Bên bờ hạnh phúc

Đêm công diễn Bắc Sơn (6/4/1946) trên sân khấu Nhà hát lớn Hà Nội đã đem đến cho vở kịch mới của Nguyễn Huy Tưởng sự thành công vang dội.

Phần lớn các báo đánh giá cao về kịch bản cũng như vở diễn, thậm chí có báo còn khẳng định: “Bắc Sơn xứng đáng là vở kịch cách mạng thành công nhất từ trước tới nay” (Vì nước, 5/4), hay “Bắc Sơn mở ra một nền kịch mới” (Kiến thiết, 14/4)… Có báo tuy chê khá nặng, như “tác giả có vẻ cẩu thả vội vàng trong khi cấu tạo hai vai chính của vở kịch” (Thái và Ngọc), nhưng vẫn ghi nhận “Bắc Sơn quyến rũ được người xem, vì vở kịch có nhiều lúc rất cảm động, hồi hộp” (Đồng minh, 7/4). Trong khi đi vào phân tích các khía cạnh của vở diễn, các báo cũng không quên đề cập đến hai thành phần quan trọng của sân khấu kịch: âm nhạc và mỹ thuật. Như có báo viết: “Bản nhạc Bắc Sơn, một tác phẩm mới của Văn Cao, được ban âm nhạc Vệ quốc đoàn trình bày một cách đích đáng… Bài trí của Trần Đình Thọ, cũng đơn giản như tất cả những bài trí của họa sĩ ấy, mà không thiếu thắm tươi” (Độc lập, 7/4).

Bìa cuốn Bắc Sơn, Hội Văn hóa cứu quốc xuất bản, tháng 7/1946.

Sau này, nhà văn Như Phong khi viết bài Vài kỷ niệm về Nguyễn Huy Tưởng đã hồi tưởng lại ấn tượng khó quên của đêm công diễn Bắc Sơn ngày nào: “Anh em Văn hóa cứu quốc có mặt hầu như đầy đủ, hôm ấy, mới đầu còn hồi hộp, nghe ngóng, phấp phỏng, nhưng rồi thấy người xem nhiệt liệt hoan nghênh, thấy vở kịch của Nguyễn Huy Tưởng đã chinh phục được lòng người, ai nấy đều thấy trào dâng lên đầy ắp lồng ngực một niềm phấn khởi to lớn, một sự tự hào về người bạn đồng đội của mình. Nguyễn Huy Tưởng đã thành công rực rỡ”. Còn bản thân tác giả thì cũng như bị cuốn vào không khí tưng bừng của đêm diễn. Nhật ký những ngày này của ông cho biết: “Mải đi xem Bắc Sơn quên cả thuốc cho con. Con tinh thần trọng hơn con đẻ” (5 – 6/6)…

Như một phản ứng dây chuyền, nhiều nơi đua nhau dựng kịch Bắc Sơn – ở Vinh, ở Quảng Ngãi, ở Tuy Hòa… ­- do các đoàn kịch chuyên và không chuyên biểu diễn. Công chúng không chỉ háo hức xem vở diễn, mà còn mong muốn được đọc vở kịch (bấy giờ, kịch là một thể loại văn học khá được ưa chuộng). Tình thế đương nhiên đặt ra cho Hội Văn hóa cứu quốc cũng như tác giả Bắc Sơn vấn đề gấp rút xuất bản vở kịch. Song, từ kịch bản sân khấu đến ấn phẩm xuất bản là cả một quãng đường dài, không chỉ có việc chỉnh sửa văn bản mà bao quát hơn, là việc kết cấu, bố cục toàn bộ cuốn sách, trong đó có các thành phần kèm theo ngoài kịch bản. Thế là, như một thói quen của Nguyễn Huy Tưởng mỗi khi chuẩn bị cho xuất bản tác phẩm, ông bắt tay sửa chữa bản thảo, trau chuốt lời văn, cấu tứ lại các vai và hành động kịch, trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp của các đồng chí trong Văn hóa cứu quốc và nhất là các lời chê trên báo chí. Đồng thời, như một sự tiếp nối, các văn nghệ sĩ có tham gia vào vở diễn (về âm nhạc và mỹ thuật) cũng sẽ có mặt trong ấn phẩm: họa sĩ Trần Đình Thọ, người bài trí sân khấu sẽ có một phụ bản màu in ở đầu sách; nhạc sĩ Văn Cao, người lo phần âm nhạc cho vở diễn sẽ góp phần bằng bản nhạc Bắc Sơn

Bản nhạc Bắc Sơn của Văn Cao.

Đặc biệt, nhà văn Nguyễn Đình Thi, Tổng thư ký Hội Văn hóa cứu quốc sẽ có một lời “Tựa” cho cuốn sách, không chỉ để đánh giá riêng về vở kịch mà qua đó đề cập đến một vấn đề đang khiến nhiều người băn khoăn: tương lai của nền văn nghệ cách mạng. Cuối cùng, không thể không kể đến một yếu tố đặc biệt gây ấn tượng của cuốn sách: phần Phụ lục “Các báo phê bình kịch Bắc Sơn”. Phần Phụ lục này tập hợp các bài báo – khen có chê có – về vở kịch cũng như vở diễn, đăng tải từ 5/4 (một ngày trước đêm công diễn) đến ngày 16/6, gần hai tháng rưỡi sau. Và chỉ bốn ngày sau đó (20/6), ấn phẩm Bắc Sơn được cấp phép kiểm duyệt (bấy giờ vẫn áp dụng chế độ kiểm duyệt, như thông tin được in ở trang 2 cuốn sách cho biết)!

Từ đó đến khi sách ra: bất quá chỉ trong vòng nửa tháng! (Nhật ký Nguyễn Huy Tưởng ngày 2/8/1946 có ghi: “Bắc Sơn chưa ra được một tháng đã hết”. Nghĩa là thời điểm ra sách là vào khoảng đầu tháng 7).

Tựu trung, xin được điểm lại một số mốc thời gian liên quan đến câu chuyện Bắc Sơn: công diễn: đêm 6-4; hoàn tất bản thảo để có thể duyệt in: 16/6 (ngày đăng bài báo cuối cùng về vở kịch, có trong phần Phụ lục); được cấp giấy phép kiểm duyệt: 20/6; xuất bản: đầu tháng 7/1946.

Phụ bản của Trần Đình Thọ, in trên giấy dó ở đầu sách.

Mà đó là một ấn phẩm như thế nào. Một vở kịch bề thế năm hồi, do Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam xuất bản, với sự tham gia của các tên tuổi: Nguyễn Huy Tưởng (kịch bản); Văn Cao (bản nhạc Bắc Sơn); Trần Đình Thọ (phụ bản màu); Nguyễn Đình Thi (viết lời “Tựa”). Kèm theo là 15 trang đăng tải các ý kiến đánh giá về tác phẩm. Tất cả được thực hiện trong vòng ba tháng xuân hè của năm dân quốc đầu tiên, 1946 – Những tháng năm mà con thuyền cách mạng đang còn phải lo chống chọi với biết bao khó khăn, thách thức của giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm!

Lời đề tặng của tác giả.
Lời đề tặng của tác giả.

Còn điều này nữa cũng rất đáng nói với bạn đọc hôm nay: Ngoài các bản in thường, trang lưu chiểu cuối sách cho biết còn có 30 bản quý có chữ ký của tác giả. Trong đó, ngoài 26 bản có đánh số VH (văn hóa) từ 1 đến 26, có 4 bản đặc biệt ghi chữ NHT, NĐT, VC, TĐT – đó là viết tắt tên bốn tác giả đã góp phần quan trọng vào cuốn sách: Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Văn Cao và Trần Đình Thọ. Ở trang đầu bản có in chữ NHT dành riêng cho mình, dưới hàng tít BẮC SƠN, Nguyễn Huy Tưởng cẩn thận ghi lời đề tặng: “Bản NGUYỄN HUY TƯỞNG tặng UYÊN, HIỀN, THỤC – Hà nội, 12-7-46 – Huy Tưởng” (Uyên là tên người bạn đời của ông, Hiền và Thục là hai con gái). Đó cũng chính là cuốn sách đang được lưu giữ trong gia đình nhà văn – bản in Bắc Sơn xuất bản lần thứ nhất, cách đây 64 năm…

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng mất cách đây vừa tròn 50 năm. Nhưng một cuốn sách như cuốn Bắc Sơn kể trên đã phần nào minh chứng cho một thời làm sách đầy tự hào, tự trọng của ông và các đồng chí trong Văn hóa cứu quốc – những người mang khát vọng mở ra một nền văn nghệ mới, văn hóa và sang trọng…

Theo Nguyễn Huy Thắng – eVan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *