(TuanVietNam) – Phía Nam Quảng trường Thiên An Môn (Trung Quốc), mặc cho dân địa phương la lối và các khu phố mua sắm sang trọng đang được dựng lên, những người vô gia cư vẫn lũ lượt kéo về. Thay vì tìm cách đuổi họ đi, Zhang Shihe, một blogger 55 tuổi, đã dùng Internet để giúp đỡ họ.

Hàng trăm người đi lang thang trong khu vực này. Hầu hết họ từ nông thôn ra thành phố kiếm việc làm, mong chờ cơ hội thoát khỏi cảnh khốn khó ở quê nhà. Trong số đó có rất nhiều người già và tàn tật.

Tất cả họ kéo đến Tiền Môn, cổng thành của thủ đô Bắc Kinh hoa lệ, để mời chào khách du lịch mua cờ và bản đồ, thu lượm những chai lọ khách quăng đi để bán đồng nát.

Cảnh sát và các đội tuần tra của chính quyền thành phố thường xuyên tiến hành các đợt truy quét những người lang thang ra khỏi khu vực. Nhưng sau mỗi đợt truy quét, những người vô gia cư lại tràn lên vỉa hè để ngủ.

Tiền Môn, nơi những người vô gia cư Trung Quốc thường tụ tập – (Nguồn: english.cri.cn)

 
"Nhà báo" của người vô gia cư

Giờ đây, Internet, một phần của thế giới hiện đại đã đến để giúp đỡ những người vô gia cư ở Tiền Môn theo cái cách mà Zhang Shihe đang thực hiện. Zhang Shihe, một blogger 55 tuổi, ban ngày là một chuyên gia marketing, nhưng ban đêm lại là một nhà từ thiện đầy lòng bác ái.

Đã một năm rưỡi nay, ông dùng Internet như là một phương tiện để nâng cao nhận thức của dân chúng về tình cảnh khốn khổ của những người vô gia cư.

Zhang đã thực sự trở thành người anh hùng trực tuyến khi thực hiện việc nghĩa này. Ông bắt đầu viết blog 5 năm trước để tuyên truyền cho những điều bất công mà ông chứng kiến trên đường phố Bắc Kinh hay những chuyến đi thực tế về các miền nông thôn nghèo đói. Cư dân mạng biết đến ông với tên gọi Miếu Lão Hổ. Còn những người lang thang ở Thiên An Môn thì gọi ông là nhà báo Zhang.

Blogger Miếu Lão Hổ trên những chặng đường trải nghiệm nỗi khổ của những người vô gia cư – (Nguồn: globaloiceonline.org)

 
Ông Zhang bắt đầu chiến dịch dành cho những người vô gia cư vào cuối năm 2007, sau khi ông nấp đằng sau một bức tường và quay phim một ngôi nhà bị phá bỏ và đếm được trong đó có 32 căn phòng bị chiếm dụng bất hợp pháp.

Nhóm người này, chủ yếu là đàn ông, sống trong những căn phòng ngủ chỉ cao bằng đầu gối. Những căn phòng được ghép lại từ gạch vỡ, nhưng đối với họ đó là "khách sạn nhiều sao". Ông Zhang kết bạn với họ và bắt đầu quay phim về nhóm người này và gọi họ là bộ lạc lang thang.

Khi chính quyền phá huỷ "khách sạn nhiều sao" này vào năm ngoái, ông Zhang đã trích đồng lương khiêm tốn 600 USD hàng tháng của mình để mua chăn màn và áo ấm cho những người vô gia cư. Đến mùa đông này, ông nghĩ cần phải có một sự giúp đỡ ổn định và dài hơi hơn.

Làm từ thiện minh bạch, hiệu quả

Ông đã gửi lời yêu cầu giúp đỡ từ những người tình nguyện có lương tri trên 10 trang web và bắt đầu kêu gọi các khoản tiền từ thiện trên blog của mình.

Các cuộc quyên góp trực tiếp dành cho các nạn nhân của trận động đất ở tỉnh Tứ Xuyên hồi năm ngoái đã thu được nhiều kết quả. Nhưng ông Zhang còn lo rằng mọi người có thể còn do dự khi làm từ thiện cho những người vô gia cư, đặc biệt là sau hàng loạt bài phóng sự của thông tấn xã Trung Quốc về bọn lừa đảo bóc lột trẻ em chuyên kêu gọi từ thiện có tổ chức.

Ông chứng minh sự minh bạch trên blog cua mình bằng cách lập hồ sơ cho những khoản tiền từ thiện mình nhận được và chỉ ra món tiền ấy được phân phát như thế nào.

Một người vô gia cư may mắn có chỗ ở trong khu nhà tạm – (Nguồn: IHT)

Một số người làm từ thiện bằng cách tạo việc làm cho những người vô gia cư, những người khác thì gửi quần áo, giường chiếu, đồ đạc, thậm chí cả những vật dụng cần thiết cho công việc bán rong. Lượng tiền mặt nhận được là 4.000 USD, đủ để thuê một dãy phòng nền gạch trong một toà nhà giống như trại lính quân đội.

Một thành viên của bộ lạc lang thang, ông Vương Ngọc Hải, 47 tuổi với một chân tàn tật đã đứng ra làm người quản lý không chính thức của ngôi nhà tạm dành cho những người vô gia cư, nơi có 24 người đang sống chen chúc nhau.

Một trong những người được cưu mang là Trương Tiểu Bình, một thanh niên 26 tuổi bị liệt nửa người. Anh kể, anh trai và chị gái mình – những người chăm sóc anh – đã rời bỏ nhà cửa ở vùng núi Quý Châu đi phương xa tìm việc.

Tuyệt vọng, anh đến quảng trường Thiên An Môn lần cuối trước khi tử tự. Thật may mắn, anh gặp ông Vương và ông đã mang anh về khu nhà trọ. Bây giờ, anh bán sách và chong chóng trên đường. Anh nói, ở đây cuộc sống cay đắng hơn nhưng đầy đủ hơn : "Miễn là tôi có việc làm, rồi tôi sẽ ổn”.

Thanh Huyền – Theo TVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *