là phổ biến chứ hiếm khi ngược lại – sáng tác giai điệu trước rồi mời nhà thơ viết phần lời – như nhiều nước trên thế giới). Trước khi xuất hiện những bài hát trên, người ta đã không hoặc ít biết đến những bài thơ cùng tên. Những nhà thơ vừa kể (và rất nhiều nhà thơ khác) không phải là không có thơ hay, nhưng là những bài khác, không trở thành bài hát, chứ không phải những bài được phổ nhạc.

Ngược lại, có rất nhiều bài thơ nổi tiếng được đông đảo công chúng ưa thích nhưng người ta lại không hề nhớ được tên bài hát mặc dù đã được những nhạc sĩ nổi tiếng phổ nhạc. Có thể dẫn ra một số trường hợp tiêu biểu: Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm (Hồ Bắc phổ nhạc), Đêm nay Bác không ngủ của Minh Huệ (Huy Thục phổ nhạc), Đợi anh về của Ximônốp (Vân Đông phổ nhạc). Chiếc áo xanh của Tố Hữu là một bài thơ hay, đã được ba nhạc sĩ nổi tiếng cùng phổ nhạc là Đỗ Nhuận, Hoàng Vân, Lương Ngọc Thái, nhưng cả ba bài hát đều không đặc sắc, không lưu lại trong trí nhớ người nghe. Những bài thơ hay như Màu tím hoa sim của Hữu Loan, Quê hương của Giang Nam, Núi đôi của Vũ Cao, Hương thầm của Phan Thị Thanh Nhàn, Bói hoa của Đoàn Lê, tôi cũng từng nghe nhưng đã chẳng thể nhớ tên người phổ nhạc.

Tất nhiên, qua hiện tượng trên, chẳng có ai ngây ngô để nghĩ rằng: vậy thì những bài thơ bình thường hoặc dở sẽ trở thành bài hát hay và ngược lại, khi phổ thơ, cứ bài hát không hay là hình thành từ bài thơ đặc sắc. Vấn đề hoàn toàn ở lao động sáng tạo của nhạc sĩ – một thứ sáng tạo lần thứ hai khi phổ thơ. Và cần truy tìm nguyên nhân vì sao có hiện tượng như đã nói. Đã là một bài thơ hay, thường phải hội tụ được những yếu tố cần thiết: ý tứ sâu sắc, độc đáo; kết cấu chặt chẽ, hợp lí, khó có thể cắt bỏ câu chữ nào; cách gieo vần, tạo nhịp điệu phù hợp với ý tứ; từ ngữ tìm tòi ở mức đắt nhất với hàm lượng thông tin cao nhất… Và hẳn nhiên là khi xuất hiện, nó gây được ấn tượng, tạo mĩ cảm tối đa cho người thưởng thức. Nhưng khi chuyển thành bài hát, nhạc sĩ bắt buộc phải tổ chức lại lời lẽ trong một kết cấu, khúc thức nhất định. Nghĩa là không thể bê nguyên xi lời thơ sang bài hát mà phải cắt xén, có khi lại thêm vào, hoặc đảo trình tự các khổ thơ. Rất nhiều khi để cho bài hát hoàn chỉnh thì bài thơ đã không còn hình hài cũ. Như vậy thì không gọi là phổ thơ mà chỉ gọi là phỏng thơ. Thơ hay thì chẳng nên phổ mà chỉ nên phỏng là cùng. Nhưng thường là khi có được bài thơ hay, người nhạc sĩ rất thích thú, cảm thấy tiếc những lời lẽ nhà thơ làm ra nên dễ sa vào việc huy động hết thơ vào bài hát dẫn đến ca khúc lủng củng, rườm rà, lê thê. Như vậy thì không thể hay được. Nhưng những bài thơ Núi đôi của Vũ Cao hay Đêm nay Bác không ngủ của Minh Huệ mà nhạc sĩ đã phổ nhạc thì biết lấy chỗ nào, phổ nhạc chỗ nào? Tôi đã thấy các nhạc sĩ cứ thế mà cho âm nhạc bám theo các câu thơ. Rốt cuộc, bài hát rất dài, loãng. Huy Thục đã không tạo ra bài hát hay từ Đêm nay Bác không ngủ nhưng lại cho ra đời bài Đợi thật đặc sắc. Vấn đề có lẽ ở điểm này: bài thơ của Vũ Quần Phương chỉ ở mức “thường thường bậc trung” chẳng mấy ấn tượng. Một giai điệu thú vị của Huy Thục từ chất liệu ả đào cộng với việc xử lí khúc thức rất hợp lí trong cách phát triển chủ đề âm nhạc đã thổi vào Đợi một diện mạo mới. Còn bài thơ của Minh Huệ thì đã in sâu vào tâm thức của rất nhiều người nên khó có một giai điệu nào đủ sức làm cho người ta thích thú vồ vập. Đó có lẽ là lí do để nghĩ tới một điều: khi một tác phẩm đã định hình, tồn tại vững chắc ở một loại hình nghệ thuật nào đó rồi, nhất là đã có đời sống, tiếng tăm, đã được khẳng định giá trị trường cửu thì hãy hết sức dè dặt trong việc chuyển nó sang một loại hình nghệ thuật khác. Vì khi ấy, mảnh đất dành cho người nghệ sĩ sáng tạo ở loại hình thứ hai sẽ rất hẹp. Nhìn sang các lĩnh vực khác cũng thấy vậy. Từng có rất nhiều đạo diễn điện ảnh của các nước đã đưa những vở bi kịch của Sếchxpia lên màn ảnh nhưng chỉ có Kôfinxép của điện ảnh Xôviết là thành công. Nhưng người ta vẫn thấy là xem Vua Lia trên sân khấu thích hơn xem phim Vua Lia. Cũng như vậy, xem phim Chiến tranh và hoà bình của đạo diễn Bônđasúc không thoả mãn bằng đọc bộ tiểu thuyết vĩ đại cùng tên của Lép Tônxtôi mặc dù đây là bộ phim được thực hiện với tên tuổi của các nghệ sĩ lừng danh nhất Liên Xô. Ở nước ta, công chúng cũng nhanh chóng quên những phim Chị Dậu, Làng Vũ Đại ngày ấy, Số đỏ, Giông tố… bởi họ đã quá yêu thích các tác phẩm văn học của Ngô Tất Tố, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng…

Trở lại với vấn đề phổ thơ, có lẽ cách tốt nhất là nhạc sĩ hãy tìm đến những bài thơ có ý, tứ phù hợp với ý định sáng tác của mình nhưng chưa phải là bài thơ đặc sắc, hoàn hảo. Sự đồng điệu nào đó trong cảm xúc, ý tứ, tư tưởng của tác phẩm sẽ giúp người nhạc sĩ tạo nên bài hát hay. Và thực tế, thành công của những bài hát phổ thơ đã chứng minh điều đó.

Cũng chính vì một thực tế như đã thấy mà có lẽ chẳng ai minh định giá trị một nhà thơ lại căn cứ vào việc nhà thơ ấy có nhiều hay ít bài thơ được phổ nhạc. Có những nhà thơ lớn mà chẳng có bài thơ nào được phổ nhạc, và cũng có những người có tới cả trăm bài thơ trở thành ca từ bài hát nhưng dường như vẫn chưa đáng mặt được gọi là nhà thơ.

Bản thân tôi chưa thấy một bài thơ đặc sắc nào mà khi phổ nhạc, người nhạc sĩ đã tặng công chúng được một bài hát hay (xin nhắc lại, phổ thơ chứ không phải phỏng thơ). Vậy, đặt vấn đề “thơ hay có nên phổ nhạc”, là như thế.  

Theo Nguyễn Đình San ( Văn nghệ quân đội)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *