Năm mươi năm viết, kể từ Yêu sách của nhân dân Việt Nam (1919) đến Di chúc (1969), trong đó có một sự nghiệp văn chương. Một sự nghiệp văn chương, với nhiều thể văn, rất cơ động, rất linh hoạt và đa dạng, trong đó có những kiệt tác, rồi sẽ đưa Hồ Chí Minh vào hàng Danh nhân văn hóa thế giới.

Thế nhưng, người có một sự nghiệp văn chương như thế, lại không bao giờ tự nhận mình là nhà văn, nhà thơ, mà chỉ nhận mình là nhà báo cách mạng, hoặc rộng hơn, nhà cách mạng.

Một sự nghiệp viết gồm rất nhiều thể và loại, được viết trong suốt cuộc đời hoạt động của Người.

Một sự nghiệp viết chẵn năm mươi năm không ngừng nghỉ, đã để lại những tác phẩm vang động núi sông và làm vẻ vang cho dân tộc, như Bản án chế độ thực dân Pháp (1925), như Nhật ký trong tù (1943), như Tuyên ngôn độc lập (1945), như Di chúc (1969). Nếu ba mươi năm xa xứ là một hành trình không có bất cứ anh hùng chí sĩ nào trong lịch sử và trong nửa đầu thế kỷ XX so sánh được, thì năm mươi năm viết cũng là một kỷ lục khó có một danh nhân văn hóa nào của dân tộc và nhân loại so sánh được.

Năm mươi năm viết, trong đó có một sự nghiệp văn chương. Có nghĩa là sự nghiệp văn chương chỉ là một bộ phận trong sự nghiệp viết của Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh. Soi kỹ vào sự nghiệp đó thấy có hai giai đoạn đặc biệt, Nguyễn Ái Quốc đã tập trung cho sự nghiệp văn chương, vốn được Nguyễn xem như là “vũ khí của tiếng nói”. Đó là giai đoạn 1919 – 1923 ở Paris, Nguyễn đã xuất hiện trong tư cách người chủ trì tờ báo Người cùng khổ (Le Paria). Là người đã viết vở kịch Con rồng tre để công kích tên vua bù nhìn Khải Định. Đã viết Bản án… nhằm cảnh tỉnh thế giới phương Tây và thức tỉnh thế giới phương Đông, trong đó có hai nhân vật trung tâm là những tên chủ thực dân và những người nô lệ trên khắp thế giới. Với tên chủ thực dân, tác phẩm có giá trị một bản án; với người nô lệ da màu, tác phẩm khẳng định tư cách người kết án. Cùng với Bản án… Nguyễn còn viết nhiều truyện và ký với phong cách hiện đại sắc sảo, trên chủ đề chống chủ nghĩa thực dân và vạch rõ sự hủ lậu của phong kiến Nam triều, như: Vi hành, Lời than vãn của bà Trưng Trắc, Những trò lố hay là Varen và Phan Bội Châu…

Và giai đoạn thứ hai trong sự nghiệp văn chương của Nguyễn Ái Quốc, đó là thời kỳ 1941 – 1945, sau khi Nguyễn Ái Quốc về nước. Đây là lúc thời cơ cách mạng đã đến với dân tộc Việt Nam; và Nguyễn đã về đúng lúc để lĩnh sứ mệnh là vị Tổng chỉ huy tối cao của dân tộc, trong trận đánh sinh tử cuối cùng nhằm lật đổ hai tầng áp bức Pháp – Nhật và xóa bỏ nền chuyên chế phong kiến kéo dài hàng nghìn năm.

 

Về với Tổ quốc, sau ba mươi năm xa xứ, cảm xúc về quê hương đã gợi nguồn cảm hứng cho "ông ké cách mạng", rồi từ đây sẽ mang tên Hồ Chí Minh làm hai bài thơ về Pắc Bó; và ngay sau đó là trên ba mươi bài thơ tuyên truyền cổ động viết cho tờ báo Việt Nam độc lập nhằm mục đích tuyên truyền, tổ chức cách mạng trong quần chúng nhân dân vùng căn cứ địa.

Năm 1942 là năm Hồ Chí Minh viết Lịch sử nước ta – 218 câu, tóm tắt một cách rất cô đúc lịch sử dân tộc kể từ ngày tổ tiên dựng nước – “Hồng Bàng là tổ nước ta” đến “trước ngày khởi nghĩa Việt Minh bắt đầu”, với mục đích: 

“Dân ta phải biết sử ta

Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam” ..

“Sử ta” chứ không phải “sử Tàu”, cũng không phải là sử của “mẫu quốc Gôloa”.

Năm 1943, Hồ Chí Minh sang Trung Quốc và bị bắt ở Quảng Tây; bị giam cầm và giải tới giải lui trên khắp mười ba huyện trong mười bốn tháng trời. Đó là hoàn cảnh đặc biệt để Hồ Chí Minh viết nên tập thơ chữ Hán Ngục trung nhật ký gồm 135 bài. Một hoàn cảnh ngẫu nhiên mà có thơ! Và tập thơ ra đời trong hoàn cảnh ngẫu nhiên ấy đã đem lại một phẩm chất đặc biệt, làm nên tên tuổi một nhà thơ lớn, một nghệ sĩ đích thực, một giá trị nhân văn sâu sắc, một tầm vóc văn hóa cỡ nhân loại, một Con Người viết hoa…

Năm 1945, Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn độc lập, với tâm thế sảng khoái nhất trong đời viết của mình. Có thể xem Tuyên ngôn… như một điểm ngưng tụ và tỏa sáng trong sự nghiệp viết của Hồ Chí Minh.

Tuyên ngôn độc lập mở ra giai đoạn Hồ Chí Minh trong lịch sử thơ văn Việt Nam hiện đại. Giai đoạn của sự hòa điệu, hòa nhập vũ khí tiếng nói và tiếng nói vũ khí. Ở mỗi người dân Việt Nam hôm nay, thuộc mọi thế hệ, đều có thể tìm thấy được, qua Tuyên ngôn độc lập sự kết nối khăng khít với truyền thống như một hậu sinh xứng đáng; và sự gắn bó với nhân loại như một người đồng hành.

Đây là sự kết thúc giai đoạn thứ hai sự nghiệp văn chương Hồ Chí Minh, trong một sự nghiệp viết chẵn năm mươi năm của Người.

Theo GS Phong Lê (phunuonline)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *