Bên bờ hạnh phúc

Đạo diễn Trần Văn Thủy : "Tôi chỉ nói những điều mình nghĩ"

(TuanVietNam) – Không chỉ phác họa chân dung, con người và khai thác tư tưởng của học giả Nguyễn Văn Vĩnh, NSND Trần Văn Thủy đã cùng với gia đình, con cháu cụ Vĩnh cất lên tiếng nói "phản biện", định danh lại những định kiến cũ xưa về người chủ bút đầu tiên của báo chữ quốc ngữ ở Bắc Kỳ, dịch giả xuất sắc, nhà văn hóa thấm đẫm tinh thần dân tộc…

"Tôi ý thức được mình phải tuyệt đối trung thực"

NSND Trần Văn Thủy (Ảnh: Lê Thoa)


– Có phần nào trong phim mà đạo diễn Trần Văn Thủy mượn nhân vật để nói lên quan điểm, tư tưởng riêng của mình?

– NSND Trần Văn Thủy : Cách làm của bộ phim này là mời những nhà nghiên cứu, sử gia, nhà văn, nhà báo… uy tín tham gia trao đổi và chúng tôi tôn trọng hiện thực khách quan. (Đó là các giáo sư : Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Huệ Chi, Chương Thâu, Nguyễn Chung Tú, Trần Văn Khê, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, đại tá Yên Ba, nhà báo Trần Hòa Bình… và nhiều học giả Pháp khác – PV).

Xem phim thì bạn đã thấy tất cả những người này đã nói một cách nồng nhiệt, rút ruột ra để nói hay bức xúc như thế nào.

Sự thật thì có những câu nói còn thẳng thắn, quyết liệt hơn thế nhiều, nhưng để tránh đi những sự đụng chạm hay phát biểu tản mạn quá mà xa rời chủ đề của phim nên chúng tôi không đưa vào.

Có lẽ câu hỏi của bạn liên quan đến phần về giấc mơ về cụ Vĩnh trong bộ phim…

Khi nhà văn – đại tá Yên Ba xem đi xem lại bộ phim này cũng nói, đoạn về giấc mơ này… rất Trần Văn Thủy! Cũng có thể đó là câu khen, động viên, cũng có thể là câu rất là nghi vấn.

Tôi là người làm phim luôn bị đứng trước sự nghi ngờ. Ví dụ như phim "Hà Nội trong mắt ai", khi làm xong, rất nhiều người có trách nhiệm ở Viện Văn, Viện Sử, Viện Triết, Viện Hán Nôm… đã xác định lại những chi tiết về lịch sử trong bộ phim này xem có đoạn nào trong bộ phim này tôi bịa đặt không! Hay các nhân vật trong bộ phim "Chuyện tử tế" cũng thế.

Nếu tôi làm phim truyện, mà tôi không nói là sẽ khó hơn hay dễ hơn, cần hư cấu thì có thể khác. Thế nhưng, với phim tài liệu thì tôi được dạy bảo và cũng ý thức rằng mình phải tuyệt đối trung thực với lịch sử, với vấn đề. Bởi khác các loại hình của kịch, sân khấu, văn học… với phim tài liệu, anh phải tuyệt đối chính xác, phải trung thực.

"Tản mạn về người man di hiện đại" ra đời nhân 125 năm ngày sinh Nguyễn Văn Vĩnh (15/6/1882 – 15/6/2007), 100 năm Đông Kinh nghĩa thục, 100 năm Đăng cổ tùng báo (tờ báo chữ quốc ngữ đầu tiên ở Bắc kỳ).

Tác giả : Nguyễn Lân Bình (cháu nội học giả Nguyễn Văn Vĩnh)

Đạo diễn : Trần Văn Thủy

Quay phim : Nguyễn Sĩ Bằng

Giáo  Phan Huy Lê đánh giá: "Đây là bộ phim tài liệu lịch sử đầu tiên ở VN do cá nhân thực hiện mà không dựa vào sự hỗ trợ của bất kỳ một tổ chức nào và đạt được sự cuốn hút tuyệt đối đến phút chót".

– Làm sao để thẩm định được giấc mơ như đã có, trong một bộ phim tài liệu, như trong "Tản mạn về người man di hiện đại"?

– NSND Trần Văn Thủy : Chuyện này không thể kiểm định được, có thể nói chắc chắn là như vậy. Tôi đã bị ám ảnh với những giấc mơ về cụ Nguyễn Văn Vĩnh thế nào thì chính là người cháu nội của cụ Vĩnh là anh Nguyễn Lân Bình (người không tiếc công, tiếc của để đầu tư và theo đuổi bộ phim này – PV) nắm rõ nhất.

Có những lần, tôi mơ lúc bốn giờ rưỡi sáng. Không chịu nổi, nước mắt nước mũi tôi dàn dụa ra. Tôi bấm điện thoại gọi : "Bình ơi… ". Bình hốt hoảng : "Có chuyện gì thế anh?". Tôi mới bảo, tôi vừa nằm mơ thấy cụ. Trong suốt một thời gian dài như thế.

Bộ phim thực hiện trong vòng một năm, nhưng quá trình chuẩn bị, hoàn thiện nó là cả một khoảng thời gian dài nữa chứ đâu chỉ có một năm. Cho đến bây giờ, tôi vẫn bị ám ảnh về cụ Vĩnh.

Nếu như cụ là một nhân vật văn hóa được tôn vinh, được đánh giá, khẳng định xứng đáng như những gì cụ đã đóng góp cho dân tộc, cho lịch sử thì tôi cũng chẳng nặng lòng, chẳng bận tâm. Nhưng nghịch cảnh làm cho tôi bị ám ảnh là dẫu có giàu có đi chăng nữa, chúng ta cũng không thể trở thành một dân tộc lớn nếu không có một nền văn hóa có chiều sâu và những nhân vật văn hóa có tầm cỡ.

Lý do cực kỳ quan trọng thôi thúc tôi làm phim về Nguyễn Văn Vĩnh là chúng ta phải có sự nhận thức lại những giá trị đích thực của dân tộc, để chúng ta có thể ngẩng mặt lên nhìn thiên hạ khi chúng ta có một nền văn hóa xứng đáng, với những danh nhân văn hóa lớn. Và tôi vẫn luôn nghĩ rằng, một dân tộc lớn thì không thể chỉ bằng những chiến công trong quá khứ, cũng không thể trở thành dân tộc lớn chỉ bằng nhiều tiền, lắm của.

Những giấc của tôi về cụ Nguyễn Văn Vĩnh, với tôi cũng là những giấc mơ cực kỳ xúc động. Tại sao chưa thấy ai trong các hậu duệ của cụ Vĩnh nằm mơ thấy cụ, mà tôi nằm mơ thấy cụ thì cũng là điều lạ chứ!?

Nếu nói tôi gửi gắm lòng tôi qua những giấc mơ về cụ Vĩnh thì tôi cũng không cãi vì rõ ràng là có tâm cảm, sự đồng cảm của tôi ở trong đó. Mà hồn vía của cụ Vĩnh cũng nằm ở trong đó. Nếu chúng ta đọc lại tất cả những gì cụ viết trên báo chí, trên sách vở, những điều cụ đã nói… thì sẽ thấy điều đó.

– Những học giả, nhà khoa học, nhà báo… được phỏng vấn trong phim có ai phàn nàn, phiền trách gì về những phát ngôn của họ được dựng lên phim?

– NSND Trần Văn Thủy : Tôi có thể nói một điều chắc chắn là tất cả mọi người đều rất hài lòng. Tôi là người cực kỳ cẩn mực và có kinh nghiệm trong việc sử dụng ý kiến của họ. Điều này đã thể hiện qua rất nhiều bộ phim của tôi đã làm.

Mỗi người được mời quay có khi nói một, hai tiếng, chứ không phải mười, hai mươi phút như chúng ta thấy trên phim. Làm cái này công phu lắm. Chúng tôi đã chép lại toàn bộ những gì họ nói trên giấy, tới vài trăm trang, sau đó làm một việc là dựng phim trên giấy, ráp các câu lại với nhau.

Dựng phim xong, chúng tôi mời tất cả những người đã tham gia, dù nói ít hay nói nhiều, xem bộ phim này. Họ là người kiểm chứng, xem tinh thần của họ, điều họ nói có đúng không. Thậm chí, Nguyễn Lân Bình đã phải đem phim vào Sài Gòn để các vị ấy xem chúng tôi dựng như thế có được không và tất cả các vị ấy đều bằng lòng. Có điều này là vì cái tâm của những người tham giả trả lời phỏng vấn, họ có mẫu số chung ở đó, có tâm ở đó.

Chúng tôi thấy may mắn là đã bấm máy ngay trong thời điểm ấy, chứ đến bây giờ nhiều người trong số đó đã yếu quá rồi… Như bác Nguyễn Chung Tú, bà Mười, bà Phan Thị Minh (cháu ngoại cụ Phan Chu Trinh)… bây giờ không nói được nữa. Bác Trần Văn Khê, bác Nguyễn Đình Đầu đã yếu hơn. Anh Trần Hòa Bình đã đột ngột ra đi rồi…

"Tôi ngưỡng vọng trước cụ Vĩnh"

– Trong báo của mình, ông chủ bút Nguyễn Văn Vĩnh có mục "Xét tật mình". Trong một bức thư gửi người bạn thân là cụ Phạm Duy Tốn, viết sau chuyến đi Pháp, cụ Vĩnh viết : "Nhận tội lỗi của mình có phải là một sự nhục nhã gì cho cam! Người nào mà đã trông thấy nhiều điều lẫm lỗi của mình, người ấy gần đi đến chữ hoàn toàn… ". Nếu theo lẽ "nhân vô thập toàn" và tránh "thần thánh hóa" nhân vật thì cá nhân đạo diễn thấy có những điểm hạn chế gì ở con người, tư tưởng của học giả Nguyễn Văn Vĩnh bên cạnh những điều lớn lao, vĩ đại mà rất nhiều người đã tôn vinh, đánh giá trong suốt bộ phim?

*NSND Trần Văn Thủy sinh năm 1940 tại Nam Định. Trong chiến tranh VN, ông làm phóng viên chiến trường.

 

– Đạo diễn trên 20 phim tài liệu, nhiều phim đoạt giải cao trong các LHP quốc tế, trong đó có : Những người dân quê tôi, Phản bội (1979), Hà Nội trong mắt ai, Chuyện tử tế (1985), Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai (1999), Chuyện từ một góc phố (2003)…

– Được trao tặng danh hiệu "Chứng nhân của thế giới" tại một Festival dành cho 200 nhà làm phim tài liệu độc lập tổ chức tại New York (Mỹ).

– NSND Trần Văn Thủy : Đây là một câu hỏi hơi đột ngột đối với tôi. Có thể tôi quá say sưa với những chuyện hay, điều vĩ đại của cụ Vĩnh mà tôi chưa kịp nhận ra. Có lẽ phải có thời gian. Nhưng trước hết, tôi đã thấy được những điều như thế là mình mừng, mình sướng rồi. Một con người như thế rất đáng tự hào, là tấm gương cho hậu thế.

Tôi biết, nếu tôi cứ nói vống lên, không dành sự phán xử, đánh giá của người xem thì cũng là một khiếm khuyết, một cái dở. Anh phải biết tự kiềm chế tình cảm của anh khi anh nói về một nhân vật nào đó.

Nhưng hầu hết những người nghiên cứu, tìm hiểu hay xem phim về ông đều cảm nhận tương tự như tôi. Như có người đã xem phim xong, gọi điện cho tôi nói, trước đây, em rất lơ mơ về Nguyễn Văn Vĩnh, bây giờ em mới hiểu không ngờ tầm vóc của Nguyễn Văn Vĩnh lại lớn lao như thế.

– Còn câu nói : "Nước ta sau này hay hay dở là nhờ chữ quốc ngữ", ông có cho rằng câu đó là một lời "sấm truyền" và còn ý nghĩa gì với thực tế nước ta hiện nay?

– NSND Trần Văn Thủy : Câu đó được đánh giá là cực kỳ hay, cực kỳ cần thiết trong thời điểm 90% dân chúng mù chữ, trong thời điểm người ta vẫn còn lưng xuống để học chữ nôm và chữ Hán.

Như nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc nói, nếu đèn sách học chữ Hán, chữ Nôm thì 10 năm may ra mới học thông viết thạo. Người được coi là giỏi chữ Hán đến như ông Quách Mạt Nhược cũng chỉ biết khoảng 90% thôi. Chữ quốc ngữ thì chỉ cần 3 tháng là có thể học thông viết thạo.

Đây cũng là câu hỏi hay khi đến nay nhìn lại, có thể thấy tinh thần ấy, câu nói "sấm truyền" ấy, may rằng đã được chứng minh khi chữ quốc ngữ đã trở thành hệ chữ quốc gia, đã thấm sâu vào các tầng lớp nhân dân, cho nhiều thế hệ… Khi tiến tới Cách mạng Tháng 8 thì Việt Minh và cụ Hồ đã làm một việc hết sức ý nghĩa là toàn dân diệt giặc dốt.

Như thế, câu nói ấy và chữ quốc ngữ đã hoàn thành sứ mệnh của nó với công lao của nhiều người, nhiều thế hệ…

Nước Nam ta hay hay dở không còn ở chữ quốc ngữ nữa, mà là ở rất nhiều vấn đề, mà cái này tùy vào hoàn cảnh, trình độ, tâm trạng của mỗi người mà phát hiện ra điều gì mang tính quyết định. Với tôi, vấn đề bây giờ là nước Nam hay hay dở tùy thuộc vào việc mọi người có thể nói được điều mình nghĩ hay không.

*Anh Nguyễn Lân Bình (cháu nội của học giả Nguyễn Văn Vĩnh) :

 
Anh Nguyễn Lân Bình bên con đường mang tên luật sư Nguyễn Phùng ở thành phố Mongpelier, Pháp

Bộ phim "Mạn đàm về người man di hiện đại" ra đời theo cách không thông thường ở ta. Tôi khẳng định, đây là bộ phim do tôi và gia tộc của học giả Nguyễn Văn Vĩnh đầu tư và thực hiện chứ không phải phim của Nhà nước.

Giấy chứng nhận bản quyền tác giả do Cục Bản quyền tác giả – Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch cấp ngày 13/2/2008 (khi đó còn là con dấu Bộ Văn hóa – Thông tin) đã cấp cho tôi với tư cách là Giám đốc sản xuất.

Tôi đã thuê đạo diễn Trần Văn Thủy và các cộng sự thực hiện bộ phim. Rất tiếc là việc này không có hợp đồng bằng văn bản cụ thể, mà là đặt hàng bằng miệng.

Tuy nhiên, chúng tôi đã thanh toán toàn bộ chi phí cho Đoàn làm phim và có sự ký nhận đầy đủ. 100% chi phí thanh toán thế nào thì tôi đã công bố trước gia tộc của mình.

Có người hỏi tôi, thắng lợi lớn nhất mà tôi đã làm được là gì, thì đó là việc một mình tôi đã quyết toàn bộ để đi tới hoàn thiện bộ phim này.

Cũng có rất nhiều người hỏi tôi về tổng chi phí làm phim này, hiện tôi chưa muốn nói ra, vì có thể sẽ làm mếch lòng nhiều nhà làm phim của Nhà nước và có thể gây ngạc nhiên vì mức độ đầu tư quá rẻ của nó so với những bộ phim khác.

Điều băn khoăn hơn cả của tôi ở thời điểm này là sao để xã hội nhìn nhận vấn đề theo quy luật tự nhiên là biết ơn đối với công lao và sự cống hiến của những người đi trước…

Bùi Dũng (thực hiện) – Theo TVN 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *