Bên bờ hạnh phúc

Một loài dơi nhỏ màu nâu “phàm ăn” côn trùng gây hại sống ở vùng đông bắc Hoa Kỳ và Canada có nguy cơ tuyệt chủng trong vòng 16 năm tới bởi một căn bệnh “chết người” được biết với tên gọi “hội chứng mũi trắng”.

Trong năm 2006, các nhà sinh vật học động vật hoang dã tại tiểu bang New York (Hoa Kỳ) nhận thấy, loài dơi Myotis lucifugus thuộc chi dơi tai chuột (Myotis) chết với số lượng lớn. Cơ thể của loài động vật ngủ đông này bị phủ một loại nấm màu trắng, nó đã bị thức giấc giữa mùa đông và bắt đầu chết đói.

Và bây giờ, các nhà nghiên cứu công bố trên tạp chí Science số ra ngày 6/8 cho rằng, nếu tốc độ suy giảm nghiêm trọng của loài dơi trên không có biện pháp ngăn chặn thì có thể nó sẽ “biến mất” ở vùng hoang dã đông bắc Hoa Kỳ trong 16 năm tới, có khả năng làm “tổn thương” nông nghiệp và các khu rừng trong khu vực do các loài côn trùng gây hại có cơ hội hoành hành.

Những con dơi Myotis lucifugus ngủ đông có dấu hiệu mắc “hội chứng mũi trắng” – Ảnh: Alan Hicks.

“Đây sẽ là một trong những cuộc khủng hoảng động vật hoang dã tồi tệ nhất mà chúng tôi phải đối mặt”, nhà sinh vật học Winifred Frick, tác giả chính của bài báo đăng trên Science, công tác tại Đại học California (Hoa Kỳ) nói.

Theo bài báo, “hội chứng mũi trắng” được cho là gây ra bởi nấm Geomyces destructans, thường mọc trên mũi và đôi cánh dơi Myotis lucifugus. Do nấm gây khó chịu buộc những con dơi ngủ đông này phải thức sớm để rũ bỏ nấm. Chúng luôn phải vận động và quá trình trao đổi chất trong cơ thể tăng nhanh. Chúng tiêu hao lượng mỡ dự trữ và một khi những con côn trùng không đáp ứng đủ nhu cầu ăn hằng ngày của chúng, chúng sẽ chết đói.

Con dơi nhỏ màu nâu Myotis lucifugus này đang bị những đốm nấm trắng Geomyces destructans bám trên mũi và đôi cánh

Chuyên gia nghiên cứu dơi Thomas Kunz, làm việc tại Đại học Boston (Hoa Kỳ) cùng nhóm nghiên cứu tiến hành phân tích dữ liệu thu thập được trong 30 năm của quần thể dơi Myotis lucifugus từ 22 hang động và từ những địa điểm mà loài này ngủ đông thuộc 5 bang ở vùng Đông Bắc Hoa Kỳ. Sau đó, tiến sĩ Winifred Frick xây dựng một mô hình máy tính để dự đoán “dân số” của chúng sẽ thay đổi như thế nào trong 100 năm tới. Kết quả cho biết, dơi Myotis lucifugus có thể sẽ tuyệt chủng, ít nhất là tại Hoa Kỳ vào năm 2026.

Ông Frick cảnh báo, trong những năm gần đây có nhiều hơn hai loài dơi ở Hoa Kỳ bị đe dọa do loại nấm Geomyces destructans lây lan, đó là dơi Myotis sodalis và dơi Myotis grisescens. Loại nấm này được các nhà nghiên cứu cho là có nguồn gốc từ châu Âu. Có thể những du khách châu Âu – những người đã bị nấm bám trên cơ thể – đã mang mầm bệnh tới Bắc Mỹ khi họ đến tham quan các hang động tại khu vực này.

Dơi Myotis lucifugus là loài có ích, nó có thể ăn lượng côn trùng gây hại bằng với trọng lượng cơ thể vào mỗi đêm

Tuy nhiên, cũng chưa có bằng chứng chắc chắn con người bị loại nấm trên gây hại và truyền bệnh cho dơi, bởi nó chỉ có thể phát triển ở nhiệt độ khoảng (-20 độ C). Để giảm thiểu nguy cơ trên, Sở đặc trách Lâm nghiệp Hoa Kỳ đã buộc phải yêu cầu người quản lý đóng cửa một số hang động. Tuy nhiên, ông Frick vẫn còn lo lắng nhiều khi những con dơi di trú có thể bay tới lui giữa những hang động.

“Chúng tôi vẫn còn phải tiếp tục nghiên cứu về căn bệnh gây nguy hiểm cho loài dơi này. Trước mắt, để cứu nguy loài dơi Myotis lucifugus, chúng tôi hướng dẫn cho người dân vùng Đông Bắc “xây nhà tạm” cho dơi sinh sống trong mùa hè, với hy vọng về lâu dài dơi sẽ sinh sản thành công và dần dần phát triển tính kháng được bệnh nấm Geomyces destructans”, ông Frick nói.

Theo VNN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *