Bên bờ hạnh phúc

Xã hội ngày càng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đã được nâng lên rất đáng kể. Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách để cho lo cho những đối tượng nghèo, đời sống còn khó khăn. Tuy nhiên, trong xã hội vẫn còn nhiều mảnh đời bất hạnh cần lắm sự chung tay góp sức chia sẻ của cộng đồng. Thời gian qua, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể đã có nhiều biện pháp vận động, tạo được lòng tin và khơi dậy được lòng nhân ái của cộng đồng xã hội để cùng chung tay chăm lo cho những đối tượng nghèo, những mảnh đời bất hạnh.

Hoạt động từ thiện luôn rất cần sự chung tay góp sức của toàn xã hội. Mỗi đoàn thể với chức năng nhiệm vụ của mình đã có nhiều giải pháp tích cực để tập họp quần chúng nhân dân tham gia vào tổ chức hội, hướng mọi người đến với các hoạt động có ý nghĩa cho bản thân, gia đình. Riêng đối với các đoàn thể hoạt động chuyên trong lĩnh vực từ thiện thì thời gian qua, đã có nhiều cách làm hay, thu hút được sự đồng tình và hưởng ứng của xã hội để chung tay chăm lo cho những đối tượng nghèo, những mảnh đời bất hạnh.

Hội Chữ thập đỏ chuẩn bị quà tặng cho người nghèo

Để kêu gọi được sự giúp đỡ của cộng đồng, trước hết, bản thân mình, gia đình mình phải làm gương. Vì vậy, trong các phong trào vận động, những tổ chức, cá nhân có tâm quyết với hoạt động tự thiện, gia đình luôn là những người tiên phong, giúp đỡ bằng hết khả năng của mình, đồng thời vận động mọi người cùng tham gia. Ở các đoàn thể, đã xuất hiện nhiều cá nhân điển hình trong phào trào dân vận khéo, vận động và kết nối ngày càng nhiều tấm lòng hảo tâm đến với người nghèo khổ. Nhiều người dù tuổi đã cao, nhưng xuất phát từ cái tâm đối với người nghèo mà họ không quảng ngại khó khăn, đem hết sức mình để giúp đỡ người nghèo, xem niềm vui của họ là niềm vui trong cuộc sống của chính bản thân mình.

Bằng lòng nhiệt tình và sự nhiệt tâm của bán bộ, hội viên, hoạt động từ thiện xã hội có sức lan tỏa ngày càng mạnh mẻ trong cộng đồng. Số lượng người giúp đỡ người nghèo thông qua các tổ chức hội đoàn thể ngày càng tăng. Gia đình bà Trương Kim Lang ở Khóm Hùng Vương, Phường 1, Thành phố Vĩnh Long là một gia đình có truyền thống giúp đỡ người nghèo. Bà là một trong những nhà tài trợ chính cho chương trình mổ mắt cho người mù nghèo của Hội Chữ thập đỏ thành phố. Bà cũng tự xuất tiền mua đất, lập nghĩa trang cho người nghèo để phút cuối đời những người bất hạnh có nơi an nghỉ đàng hoàng, yên ấm. Hơn cả giá trị về vật chất là bà Kim Lang luôn giành tình yêu thương, sự chia sẻ đặc biệt với những người nghèo, người bị hoạn nạn khó khăn. Dù tuổi đã ngoài 80 nhưng khi nghe có hoàn cảnh nào thương tâm bà không chỉ giúp tiền mà còn đi đến tận nơi để thăm hỏi, động viên. Có lần, bà đã cùng với đoàn công tác Hội Chữ thập đỏ lặn lội hàng trăm cây số để đến thăm hỏi giúp đỡ đồng bào bị lũ lụt ở tận miền Trung. Không chỉ có riêng bà, cái tâm hướng đến người nghèo đã được truyền sang cho con, cháu trong gia đình và họ cũng đang tiếp sức cùng bà để làm từ thiện.

Thông qua sự vận động của các tổ chức hội, đoàn thể, nhiều người dù không nhiều tiền của những cũng đã tham gia đóng góp bằng tất cả sức lực của mình. Bà Nguyễn Ngọc Liên, ở Khóm 4, Phường 4, Thành phố Vĩnh Long là cán bộ hưu. Cuộc sống giản dị, đạm bạc nhưng bà luôn trăn trở trước những mảnh đời bất hạnh. Không có nhiều tiền để giúp đỡ thì bà giúp công sức và tinh thần. Trong các chuyến đi cứu trợ hay đưa người bệnh đi điều trị của Hội Chữ thập đỏ bà đều có mặt. Hiện tại, với đồng lương hưu chưa đến 2 triệu đồng một tháng, bà cũng cố gắng chi tiêu tằn tiện để ủng hộ thường xuyên cho một địa chỉ nhân đạo mổi tháng 100.000 đồng. Đặc biệt, khi được chi trả chính sách theo quyết định 290 của Chính phủ, bà đã dùng tất cả số tiền mình nhận được để ủng hộ xây dựng 2 căn nhà tình thương cho đối tượng nghèo gặp khó khăn về nhà ở.

Những người lao động bình dị trong xã hội, tuy cuộc sống của họ vẫn còn bao nỗi khó khăn, vất vả, phải dành dụm lo cho cuộc sống hàng ngày nhưng họ cũng trải lòng mình ra để chia sẻ với những số phận kém may mắn hơn mình. Nhiều hộ tiểu thương, dù phải tất tả ngược xuôi nhưng mỗi tháng vẫn trích 1 phần lợi nhuận mà khó khăn lắm mới kiếm được để ủng hộ người nghèo. Có chị bán xôi mỗi ngày thu nhập chỉ vài chục ngàn đồng nhưng đều đặng cứ mỗi tuần đều giành 50.000 đồng để ủng hộ địa chỉ nhân đạo. Nhiều học sinh, kể cả ở bật tiểu học cũng đã có ý thức giúp đỡ người nghèo, tự nhịn quà sáng để quyên góp. Các ngành, đoàn thể và những người tâm quyết với hoạt động từ thiện xã hội không chỉ đã vận động được sức mạnh của quần chúng nân dân trong tỉnh mà đã kêu gọi được nhiều nhà hảo tâm ở ngoài tỉnh. Những người con của quê hương Vĩnh Long đang làm việc và sinh sống ở những tỉnh thành khác trong cả nước cũng đã trải lòng mình hướng về quê hương, giúp đỡ những người nghèo khổ bất hạnh. Những con người dù ở xa xôi nhưng cũng đã đến và chia sẻ với đồng bào nghèo trong tỉnh.

Cuộc vận động vì người nghèo do Mặt trận Tổ quốc phát động nhiều năm qua đã thu hút ngày càng nhiều, cơ quan đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức tôn giáo, cán bộ, công nhân, viên chức nhà nước, lực lượng học sinh, sinh viên các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học, cơ quan đơn vị trung ương trên địa bàn tỉnh, lực lượng vũ trang, các tầng lớp nhân dân và nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã nhiệt tình ủng hộ. Nhiều cơ quan, đơn vị doanh nghiệp đã kêu gọi được tình thần tự giác, cùng chia sẻ khó khăn với người nghèo của viên chức lao động, nhà hảo tâm để ủng hộ cho quỹ. Qua 5 năm, mặt trận các cấp đã vận động được hơn 110 tỷ đồng. Số tiền vận động được đã góp phần rất lớn trong việc ổn định nhà ở cho những hộ nghèo. Có thể nói, với những người nghèo, việc lo cho cuộc sống đã vất vả nên chuyện xây dựng nhà cửa đối với họ là một điều vô cùng khó khăn. Từ sự giúp đỡ của cộng đồng xã hội, những mái ấm nghĩa tình được xây dựng đã là nguồn động viên lớn để người nghèo có thêm niềm tin vươn lên trong cuộc sống.

Phong trào vận động “Mỗi tổ chức cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” ở tỉnh Vĩnh Long đã và đang có sức lan tỏa mạnh mẽ nhân lên những tấm lòng nhân ái của cộng đồng đối với những người có hoàn cảnh khó khăn bất hạnh. Toàn tỉnh đã có 250 hộ nghèo được cấp vốn để mua bán nhỏ, được hỗ trợ cây, con giống và ngày công lao động để trồng trọt, chăn nuôi, 152 gia đình nghèo gặp khó khăn về chỗ ở đã được xây cất nhà tình thương, gần 400 đối tượng có hoàn cảnh neo đơn được trợ cấp thường xuyên từ 120.000 đến 300.000 đồng mỗi người một tháng… Tổng số tiền mà các tổ chức, cá nhân trợ giúp cho các trường hợp nêu trên lên đến 3 tỷ đồng.

Những người nghèo không may phải rơi vào cảnh bệnh tật thì cuộc sống càng khó khăn cùng cực. Chính từ sự chung tay chia sẻ của cộng đồng thông qua mục “Địa chỉ nhân đạo” của Đài PTTH Vĩnh Long mà nhiều người đã có tiền chữa bệnh, tìm lại được niềm vui của cuộc sống. Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo cũng đã vận động được đông đảo các tổ chức, cá nhân đóng góp để thực hiện các chương trình hỗ trợ bệnh nhân nghèo. Trong 5 năm, hội đã vận động được hơn 52,5 tỷ đồng. Chương trình đã mang đến ánh sáng cho người mù nghèo, giúp cho hơn 12.000 người có được cuộc sống khỏe mạnh, bình thường. Cũng thông qua hoạt động của hội, hơn 1.000 người khuyết tật trong tỉnh được cấp xe lăn, xe lắc, đã tạo điều kiện cho họ có phương tiện mưu sinh và vượt qua nghèo đói. Đặc biệt, đã có gân 400 em bị tim bẩm sinh được phẩu thuật và có được cuộc sống khỏe mạnh.

Chính sự tâm quyết, nhiệt tình của các cơ quan, ngành, đoàn thể và những người có cái tâm hướng đến người nghèo đã tạo được nhịp cầu nhân ái để kết nối những tấm vì người nghèo, khơi dậy lòng nhân ái của mỗi con người, thu hút đông đảo các cơ quan, tổ chức và các tầng lớp nhân dân tham gia giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh. Người góp công, người góp của, tất cả đều tham gia hoạt động với tinh thần nhân đạo tự nguyện, góp phần thực hiện chủ trương nhân đạo từ thiện, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước ta.

Cẩm Âu
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *