Bên bờ hạnh phúc

Gặp gỡ các đại biểu trong “Chương trình Chung tay vì sức khỏe cộng đồng 2015”, chiều 14/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng chương trình đã góp phần phát huy đạo lý, giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, lan tỏa ra toàn xã hội để mỗi người dân Việt Nam không chỉ “khỏe về thể chất mà còn khỏe về tinh thần”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn những chương trình như "Chung tay vì sức khỏe cộng đồng" sẽ góp phần phát huy, lan tỏa giá trị truyền thống của dân tộc, để mỗi người dân Việt Nam không chỉ “khỏe về thể chất mà còn khỏe về tinh thần”. Ảnh: VGP/Đình Nam

 

 

Thời gian qua, Chương trình “Chung tay vì sức khỏe cộng đồng” do Hội Nhà báo Việt Nam và Tổng hội Y dược học Việt Nam tổ chức đã có nhiều hoạt động thiết thực: Hành trình tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em tại tỉnh miền núi phía Bắc; Diễn đàn “Nâng cao thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2015-2030”; “Giao lưu các DN uy tín vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cộng đồng 2015” nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò của sức khỏe và sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Chương trình cũng là cơ hội để các cơ quan, cơ sở y tế từ Trung ương đến địa phương trao đổi, chia sẻ, thảo luận, đề ra các cơ chế giải pháp nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người Việt Nam trong các giai đoạn tiếp theo, góp phần giảm thiểu tỉ lệ tử vong, nâng cao chất lượng dân số và sức khỏe sinh sản ở Việt Nam theo mục tiêu của Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Tại cuộc gặp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của một số cán bộ, cộng tác viên y tế cơ sở tại những địa bàn miền núi khó khăn ở Hà Giang, Quảng Nam, Lai Châu…

Anh Thèn Văn Sinh, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Tả Nhìu (huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang) cho biết xã có 744 hộ dân, 3.557 nhân khẩu, đa số là người dân tộc Nùng. Từ năm 2013 Trạm Y tế xã Tả Nhìu đã đạt chuẩn quốc gia về y tế, được đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế để nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân ở địa phương. Hiện mỗi ngày trạm y tế khám, chữa bệnh trung bình 20-30 người dân, xây dựng và chủ động triển khai các phương án phòng chống dịch theo mùa như cúm, tiêu chảy cấp, tư vấn sức khỏe sinh sản, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh gia đình, lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho người cao tuổi và trẻ em, người tàn tật…

Trả lời câu hỏi ở Tả Nhìu hiện cần nhất gì của Phó Thủ tướng, anh Sinh mong muốn thời gian tới sẽ có bác sỹ làm việc thường xuyên tại trạm bởi trong 18 trạm y tế xã ở huyện Xín Mần mới chỉ 6 trạm có bác sỹ.

Phó Thủ tướng cho rằng bác sỹ công tác tại các trạm y tế xã ở vùng sâu, vùng xa  là vấn đề rất nan giải, thậm chí ngành Y tế đã có phong trào đưa bác sỹ trẻ về trạm y tế xã nhưng chưa bao phủ hết và đây chỉ là giải pháp tạm thời còn về cơ bản cần tăng cường đào tạo bác sỹ là người địa phương  để phục vụ lâu dài.

Hoan nghênh Hội Nhà báo Việt Nam và Tổng hội Y dược học Việt Nam đã có sáng kiến tổ chức chương trình Chung tay vì sức khỏe cộng đồng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đây là  một chương trình có nhiều ý nghĩa nhân văn, huy động được các nguồn lực xã hội để đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân, đặc biệt tại vùng sâu, vùng  xa.

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và ngành Y tế đã ban hành nhiều cơ chế chính sách nhằm đảm bảo tốt nhất sức khỏe nhân dân nhưng trong thực tế còn rất khó khăn, bà con dân tộc thiểu số ở vùng núi rất khó tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản. Chính vì vậy, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội, tạo điều kiện để DN tham gia vào công tác an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Hiện còn 2 chương trình mục tiêu quốc gia trong đó có chương trình xây  dựng nông thôn mới và chương trình xóa đói giảm nghèo, trong đó một trong những nội dung là tiếp tục tăng cường cho cơ sở y tế vùng sâu vùng xa. Đồng thời cần phải thay đổi cơ chế, huy động toàn xã hội tham gia, huy động các doanh nghiệp  đầu tư vào lĩnh vực y tế.

“Ví dụ ở thành phố thay vì Nhà nước đầu tư vào bệnh viện thì cho DN đầu tư vào,  tạo điều kiện cho y tế tư nhân phát triển mạnh ở TP thì ngân sách sẽ được dành cho y tế cơ sở, người dân vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, cần phải vận động, lo bảo hiểm y tế cho người dân để tạo nguồn lực nâng cao chất lượng dịch vụ y tế”.

Theo Phó Thủ tướng, các cơ quan báo chí có vai trò hết sức quan trọng trong thông tin tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân tham gia dịch vụ bảo hiểm y tế toàn dân, khơi dậy các phong trào rèn luyện thể dục thể thao trong cả nước, góp phần cùng Đảng, Nhà nước, Chính phủ thực hiện thành công công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Dẫn lại câu chuyện một số bạn trẻ sau khi quan sát văn hóa của một số nước, ví dụ như cách ứng xử của người Nhật khi gặp thảm họa động đất, sóng thần, đã đặt câu hỏi tại sao ở Việt Nam ngày hôm nay có nhiều thứ không tốt đẹp như vậy, Phó Thủ tướng cho rằng nếu không có truyền thống văn hóa cha ông thì chúng ta không thể có được như ngày hôm nay.

Vì vậy, cần khơi gợi, bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, khắc phục những biểu hiện xuống cấp về đạo đức, lối sống do những tác động mặt trái của cơ chế thị trường, của hội nhập trong một bộ phận dân cư để mỗi người dân Việt Nam không chỉ “khỏe về thể chất mà còn khỏe về tinh thần”.

Biểu dương các đại biểu đã tích cực tham gia vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, mang đến những điều tốt đẹp cho cộng đồng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn trong thời gian tới tiếp tục thực hiện các chương trình thiết thực, góp phần tạo lan tỏa trong toàn xã hội nhận thức sâu sắc về công tác này.

Nguồn: Đình Nam ( Chinhphu.vn )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *