Pakixtan là tuyến đầu của cuộc chiến chống al-Qaeda và cũng là đồng minh quan trọng trong chiến dịch bình định Ápganixtan của Mỹ. Các nhà phân tích khu vực cảnh báo rằng, tình trạng mất ổn định gia tăng ở đất nước có 167 triệu người này có thể còn gây thiệt hại nhiều hơn nữa. Ông Rahimullah Yusufzai – chuyên gia về các vấn đề bộ lạc – nhận định, hiểm họa ở Pakixtan lớn hơn nhiều so với Ápganixtan vì đất nước Pakixtan "lớn hơn, phát triển hơn và sở hữu vũ khí hạt nhân". Theo ông, các vụ đánh bom các khu chợ áp dụng "chiến lược đang được sử dụng tại Irắc" và "không một phong trào du kích nào có thể tồn tại, nếu không có sự giúp đỡ ở địa phương". Ông cho biết thêm, chiến thuật du kích có thể tỏ ra hữu hiệu ở Waziristan, ở các khu vực núi non hiểm trở – những nơi mà quân đội bị dàn mỏng và các tuyến đường tiếp tế trải dài. Theo ông, Taliban không được huấn luyện để tiến hành chiến tranh du kích trên đường phố, nên chiến thuật du kích không thể thành công ở khu vực đồng bằng hoặc ở những nơi cách xa căn cứ. Do đó, Taliban không thể tiến hành chiến tranh du kích ở Punjab và thậm chí ở Peshawar, mà chỉ tiến hành các vụ đánh bom liều chết và đánh bom bằng ô-tô.

Tướng về hưu Mahmood Shah, cựu chỉ huy an ninh đặc trách các khu vực bộ lạc, phản ánh sự thất vọng ngày càng tăng đối với chính phủ dân sự của Tổng thống Asif Ali Zardari, người ít có quan hệ mật thiết với quân đội. Người phát ngôn Azam Tariq của nhóm Tehreek-e-Taliban Pakixtan (TTP) cũng cho biết, các chiến binh TTP đã bắt đầu một "cuộc chiến tranh du kích" ở Waziristan và sẽ tấn công các thành phố lớn để chứng tỏ "khả năng chiến đấu lâu dài".

Nhà phân tích quốc phòng Ayesha Siddiqa nói : "Đây là chiến lược không có gì mới đối với cuộc chiến chống khủng bố. Khi tiến vào Irắc và Ápganixtan, Mỹ chỉ vấp phải sự kháng cự không đáng kể và nghĩ rằng đã đạt được mục tiêu đó. Sau đó, cuộc chiến thực sự mới bắt đầu".

Hồng Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *