Bên bờ hạnh phúc

Cách làm mới nhạc Đoàn Chuẩn của các ca sĩ trẻ trong chương trình Lá đổ muôn chiều, nhất là phần song ca của NSƯT Thanh Lam và Tùng Dương, gây ra những tranh cãi.

Tuy nhiên, theo đánh giá chung của nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha, chương trình tại Nhà hát lớn Hà Nội tối 29/10 là “một trong những đêm nhạc Đoàn Chuẩn đáng xem và đáng nghe nhất”.

“Làm mới” có quá đà?

Phần song ca bài Gửi người em gái miền NamTình nghệ sĩ của Thanh Lam – Tùng Dương trong tiếng guitar tạo ra một dấu ấn khác, bởi hai ca sĩ này có cách hát vừa êm ái vừa có phần mãnh liệt. Tuy nhiên, không ít khán giả lớn tuổi vốn quen với cách hát mượt mà, lãng mạn của tài tử Ngọc Bảo, ca sĩ Khánh Ly, Ánh Tuyết… lại cho rằng cách làm mới này hơi “gợn”. Bà Thu Lan, 72 tuổi ở phố Khâm Thiên, cho rằng cách xử lý của hai ca sĩ khiến hai nhạc phẩm “quá khác và khó nghe”.

 

Thanh Lam và Tùng Dương trong đêm Lá đổ muôn chiều. (Ảnh: Như Ý)

Anh Đoàn Liêm, con trai NS Đoàn Chuẩn, cũng bày tỏ lo ngại: “Nhạc Đoàn Chuẩn vốn lả lơi, mượt mà, tình tứ và sâu lắng. Song một nửa số ca sĩ trong chương trình xử lý theo lối mới, hiện đại với tiết tấu nhanh, nổi bật là Thanh Lam và Tùng Dương. Tôi e rằng nếu cứ hát thế này, chỉ một năm sau, có thể người ta sẽ không còn nhớ đến nhạc Đoàn Chuẩn”.

Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha nhận xét cách thể hiện của Thanh Lam và Tùng Dương “tạo được không khí khác”. Tuy nhiên, là một người gắn bó lâu năm với cố nhạc sĩ, ông nhắc nhở: “Thanh Lam và Tùng Dương đúng là hai tài năng, cất giọng lên là khiến người ta bị cuốn theo, nhưng nếu như họ thấm tác phẩm hơn nữa thì sẽ càng thuyết phục”. Đặc biệt, ông lưu ý các ca sĩ phải hát đúng lời, bởi ca từ trong nhạc Đoàn Chuẩn rất quan trọng. Ông lấy ví dụ: câu hát “Một người em gái thiếu tình thương” bị hát sai thành “Một người em gái nhớ người thương”.

Ngoài ra, theo ông Kha, các ca sĩ cũng hát thiếu câu “Rồi ngày thống nhất đến nhanh không ai ngờ, cầu chia giới tuyến mai đây san đất bằng, nụ cười trong gió sớm em đến chờ anh giữa cầu Hiền Lương” trong ca khúc Gửi người em gái miền Nam. “Đóng góp lớn của ông Chuẩn là tiên đoán về ngày thống nhất trong câu hát đó, thế mà họ lại không hát!”, ông nói.

Từ Linh ngoài đời là Tư “lì”

Đêm nhạc đánh dấu lần đầu tiên ca khúc Một gói nho một cánh pensée của Đoàn Chuẩn được hát trước công chúng, qua sự thể hiện của tốp nam Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam. Ông Nguyễn Thụy Kha bày tỏ sự hài lòng: “Khi NS Đoàn Chuẩn đưa bản nhạc cho tôi, ông nói không biết bao giờ bài này mới được hát. Hôm nay, ca khúc ấy được trình diễn rất cảm động”.

Ông Kha cũng tiết lộ bí mật của cái tên Từ Linh luôn gắn với những sáng tác của Đoàn Chuẩn: “Khi còn sống, NS Đoàn Chuẩn có nói với tôi rằng, người bạn tri âm trong các sáng tác của ông tên là Tư, biệt hiệu là Tư “lì”, nhà ở phố Cửa Nam. Họ đã lãng mạn hóa cái tên ấy thành Từ Linh. Có lần Đoàn Chuẩn đã khóc và nức nở nói về kỷ niệm với Tư “lì”, người đã qua đời từ năm 1987”.

Nhiều ca khúc trong đêm nhạc được trình diễn theo cách mà ông Nguyễn Thụy Kha cho là “lối kể chuyện sử thi”. Không gian mùa thu của đất trời và lòng người được thể hiện bằng những cung bậc thanh âm nhẹ nhàng và tinh tế với tiếng saxophone của nghệ sĩ Anh Dũng trong Thu quyến rũ. NSƯT Đức Long nồng nàn với ca khúc Lá thư, Tuấn Hiệp tình tứ trong Tà áo xanh, Khánh Linh tinh tế khi xử lý Gửi gió cho mây ngàn bay

Anh Đoàn Liêm tâm sự: "Nếu cha tôi còn sống, hẳn ông sẽ vô cùng xúc động khi được sống trong không khí đêm nay”. Anh đặc biệt ấn tượng với lối thể hiện của Quỳnh Hoa trong ca khúc Chiếc lá cuối cùng và Thái Thùy Linh với Chuyển bến, bởi “họ đã thể hiện được tinh thần của ca khúc".

Theo datviet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *