Từ thời cổ đại, người dân vùng tuyết đã chế ra nhiều loại dụng cụ thích hợp với các hoạt động trong môi trường băng tuyết. Đến tận ngày nay, chúng tiếp tục được cư dân ở một số địa phương sử dụng.

Một trong số đó là Kan-jiki – loại đế giày để đi trong tuyết. Nó có hình ovan và được làm từ thân cây dẻo. Kan-jiki dùng để mang bên dưới giày ống giúp người di chuyển không bị lún sâu trong tuyết dày.

Kan-jiki – loại đế giày để đi trong tuyết

 

Mùa đông, làm việc trong tiết trời giá lạnh, người dân vùng tuyết không thể không tự trang bị dụng cụ giữ ấm cơ thể. Họ đã tạo ra chiếc áo choàng Miko tết bằng sợi lát hoặc rơm. Loại nguyên liệu này có tác dụng giữ nhiệt tốt, vì vậy, cư dân vùng tuyết sử dụng áo choàng Miko để giữ ấm và bảo vệ phần lưng khi làm việc ngoài trời.

Khác với những phiền phức mà người lớn phải đối mặt, tuyết mùa đông lại là niềm yêu thích của đa số trẻ em Nhật Bản. Bọn trẻ có thể nghịch tuyết cả ngày, cùng nhau nô đùa trên tuyết và tạo hình những người tuyết ngộ nghĩnh. Tuyết cũng là vật liệu để các bé gái trổ tài khéo léo bằng cách nặn những chú thỏ tuyết xinh xắn có mắt và tai được làm từ quả và lá cây nanten. Đêm đến, trẻ em tụ tập trong những ngôi nhà tuyết Kama-kura, cùng chơi đùa và hát các bài đồng dao vui nhộn. Nướng bánh gạo mochi trên than hồng hay cùng nhau chia sẻ nồi súp nóng bên trong căn nhà tuyết là một kỷ niệm không thể nào quên trong kí ức tuổi thơ của các em.

Tuyết mùa đông là niềm yêu thích của đa số trẻ em Nhật Bản

 

Những chú thỏ tuyết xinh xắn có mắt và tai được làm từ quả và lá cây nanten

 

Tại thành phố Yokote thuộc tỉnh Akita, mỗi năm một lần, vào mùa đông, nơi đây lại diễn ra lễ hội nhà tuyết Kama-kura. Sự kiện thu hút đông đảo cư dân địa phương và những người ở vùng khác trổ tài xây dựng nhà tuyết. Tường của nhà tuyết có độ dày khoảng 15 cm và có một điều bắt buộc là bên trong ngôi nhà phải có bàn thờ thần linh làm từ tuyết.

Thần được thờ trong nhà tuyết là Thần nước – vị thần mang lại sự sống cho vạn vật và con người. Tuyết được tạo ra từ nước, do đó, Thần nước được thờ trang trọng tại Kama-kura. Không đơn thuần là nơi vui chơi của trẻ con, nhà tuyết Kama-kura còn là nơi để người Nhật cầu mong một vụ mùa bội thu vào mùa xuân tới.

Trẻ em tụ tập trong những ngôi nhà tuyết Kama-kura chơi đùa, hát các bài đồng dao vui nhộn và nướng bánh gạo mochi trên than hồng

 

Tuyết không hoàn toàn chỉ mang lại những điều bất lợi. Chúng là nhân tố tạo nên những cảnh quang tự nhiên tuyệt vời mà không phải ai cũng có cơ hội ngắm nhìn.

Để có thể thưởng thức vẻ đẹp của tuyết, người Nhật đã cố tình thiết kế một góc nhìn đặc biệt ngay trong ngôi nhà của họ. Vào mùa đông, phần dưới của cửa sổ shoji được đẩy lên, tạo một không gian đủ rộng để gia chủ ngắm nhìn những bông tuyết trắng rơi ngoài vườn nhưng không quá lớn để tuyết và gió có thể tràn vào bên trong nhà.

Ngoài vườn, gia chủ cũng chuẩn bị khá công phu để ngăn ngừa những tổn hại mà thiên nhiên gây ra cho khu vườn. Họ dùng một cây sào dài, trên đỉnh sào là vô số dây bện bằng rơm, những sợi dây này được buộc đều nhau trên cành cây bên dưới để tạo thành chiếc khung bảo vệ hình tháp Yuki-zuri bao phủ toàn bộ thân cây. Cây được che chắn bởi Yuki-zuri sẽ không bị hư hại nếu tuyết rơi quá nhiều. Yuki-zuri còn góp phần mang lại cảnh quang mùa đông đặc sắc của nước Nhật.

Yuki-zuri góp phần mang lại cảnh quang mùa đông đặc sắc của nước Nhật

 

Đèn lồng bằng đá Ishi-doro là vật trang trí phổ biến trong các khu vườn tư gia ở Nhật. Ban đêm, những chiếc đèn lồng này được thắp sáng, thứ ánh sáng vàng mờ ảo khiến khu vườn chìm trong tuyết trắng trở nên ấm áp hơn. Đó cũng là cách thưởng thức vẻ đẹp mùa đông của người Nhật.

Đèn lồng bằng đá Ishi-doro là vật trang trí phổ biến trong các khu vườn tư gia ở Nhật

 

Không dừng lại ở đó, tuyết còn là đề tài cho sự kiện văn hóa thường niên có tên gọi “Lễ hội tuyết” được tổ chức ở khắp nơi của Nhật Bản. Nổi bật nhất là Lễ hội tuyết Sap-po-ro ở công viên Odori, Hokkaido. Hàng năm, lễ hội thu hút trên 2 triệu lượt khách tham quan. Lễ hội là nơi để các nhà điêu khắc tuyết trổ tài và là dịp để mọi người chiêm ngưỡng những tác phẩm khổng lồ từ nguyên liệu thuần khiết của tự nhiên, cái mà người Nhật vẫn hay gọi là “Kem của trời”.

Thanh Tâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *