Bên bờ hạnh phúc

Cách đây gần 30 năm, vào ngày 25/11/1978, các chị Mai Hương, Tôn Phương Lan, Nguyễn Bích Thu là cán bộ của Viện Văn học nhờ tôi đưa tới thăm nhà thơ Xuân Diệu. Theo lời hẹn, nhà thơ Xuân Diệu đã tiếp chúng tôi tại ngôi nhà 24 Điện Biên Phủ. Trong cuộc trò chuyện, nhà thơ lớn của chúng ta đã có những ý kiến thú vị, độc đáo về thơ và cả về vấn đề… sinh sản. Tôi đã ghi lại và xin cung cấp để bạn đọc tham khảo.

Hôm nay các chị muốn hỏi tôi về chuyện chọn thơ Xuân Diệu vào "Tuyển tập". Đây là chuyện đi vào lịch sử, chuyện quan trọng, khắc bia Văn Miếu đấy. Nhưng nói thật Xuân Diệu cũng chẳng cần. Xuân Diệu không đo thơ mình ở mấy centimét trong "Tuyển tập" mà ở quần chúng.

Thơ Xuân Diệu không phải là cái đền để mọi người đi qua cúi đầu mà ngưỡng mộ, mà kính cẩn. Thơ tôi là căn nhà cho mọi người đến trò chuyện. Tôi muốn họ yêu đương nhau, cãi cọ nhau trong thơ tôi.

Tất cả rồi thời gian sẽ đánh giá cái hay cái dở. Nó cũng như chuyện con vịt, không phải cứ to mồm là được mà chủ yếu là phải làm lông thì mới biết con nào béo, con nào gầy. Chuyện làm tuyển chưa phải là cái gì tuyệt đối.

Cái tuyệt đối là những tác phẩm hay, cho nên làm chưa hay thì người khác làm lại. Đối với chúng tôi việc chọn cũng thế. Tiêu chuẩn chật hẹp, mấy bài hay làm sao có thể chứa hết thơ hay của một người. Cho nên cũng phải thay đổi bài chọn. Những bài hay cũng sàn sàn như nhau cả, bài này lần trước được vào thì lần này nhường lại cho bài khác.

Nó không kém gì nên đi vào tuyển cũng vinh dự thêm và vui vẻ cả. Cứ để vinh quang cho một đứa thì tủi thân những đứa khác. Tôi mong cuối cùng thơ tôi được nhớ trong lòng người đọc chứ không phải khắc tên vào lịch sử… Chà chà, đi vào nghiên cứu văn học như các cô quả thật cũng vất vả, nhất là vớ phải con gà gầy có nấu nướng cũng khó.

Tôi nghiên cứu văn học cổ điển: Tú Xương, Nguyễn Khuyến… là tôi thêm vào đó nhiều chứ. Tôi thổi hồn Xuân Diệu vào, tôi trân trọng nâng niu bồi đắp, chứ nếu không thì làm sao có thể tạo được sự sống. Tôi lo lắng nhất là trong thơ không có được sự cảm thông.

Thật là thiệt thòi cho các nhà thơ, cho bạn đọc. Huy Cận còn có người hiểu là Xuân Diệu. Còn Xuân Diệu người ta chưa hiểu Xuân Diệu nhiều lắm. Người ta bất công với Xuân Diệu.

Từ câu chuyện thơ ca Xuân Diệu chuyển sang đời sống gia đình. Xuân Diệu hỏi: "Các cô đây đã có gia đình chưa". Mấy chị nhìn nhau tủm tỉm cười. Chị Mai Hương nói nhỏ: "Chúng em đều đã có gia đình và có người đã có cháu nhỏ". Xuân Diệu gật đầu và bảo:

– Như thế thì phải tính chuyện chửa đẻ, phải có kế hoạch. Một gia đình cũng như một đất nước phải chủ động trong kế hoạch dân số… Đẻ nhiều rồi ăn mày, chứ không phải ăn cám nữa vì cám cũng không có mà ăn. Tôi về Thái Bình, người đông như kiến, chị lái đò chở mãi không hết phải kêu lên. Chạy gạo cũng không đủ nói gì đến xây dựng.

Đáng nhẽ có mấy chục nhà máy nhưng rồi cuối cùng cũng để đong gạo hết. Phải tách chuyện hôn nhân với quan hệ nam nữ, tách hôn nhân với giao hợp. Trai gái trưởng thành có nhu cầu phải giải đáp nhưng không nhất thiết phải trong quan hệ hôn nhân sinh con đẻ cái. Ở bên Hung (Hunggari – HMĐ) học sinh cấp 3 được phát thuốc tránh thụ thai.

Anh Thợ Rèn đi Pháp về nói thuốc tránh thụ thai ở Pháp cho vào thuốc đánh răng và cứ thế người đánh răng cũng đã miễn dịch rồi, đánh răng trước lúc đi ngủ.

Bây giờ ở nước ta coi như chỉ có hai phạm trù thôi, phạm trù đẻ và phạm trù tinh bột. Tinh bột nhiều là đẻ và đẻ nhiều lại thiếu tinh bột… Chao ôi nghĩ đến lắm lúc ngao ngán. Nhưng thôi, chuyện ấy đã có Nhà nước giải quyết…

Theo Hà Minh Đức – CAND Online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *