Bên bờ hạnh phúc

 
Bắt chị dâu làm vợ

 

 
Theo người dân Bru-Vân Kiều, luật tục này có tên gọi là tục nối dây, nghĩa là tiếp tục chắp nối cuộc hôn nhân với nhà chồng. Nếu phụ nữ Vân Kiều nào không tuân theo luật tục thì chịu phạt rất nặng hoặc phải trở về nhà bố mẹ đẻ của mình mà không được mang theo con cái, của cải.
 
Luật tục ấy đã ăn sâu vào tiềm thức của người Vân Kiều và trở thành một luật tục nghiêm ngặt. Không biết tục nối dây mà tiếng Vân Kiều gọi là “xợp” có từ bao giờ nhưng các thế hệ già làng coi đây như khuôn vàng thước ngọc của tổ tiên, có uy lực tuyệt đối.

 

 
Năm 1974, chị Hồ Thị Con lập gia đình với người thanh niên trong bản là anh Hồ Văn Cu  khi chị vừa tròn 16 tuổi. Cuộc sống đôi vợ chồng trẻ tuy không no đủ nhưng gia đình sống vui vẻ, hạnh phúc.
 
Rồi lần lượt 6 người con ra đời. Cứ tưởng cuộc sống gia đình chị ngày càng đầm ấm nhưng vào năm 2001, căn bệnh ung thư quái ác đã cướp đi người chồng, để lại cho chị con 4 người con nheo nhóc, trong đó có 2 người vừa lập gia đình với cuộc sống lam lũ. Gạt nước mắt đưa chồng về với đất, chị trở thành người đàn bà góa bụa ở tuổi 43.

 

 
Chồng mất tròn năm, theo phong tục của dân tộc Bru-Vân Kiều, gia đình bên chồng rậm rịch đánh tiếng đưa chị về làm vợ hai của Hồ Văn Thục – em ruột của chồng – kém chị tới 14 tuổi. Oái oăm thay, người đầu tiên bên nhà chồng sang đánh tiếng với chị lại chính là em gái chị – Hồ Thị Nòn (vợ của Thục).
Chị Hồ Thị Con tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số toàn quốc 2010
 
Nòn van nài: “Chị ơi, bây chừ mà chị thương các cháu thì chị hãy về theo em làm vợ của chồng em, để giữ lấy các cháu trong nhà, giữ lấy tình cảm gia đình, dòng giống của nhà chồng…”. Dù biết luật tục là như vậy nhưng chị vẫn cảm thấy quá đột ngột.
 
Trong căn nhà vẫn như còn đó bóng dáng người chồng đi về… Chị Hồ Thị Con tìm cách “hoãn binh”. Chị nói với Nòn: “Em ạ, nói với bố bên nhà là cho chị mãn tang anh, rồi tính…”. Chị tâm sự: “Gần 10 năm rồi nhưng những lời nói của em gái mình trong đêm ấy vẫn cứ văng vẳng bên tai”.

 

 
Chặt đứt “nối dây”

 

 
Rồi 2 năm để tang chồng trôi qua. Lần này, đích thân Thục qua “đặt vấn đề” đưa chị dâu về làm vợ. Chị Hồ Thị Con nói với Thục: “Khi chị về làm vợ anh chú thì chú không khác chi đứa em út, chị chăm bẵm chú như nuôi cháu em… Nay anh mất mà chị về ở với chú thì chị không chịu mô”. Với Thục thì chị nói cứng như thế nhưng với dân bản thì chị rất sợ. Chị cứ lần lữa, tìm cách kéo dài thời gian.

 

 
Thấy vậy, bà con dân bản “bắt lý”: “Mày đã không theo tục của bản, mai này vì mày mà con ma núi sẽ về bắt cả bản phải chịu nhiều cái bệnh tật, không làm tốt được cái rẫy, cái ruộng…”. Có  người  còn đe nẹt, nếu có chuyện gì xảy ra với bản sẽ phạt chị nhiều con trâu, con bò để cúng con ma núi… Hết bố chồng lại đến Thục sang thúc giục chị về làm vợ Thục.
 
Không còn cách nào, cuối cùng, chị Hồ Thị Con nói thẳng với bố chồng: “Con xin ra khỏi họ (chồng) để ở vậy nuôi con, thờ chồng”. Thấy con dâu nói vậy, bố chồng chị khóc: “Bố mất một đứa con rồi mà còn mất thêm 10 đứa cháu (lúc này chị đã có 2 con dâu, 2 cháu nội) nữa thì buồn lắm. Con ra khỏi họ đừng lấy người khác kẻo bố mất hết các cháu…”. Chuyện đó lan đi trong bản như một tin dữ. Nhà chồng, đặc biệt là bố chồng chị, trốn suốt một tháng trên rẫy vì nghĩ rằng tai họa đang chuẩn bị ập xuống  gia đình ông.

 

 
Tuy chị Con ra khỏi họ nhà chồng nhưng vẫn đi về như một người con dâu hiền thảo với nhà chồng. Con, cháu của chị cũng ngày ngày qua lại với gia đình bên chồng, thân thiết và tình nghĩa. Tất cả những đứa cháu ruột của anh Thục được chị nuôi nấng và học hành. Ngày tháng trôi qua vẫn chẳng thấy ai trong bản bị ốm đau.
 
Thấy chị không nối dây mà nhà họ Hồ Văn cũng không bị mất cháu nên nhiều người trong bản mới bảo nhau: Chị Con nói đúng rồi, nối cái dây như cũ là không tốt. Cứ đi làm vợ của anh hay em chồng mình là không được, lại phải sinh thêm con khổ cái thân mình lắm! Vậy là từ đó họ không phải làm cái việc mà cái bụng không ưng, cái tâm không thích nữa. Tiếng nói của chị Hồ Thị Con từ ấy trở nên uy tín hơn năm 2004, chị được dân bản tín nhiệm bầu vào HĐND xã và sau đó là HĐND huyện.

 

Đủ ăn đủ mặc, nuôi con nên người

 

Hiện nay, cả xã Trường Sơn có trên 20 chị có chồng đã mất nhưng quyết noi gương chị Con không thực hiện tục nối dây. Các chị vất vả làm lụng nuôi con. Hầu như con cái của các chị cũng hiểu tấm lòng của mẹ nên đều chịu khó học tập, lao động giúp đỡ mẹ.
 
Không chị nào tỏ ra hối hận khi theo chị Con làm đứt cái dây nối mình với… hủ tục lạc hậu ngày xưa của người Vân Kiều.
 
Riêng chị Con, nỗi lo của gia đình chồng về việc một mình chị phải nuôi nhiều miệng ăn khi không còn chồng đã được giải tỏa.
 
Mấy mẹ con phải lo làm nhiều cái rẫy, cái ruộng để nhà chồng khỏi lo. Nay nhà chị nuôi được nhiều con bò, làm mỗi năm hơn 1.000 lon đậu xanh đổi gạo ăn đủ quanh năm. Nhiều chị khác cũng vậy, làm lụng đủ ăn, mua được bò, lấy chồng lấy vợ cho con.

Theo Người lao động

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *