Bên bờ hạnh phúc

9/08, 8:00 am Bản năng của rắn (1)

Rắn là tên sát thủ máu lạnh. Tuy là loài vật cổ xưa nhưng chúng được xem là những chuyên gia có tính chuyên biệt rất cao trong cách săn mồi.

Là một trong những sinh vật đa dạng nhất thế giới với hơn 2.500 loài, sinh sống khắp nơi trong hành tinh. Rắn quả là một loài ăn thịt có sức bền bỉ rất cao. Với sự đa dạng kỳ diệu và nhiều kích cở khác nhau, một số loài nhỏ bé vài centimét nhưng có những loài khổng lồ dài đến vài mét. Một số loài thích sống dưới nước, một số loài lại thích sống trên cây, một số loài khác thích sống trong lòng đất và cả hốc núi. Chúng là con cháu của thằn lằn không chân, sống trong hang cách đấy 250 triệu năm, và chúng thật sự là những tên sát thủ máu lạnh. Tất cả chúng đều săn bắt mồi sống.

Loài rắn có khả năng sinh tồn rất cao, cho dù ở bất kỳ địa hình nào và môi trường sống ra sao, chúng vẫn là một trong những loài vật sinh tồn thành công nhất. Không có tay lẫn chân, tưởng chừng chúng khó có thể trở thành những tên sát thủ nguy hiểm và săn mồi hiệu quả nhất thế giới. Nhưng khi nói đến sự tiến hóa thì loài rắn được xem là những kẻ tiên phong. Sinh vật này không có răng cắt nhưng chúng vẫn có thể nuốt trọn con mồi rất to lớn đến không thể tưởng tượng được. Không có tay ôm chặt con mồi nên chúng dùng cả cơ thể để làm điều đó. Chúng còn có đôi mắt không nhấp nháy, thiếu sức sống nhưng lại rất đáng sợ và nguy hiểm. Một số loài rắn còn có răng nanh sắc nhọn chứa nọc độc.

Loài rắn có thân nhiệt không ổn định. Chúng cần phải duy trì hơi nóng trong cơ thể để hoạt động, đi săn và ăn con mồi. Chúng chỉ có thể làm được điều đó bằng cách hấp thụ hơi nóng từ môi trường xung quanh. Mỗi hành vi và cử động của cơ thể đều bị sự chi phối của thân nhiệt. Cơ thể dài giúp chúng hấp thụ thật nhiều hơi nóng từ mặt trời hay mặt đất ấm bên dưới và chúng có thể cuộn tròn cơ thể lại để giữ ấm.

Di chuyển mà không có tay và chân là hành động kỳ lạ nhất của loài rắn nhưng không phải tất cả loài rắn đều không có chân. Trăn nhiệt đới, một loài rắn to lớn có họ hàng cổ xưa vẫn còn chân mọc ra từ hông nhưng hầu như không nhìn thấy được. Cái chân đó không còn tác dụng khi di chuyển mà chỉ cần thiết khi giao phối.

Rắn hổ mang là loài rắn sống dưới đất. Chúng có thể di chuyển trên mọi địa hình. Các cơ rắn chắc kết hợp với bộ xương tạo cho cơ thể một lực rất mạnh. Bên trong cơ thể của chúng có từ 100 đến 600 đốt xương sống chống đỡ cho bộ xương sườn dài nhất trong tất cả các loài vật. Không có chi, con rắn buộc phải đẩy cơ thể lên mặt đất để di chuyển về phía trước. Một số loài sống trên cây di chuyển bằng cách quấn xung quanh một vật thể nào đó để bò. Đây là cách di chuyển của các loài rắn sống trên cây.

Một số loài rắn không những có nọc rất độc mà còn có khả năng tấn công rất nhanh với độ chính xác rất cao. Chúng đã phát triển mọi khả năng kỳ lạ nhất để có thể thích ứng với hầu hết môi trường sống của trái đất.

Trong các cánh rừng nhiệt đới là nơi có nhiều rắn sinh sống nhất. Chúng xuất hiện, nằm im hay bơi lội trong nước, leo trèo trên cây và săn mồi ở khắp nơi. Chúng thậm chí còn có thể sống trong sa mạc khô cằn nhất. Nhưng cho dù chúng sống ở nơi đâu, chúng luôn tìm cách xâm nhập vào lãnh thổ của con người.

Khi săn mồi, chúng di chuyển rất lặng lẻ. Khi con mồi phát hiện thì đã muộn. Chúng giết chết con mồi bằng nọc độc. Khi nọc đi vào mạch máu và tàn phá cơ thể ở bên trong, tác động đến hệ thần kinh gây cho con mồi bị liệt và chết ngay sau đó. Tuy nhiên, không phải loại nọc nào cũng có cơ chế giống như vậy. Có một số nọc độc chỉ làm cho con mồi bị hôn mê và khi tỉnh dậy là đã ở trong bụng con rắn.

Cuộc tấn công của con rắn diễn ra rất nhanh, chỉ trong khoảnh khắc rắn đã tóm được con mồi. Rắn gaboon là một loài rắn có nọc rất độc. Cái đầu khổng lồ với cơ thể rắn chắc cùng khả năng mai phục tuyệt vời, nó được xem là tên khủng bố đáng sợ nhất đối với các loài gặm nhấm. Lớp da của chúng biến đổi theo màu sắc của tự nhiên cùng với những hoa văn trang trí trên cơ thể, con mồi không tài nào phát hiện được. Nó nằm im bất động, chỉ có cái lưỡi lâu lâu thè ra để nếm và phát hiện các phân tử mùi trong không khí. Rắn gaboon dài chỉ 2 mét nhưng răng nanh của chúng dài đến 29 milimét, dài nhất trong tất cả các loài rắn độc. Nọc độc được tiết ra từ tuyến nọc ở hàm trên, nằm phía sau mắt. Khi phát hiện ra con mồi và bắt đầu tấn công, răng của nó cắn phập vào con mồi, nọc được chuyển ngay vào con mồi. Con mồi chết ngay sau đó. Rắn độc gaboon là một trong những loài rắn độc nhất thế giới.


Nọc rắn


Cái mồm to của con trăn Nam Mỹ


Rắn hổ mang – tên sát thủ mang nọc độc chết người


Một con rắn lục xanh đang ẩn mình, ngụy trang trong tán lá

Thu Thủy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *