Hổ đông lạnh trong một vụ buôn bán trái phép động vật hoang dã tại Thanh Trì, Hà Nội. Ảnh: Chương trình bảo vệ động vật hoang dã (ENV)

Trong 10 vụ bắt giữ buôn bán, vận chuyển trái phép hổ ở Việt Nam thời gian qua, tang vật đều là hổ đông lạnh. Theo các chuyên gia của ENV, số hổ này có nguồn gốc từ các trang trại hoặc cơ sở nuôi nhốt kinh doanh nhiều hơn là từ tự nhiên.

Tư nhân nuôi hổ có để bảo tồn?

Theo thống kê của ENV, ở Việt Nam hiện có 7 cơ sở tư nhân đăng ký nuôi nhốt 84 cá thể hổ. Nhiều cơ sở nói  nuôi hổ nhằm mục đích bảo vệ loài hổ của Việt Nam khỏi nguy cơ bị tuyệt chủng.

Tuy nhiên, điều này mẫu thuẫn với kết quả điều tra của ENV. “Ít nhất một chủ trang trại nuôi hổ có liên quan trực tiếp đến việc cung cấp hổ cho đường dây buôn bán hổ trái phép. Người chủ trang trại này có quan hệ trực tiếp với các đối tượng bị các cơ quan chức năng bắt giữ trong 2 vụ buôn bán, vận chuyển hổ gần đây”, bà Vân Anh tiết lộ.

Ngoài ra, còn có 3 cơ sở nuôi hổ có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Các cơ sở này có những thống kê bất hợp lý về số cá thể hổ được sinh ra và bị chết tại cơ sở.

Hơn nữa, việc xử lý các cá thể hổ chết không được thực thi đầy đủ theo quy định. Điều này tạo điều kiện cho chủ trang trại bán hổ chết thay vì tiêu hủy theo pháp luật.

Theo bà Vân Anh, những phát hiện này có thể khẳng định việc gây nuôi hổ ở những cơ sở tư nhân không phải là một giải pháp bảo tồn. Chiến lược gây nuôi bảo tồn loài hổ chỉ thực sự được thực thi tại các cơ sở của Nhà nước hoặc các trung tâm cứu hộ.

Theo tiến sĩ Nguyễn Cảnh Hà, Trung tâm Giáo dục và Nghiên cứu Chiến lược Môi trường (Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam), hiện chưa có khu bảo tồn dành riêng cho hổ. Còn các trang trại gây nuôi hiện nay chưa đạt chuẩn nuôi bảo tồn mà chỉ có thể gọi là nuôi phát triển thông thường.

Do đó, nhiều nhà khoa học cho rằng cơ quan chức năng nên kìm hãm sự phát triển của các cơ sở tư nhân gây nuôi hổ ở Việt Nam. Cơ sở nuôi hổ phi lợi nhuận nhằm mục đích giáo dục cộng đồng cần được theo dõi, kiểm tra thường xuyên.

Cần tiến hành nghiên cứu khoa học tại các vườn quốc gia – nơi mà loài hổ có thể vẫn tồn tại – nhằm đánh giá tình trạng hổ hoang dã hiện nay. Đối với những khu vực phát hiện còn hổ sinh sống, cần lập khu bảo tồn để tạo điều kiện khôi phục quần thể hổ.

Từ năm 2005 tới nay, ENV ghi nhận 104 vụ vi phạm về hổ, trong đó có 16 vụ bắt giữ, tịch thu hổ đông lạnh, bộ phận cơ thể hổ hoặc xương hổ. Cơ quan chức năng tịch thu 29 con hổ từ các vụ buôn bán, vận chuyển trái phép.

Theo VnExpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *