Bên bờ hạnh phúc

Hành lang bệnh viện rộng, gió lay, lá vàng rụng, không gian trắng, chiều cuối năm. Nằm ở đây là những người bị đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, hen phế quản… tỉ thứ bệnh già.

Bệnh nhân tên Nguyễn Hữu Lộc đang được một ôsin chăm sóc, báo hiếu thay con của cụ đang bận trăm công ngàn việc: “Ông ơi chịu khó nhé, để con lau mặt cho ông nhẹ người, rồi ăn xúp nhé”, ai nhìn cũng ngỡ chị ta là con gái ông Lộc. Cô ôsin chuyện rau ráu: “Cụ Hữu Lộc để lại lắm lộc, đất đai, vườn tược, bán đi mảnh vườn là đủ mua ôtô biệt thự, cô con gái thi thoảng mới vào thăm cụ thôi. Có khi con gái cụ còn đeo khẩu trang sợi hoạt tính để tránh nhiễm vi trùng, ối giời, nước hoa thơm ơi là thơm. Cô về rồi mà cháu vẫn thấy thơm. Khác hẳn cụ bà Thanh Kim kia, con cái khá giả mà tỵ nạnh nhau chăm mẹ, vào muộn có mấy phút thăm nuôi mà hắt nước vào mặt nhau. Người vào sau thanh minh tắc đường, người vào trước trả đũa, mai tao vào muộn hơn đấy vì cũng sẽ tắc đường. Bà cụ uất tắt thở, mất mẹ rồi thì hai đứa đổ vấy lỗi cho nhau”.

Ảnh minh họa

 

Hành lang bệnh viện một chiều mùa đông, lá vàng thẫm cả lối đi, có cụ định giơ bàn tay ra chào con mà không dám, bởi người cha thời trẻ đã đối xử không công bằng với hai đứa con. Rốt cục, đứa con nghèo không học hành thành đạt lại hiếu đễ, còn thằng em trai được bố yêu, dành cho nhiều thứ nhất thì ngoảnh mặt đi khi bố ốm. Lại có người con ngoài năm mươi, đang nằm chờ chết vì tai nạn giao thông. Tay này lúc sống đã thề không nhìn mặt bố, còn cho cha đẻ uống thuốc ngủ liều cao, may mà thuốc dỏm, ông được cứu. Bây giờ người cha vẫn chăm con, lá vàng cúi xuống lau mặt cho lá xanh.

Ôsin vẫn rau ráu chuyện. Mấy đứa con cụ Hữu Lộc đã mua tour du lịch tết tây tới, nói đi công tác ở Trà Cổ, tăng giá tiền trông nom cho ôsin. Con cụ đi xem bói bảo số ông này khó chết, nằm đến gần hết của mới đi. Thế nên, viện lão khoa là nhà của cụ, vào ra như vườn nhà.

Có cụ khoẻ hơn như cụ Thơm thì con gửi vào trại dưỡng lão ở quận Cầu Giấy. Cụ Thơm bảo, cụ không còn nhà, bán đi chia tiền cho con, cầm xong tiền chúng dỗ cụ vào trại dưỡng lão, mỗi tháng vào thăm đôi lần. Trong viện dưỡng lão có bạn già đỡ đần nhau, tết, có cụ không về nhà. Nhưng tôi dám chắc, ai cũng đối mặt với nỗi cô đơn. Nhấm nháp nỗi cô đơn mỗi người một khác, nhưng tuổi già ai dám nói to bao giờ.

Nấc thang của tình nghĩa cha con, mẹ con như không có phanh ở bước trượt tình cảm. Nó còn ám ảnh rất lâu, khi chạm mắt vào những thân hình co lại trên giường bệnh, như một dấu hỏi hình người. Vì sao bệnh máu lạnh lại lan rộng nhanh thế ở những người phất lên từ đất đai, dự án?

Tôi nhìn thấy không gian trắng ở hành lang bệnh viện, chợt nhớ câu thơ của Xuân Quỳnh tình yêu mỏng mảnh như màu khói ở đoạn kết đời người mà ai rồi cũng phải đối mặt.

Hoàng Việt Hoằng – Theo SGTT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *