(Ảnh minh họa: my.opera.com) 

 Giữa vùng đồng quê yên ả, cuộc sống của những người dân bao năm vẫn chân lấm tay bùn và gắn bó với nghề mây tre đan truyền thống nhưng mấy ai biết được ở nơi ấy vẫn còn lưu giữ được loại hình nghệ thuật ca trù. Đó là giáo phường ca trù xưa và CLB Đồng Trữ, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội ngày nay.

Chúng tôi tìm về làng Đồng Trữ vào một ngày cuối tháng 5. Từ QL6 men theo con đường rải nhựa khoảng một cây số, đình làng Đồng Trữ khang trang đã hiện ra trước mắt, không khó khăn gì để chúng tôi tìm hiểu về ca trù Đồng Trữ, loại hình văn hóa, nghệ thuật đã gắn liền với người dân trong làng hàng trăm năm qua.

Những nghệ sĩ chân đất

Theo những nghệ nhân ca trù trong làng thì chẳng biết ca trù có từ bao giờ nhưng từ khi xuất hiện ở làng này đến giờ đã trên hai trăm năm. Người có công gây dựng và phát triển ca trù làng Đồng Trữ là cụ Trần Bá Dinh (còn gọi là Trần Dinh, sinh năm 1873 và mất năm 1945), con của một dòng họ lớn và nổi tiếng nhất trong làng.

Tưởng nhớ công ơn cụ, hàng năm gia tộc và giáo phường Đồng Trữ làm giỗ cụ vào ngày 27 tháng Giêng. Ngày đó, cụ học được ca trù ở đâu rồi về dạy cho con cháu, dâu rể trong dòng họ. Đến khi thành thạo, con cháu, dâu rể của cụ Dinh, cứ một ca nương, một kép đàn tạo thành một cặp đi khắp các xã của Chương Mỹ và những huyện lân cận biểu diễn trong các dịp khao làng, lễ hội, cưới xin…

Từ thời cụ Dinh đến nay đã qua ba thế hệ giáo phường Đồng Trữ, những ca nương, kép đàn còn sống đều đã ở tuổi xưa nay hiếm, đều đã vượt qua khắc nghiệt thời gian, nếm trải thăng trầm của nghệ tổ, để hôm nay cùng ngồi đây ôn lại một thời ca trù vinh thịnh Đồng Trữ.

Người có công phục dựng ca trù Đồng Trữ là Chủ nhiệm HTX tiểu thủ công nghiệp Nguyễn Đức Luống. Đã ngoài thất tuần, dường như vai Chủ nhiệm HTX gắn với vai Chủ nhiệm CLB ca trù như hai lối rẽ khác nhau, nhưng ở đây hai con đường ấy với ông Luống lại cùng chung một mục đích. Đó là làm kinh tế để duy trì niềm đam mê ca trù của quê hương.  

Hơn nửa thế kỷ trước, giáo phường ca trù "tan tác" mỗi người một nơi; đói ăn, kép đàn, rồi đào nương đều bỏ quê, tìm kiếm việc làm, hoài niệm về giáo phường một thời "nổi đình đám" nay chỉ còn được nhắc đến trong ký ức của người già.

Một buổi tập luyện của CLB ca trù Đồng Trữ. 

 

Vốn là người yêu nghệ thuật, lại là gia đình có truyền thống ca trù trong làng, tuy không cầm kiếp đàn ca nhưng ông luôn trăn trở: "Chẳng lẽ đến đời con, đời cháu của mình, ca trù chỉ còn là hoài niệm?". Đem ý định phục dựng ca trù trình bày với cụ Bống, cụ Gái là hai đào nương – hai nghệ nhân ca trù cuối cùng của làng và mời các cụ đứng ra tập luyện cho con cháu không ngờ được các cụ nhất trí đồng tình. Từ đó, ông bắt tay vào sưu tầm, chép lại lời hát cổ của ca trù rồi tập hợp những người hát hay trong làng để thành lập CLB.

"Ngày đó, thấy ông nhà tôi muốn thành lập CLB ca trù thì người ta nửa nghi, nửa ngờ. Có thời gian, ông ốm liệt giường gần hai tháng trời tưởng chừng không qua khỏi, việc không thành, tôi sợ người ta chê cười", bà Nguyễn Thị Gái, vợ ông Luống cho hay.

Khi mới đi vào hoạt động, CLB không một đồng kinh phí, không một nhạc cụ, ông tự tay làm phách rồi bỏ tiền mua tất cả các nhạc cụ. Vào tối thứ 4, thứ 7 và chủ nhật hàng tuần, nhà ông Luống trở thành lớp học hát, giao lưu của những người yêu ca trù trong làng, trong xã. Các thành viên trong CLB đều là những nông dân chất phác, ngày thì quần quật với ruộng đồng, đan lát mây tre nhưng họ đến với ca trù tất cả với niềm đam mê và đều có chung mục đích là gìn giữ nét đẹp văn hóa của làng.

Cô Trần Thị Kim, 49 tuổi, cho biết: "Đi làm suốt ngày nên nhiều khi bị phân tán, tập hát, tập đàn chẳng được bao nhiêu nhưng cô cùng những người ở đây với niềm đam mê ca hát vẫn sẽ cố bảo tồn ca trù truyền thống". Cứ mỗi khi làng xã có đình đám, hội hè thì ca trù của CLB là món ăn tinh thần không thể thiếu của bà con nơi đây.

Trăn trở cùng di sản

Ngày trước, CLB có tất cả 20 thành viên nhưng hiện giờ, do một số người không còn, một số người không thể theo được đành phải nghỉ nên con số đó giờ chỉ còn lại 11 người. Thành viên cao tuổi nhất là nghệ nhân Trần Thị Bổng, 83 tuổi giờ đã mắt mờ, chân tay yếu nhưng vẫn còn nhớ được hơn 30 bài ca trù.

Theo ông Luống thì tiếng phách của cụ Bổng có lẽ khắp miền Bắc không ai sánh bằng. Điều ông Luống cũng như các thành viên trong CLB ca trù Đồng Trữ trăn trở nhất hiện nay vẫn là đội ngũ kế cận. Hầu hết các thành viên CLB hiện giờ vẫn đã ngoài 50, trong khi lớp trẻ thì hầu như không mặn mà gì với ca trù.

"Trước đây, cũng có 4-5 cháu thiếu niên theo học, nhưng được một thời gian thì thấy khó và cứ rút dần, tôi cố gắng đến từng gia đình động viên các cháu nhưng vẫn không làm sao để các cháu quay lại với ca trù", ông Luống lo âu.

Chồi non ca trù của làng mới phát hiện đó là em Nguyễn Thị Huệ, học lớp 11A3, THPH Chương Mỹ A. Là ca nương nhỏ tuổi nhất, cũng là người duy nhất trong số thiếu niên theo học ca trù từ ngày đầu thành lập CLB, đến giờ, Huệ cũng có thể gõ phách, hát được khá thành thục dăm ba bài ca trù. Đó cũng là niềm hy vọng của CLB ca trù Đồng Trữ. "Là cháu của một ca nương, em mong sau khi học xong có thể học thêm ca, đàn và có thể truyền lại cho những thế hệ sau để không phụ lòng mong mỏi của các ông bà đã dày công chỉ dạy", Huệ bộc bạch.

Nói về tương lai của ca trù, ông Luống khẳng định sẽ bảo tồn và gìn giữ loại hình văn hóa, nghệ thuật này. Còn để phát triển ca trù, điều quan trọng nhất vẫn chính là sự chung tay, góp sức không chỉ của quần chúng nhân dân mà quan trọng là những chính sách với loại hình văn hóa nghệ thuật cổ truyền của dân tộc. "Tôi không đòi hỏi gì, chỉ mong Nhà nước có chế độ trợ cấp cho các nghệ nhân ca trù trong làng Đồng Trữ nói riêng và ca trù cả nước nói chung để họ có thêm niềm động viên để tiếp tục dạy và phát triển loại hình nghệ thuật đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn của nhân loại".

Từ giã làng Đông Trù, chúng tôi hy vọng với sự nhiệt thành, tâm huyết của những người con quê hương và sự quan tâm của các cấp, ca trù Đồng Trữ sẽ được phục dựng như ngày xưa, để mãi xứng danh với câu ca lưu truyền trong vùng:"Hỡi cô thắt dải bao xanh, Có về Đồng Trữ với anh thì về. Đồng Trữ có gốc cây đề, Có vực tắm mát, có nghề cầm ca…" 

Theo Duy Ngợi – Ngọc Minh (CAND.COM)
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *