Bên bờ hạnh phúc

Một nhà có… 14 con

Ông Hiến, xóm trưởng xóm 8, xã Gia Hanh, bảo ở đây từ lâu vẫn giữ quan niệm “con đàn cháu đống”. Dù nghèo, mỗi gia đình vẫn có trung bình khoảng 7-8 con, có nhà đến 14 con. Vì vậy, cuộc sống của người dân nơi đây đã khó càng thêm khó.

Ở tuổi 51, vợ chồng ông Phan Đình Xin (xóm 9, xã Gia Hanh) đã trải qua 13 lần sinh và hiện có… 12 con. Người con đầu của ông Xin thuộc thế hệ 8X cũng đã có ba con và con út của ông năm nay mới vào… lớp 1. Ông Xin hồn nhiên: “Vợ tôi và con dâu trở dạ sinh chỉ cách nhau vài tháng”. Đến nhà ông Xin, chúng tôi thấy một đàn con cháu san sát tuổi nhau. Ông Xin than: “Tết vừa rồi, 28 đứa cả con trai, con gái, dâu, rể, cháu cùng về ăn Tết. Chưa hết Tết nhà đã hết bánh, hết thịt”.

Sang xóm 10, xã Gia Hanh, chúng tôi không ngờ căn nhà ọp ẹp bên mép ruộng của gia đình ông Hoàng Đào lại là nơi chung sống của 16 con người. Ban ngày nhà chỉ còn hai vợ chồng già. Các con ông đứa thì đi bắt ốc, bắt cá; đứa đi ở… Bữa ăn nào cũng ngập tiếng khóc trẻ con vì đám trẻ tranh giành thức ăn chí chóe.

Cực vậy, túng vậy mà họ vẫn sinh và không bao giờ nghĩ đến các biện pháp tránh thai. “Con nào chả là con, tại sao không cho nó chào đời? Ngày xưa, nếu ông bà dùng biện pháp tránh thai thì giờ tui có được sinh ra không…?!” – bà Thiện, vợ ông Hoàng Đào, bức xúc một cách thật thà.

Ăn còn không đủ, nói chi học

Những người con ông Đào và vợ chồng ông Xin đều nghỉ học khi chưa tốt nghiệp THCS. “Tiền mô mà học, đến cơm còn chẳng có mà ăn. Có đêm tui phải đi nhổ trộm sắn vì con đói khóc nhèo nhẹo” – ông Đào thật thà. Mấy đứa út nhà ông Đào sau này được đến trường nhưng cố lắm chỉ đến lớp 5, lớp 6. “Tội nhất là thằng Phú, nó được bằng khen, giải thưởng của huyện nhưng cũng phải dừng việc học ở lớp 6. Có lần không có tiền đóng học phí, nó khóc cả tuần… Từ đó, nó không đến trường mà ở nhà mò cua, bắt ốc đến giờ…” – mắt ông Đào hoe đỏ.

Không riêng gia đình ông Xin, ông Đào mà ông Nguyễn Văn Sương (xóm 7, xã Gia Hanh) cũng có tới 10 đứa con. Vì gia cảnh, bốn đứa con đầu của ông vừa học hết lớp 9 đã vào Nam kiếm sống.

Hay như gia đình chị Trần Thị Lái, sinh đến đứa thứ tư thì chồng mất, một mình chị bươn chải nuôi năm miệng ăn. Chị như đứt từng khúc ruột khi phải cho con đi ở cho nhà người ta để kiếm miếng cơm. “Tui biết đi ở cũng cực lắm nhưng nếu ở nhà thì mẹ con ôm nhau chết cả lũ…” – chị Lái ứa nước mắt.

Chị Loan (xóm 8), gia đình đông con nhất ở Gia Hành với 14 đứa. Tám đứa đã “trưởng thành” đi mưu sinh, chỉ còn lại sáu đứa ở nhà. Ảnh: VIẾT LONG

20 tuổi chưa chồng là… ế

“Làng siêu đẻ” còn có tên gọi khác là làng “tảo hôn”. Nhiều con, ít được học đến nơi đến chốn, trai gái trong làng cứ đến tuổi 16, 17 là lập gia đình. “Vợ chồng tui cưới nhau năm 16 tuổi, giờ mấy đứa con của tui cũng vậy. Con trai thì còn chờ đến 20 tuổi được, chứ con gái mà đến 20 thì ai thèm rước. Vậy nên ai hỏi đám con gái là tui gả liền. Đứa con đầu của tui có bốn con rồi” – ông Đào hùng hồn. Tiếp nối “truyền thống”, mấy đứa con của ông Đào lập gia đình rất sớm. Vì vậy, mỗi năm gia đình ông lại đón thêm vài thành viên mới.

Những đứa trẻ chưa đến tuổi lập gia đình nhưng vẫn cưới nhau được xem là chuyện bình thường ở đây. “Con tui cũng muốn thế. Vậy thì cứ cho chúng cưới chứ cấm làm chi!” – chị Hà, một người dân trong thôn, giải thích.

Phần lớn những cặp vợ chồng trẻ con sau khi cưới xong đều rời làng đi kiếm sống bởi bố mẹ còn phải lo cho đàn em nheo nhóc. Như ông Xin, con cái đến 16 tuổi là được cha mẹ dựng vợ gả chồng hết.

Chúng tôi rời làng khi người lớn, trẻ con lũ lượt kéo nhau về sau một ngày lao động vất vả. Họ kết thúc một ngày làm việc trong canh cánh nỗi lo không biết nồi cơm tối nay đầy hay vơi.

Ông Nguyễn Sỹ Minh, Chủ tịch UBND xã Gia Hanh, Can Lộc, Hà Tĩnh:

Toàn xã Gia Hanh có 6.700 người nhưng có gần 2.000 trẻ em dưới 15 tuổi vì rất nhiều nhà đông con. Thu nhập bình quân đầu người chỉ có 500 kg thóc/người/năm. Đông con, lại thêm khó khăn nên nhiều gia đình sớm cho con nghỉ học vào Nam làm thuê kiếm sống. Những cặp vợ chồng lứa tuổi 30-40 thường không áp dụng các phương pháp kế hoạch hóa gia đình nên tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên cao. Hiện nay, rút kinh nghiệm từ trường hợp của chính bố mẹ mình, những cặp vợ chồng trẻ đã dừng lại ở hai con.

Theo Pháp luật TPHCM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *