Bên bờ hạnh phúc

507 hiện vật thu được được xử lý khoa học, bảo quản và nghiên cứu. Một giả thiết về di tích điện Giảng Võ, Giảng Võ trường được ghi nhận và được giới khoa học chấp nhận.

Trên một khu đất cao vuông vắn kích thước 60 m x 60 m nằm chìm dưới lòng hồ Ngọc Khánh đã tìm thấy dấu tích của 3 nền kiến trúc với dấu vết nền đắp đất tôn cao, đá chân tảng, gạch lát nền trong đó có kiến trúc được xây dựng quy mô lớn 7 gian hai chái. Nhiều đồ gốm sứ có niên đại thế kỷ 15-18…  Đặc biệt tại đây đã phát hiện bộ sưu tập vũ khí lớn thời Lê với  hai loại bạch khí và hỏa khí. Bạch khí gồm 400 hiện vật là vũ khí bằng sắt với nhiều loại hình khác nhau gồm vũ khí đánh gần và vũ khí đánh xa. Vũ khí đánh gần có dao găm, dao, kiếm các loại, đinh ba, câu liêm… Vũ khí đánh tầm xa có lao, móc câu chùm, mũi tên sắt ba cạnh các loại.

Hồ Ngọc Khánh, nơi xuất lộ dấu vết của Giảng Võ trường xưa.

Đáng chú ý ở đây còn tìm được dấu tích lò rèn, sỉ sắt, các loại vũ khí rèn chưa hoàn chỉnh, có thể đây là xưởng rèn vũ khí phục vụ huấn luyện cho quân đội tại Giảng Võ trường.

Hỏa khí tìm được 29 hiện vật là súng; Chủ yếu là súng lệnh kích thước nhỏ, trong đó có nhiều khẩu đã bị vỡ nòng khi sử dụng.

Đạn sử dụng cho súng chủ yếu là đạn đá hình cầu tròn đường kính lớn 5-5,5 cm, nhỏ nhất 2,5-3 cm. Súng có hai loại: thân súng hình ống tròn chia làm hai phần, thuôn dần về phía đầu nòng, chuôi cầm liền với thân và thân súng chia làm 3 phần nòng súng, bầu thuốc và chuôi súng. Kỹ thuật chế tác súng là sắt rèn cuộn. Đây là các loại súng được sử dụng huấn luyện binh sĩ, chính vì thế có nhiều khẩu bị vỡ nòng khi bắn tập.

Có thể nói đây là  bộ sưu tập vũ khí phong phú, có giá  trị đặc biệt trong việc tìm hiểu trang bị quân đội thời Lê trong lịch sử.

Địa điểm, quy mô  kiến trúc, số lượng loại hình vũ khí tìm được, đối chiếu với ghi chép trong lịch sử có thể thấy đây chính là Giảng Võ trường xưa, nơi đào tạo huấn luyện quân sĩ trong một thời kỳ dài lịch sử. Có thể coi đây là học viện quân sự đầu tiên của quân đội Đại Việt trong thời kỳ gìn giữ độc lập tự chủ.

Trong lịch sử giữ nước của dân tộc Việt Nam, việc củng cố quân đội bảo vệ nền độc lập là việc làm quan trọng, thường xuyên của các triều đại. Thời Lý, vua Lý Anh Tông thường tập bắn và cưỡi ngựa  ở phía nam thành Đại La, gọi là Xạ Đình, sai các quan võ hằng ngày luyện phép đánh giặc phá trận.

Thời Trần, Trần Quốc Tuấn thường khuyên bảo các tướng "Hãy huấn luyện quân sĩ tập dượt cung tên, khiến cho người người giỏi như Bàng Mông, nhà nhà đều là Hậu Nghệ".

Nhưng có lẽ việc huấn luyện quân sĩ có tổ chức quốc gia, quy củ phải đến thời Lê mới được kiện toàn hoàn chỉnh, thể thức đào tạo có bài bản, quy định chặt chẽ, trở thành quân lệnh. Như vậy Giảng Võ trường được coi là học viện quân sự đầu tiên của Việt Nam trong lịch sử. 

Theo Đất Việt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *