Ảnh minh họa

Dân số gia tăng đã tạo gánh nặng ngày càng tăng đối với sự lãnh đạo và quản lý của các cấp chính quyền. Và cũng từ đó, nhận thức đúng đắn về mối quan hệ dân số và phát triển được rõ dần. Các cấp ủy Đảng, chính quyền đã có chủ trương hạn chế sinh đẻ có kế hoạch, nhưng chủ trương ấy chưa đủ sức làm chuyển biến nhận thức trong cộng đồng. Một thời gian dài, công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình (DS & KHHGĐ) đạt kết quả rất thấp.

Từ khi có Nghị quyết 4 Trung ương về công tác DS & KHHGĐ, Tỉnh ủy Vĩnh Long có Nghị quyết 11, Hội đồng Nhân dân tỉnh có Nghị quyết số 51, UBND tỉnh có kế hoạch 412 chỉ đạo thực hiện công tác DS & KHHGĐ từ năm 1993 và năm 2000 là Chiến lược dân số tỉnh Vĩnh Long đến năm 2010. Đi đôi với công tác này, tỉnh hình thành hệ thống Ủy ban DS & KHHGĐ từ tỉnh đến cơ sở (bây giờ là Chi cục DS & KHHGĐ tỉnh và Trung tâm DS & KHHGĐ huyện, thành phố). Bên cạnh việc triển khai cho cán bộ – công nhân viên quán triệt chỉ thị, nghị quyết, các phương tiện thông tin đại chúng từ tỉnh đến huyện, thành phố đều được huy động vào việc tuyên truyền, giải thích, giáo dục và vận động mọi gia đình thực hiện các biện pháp tránh thai cũng như nhận thức về mối nguy cơ trong việc bùng nổ dân số.

Với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự tạo điều kiện của các cấp chính quyền cộng với sự kiên trì trong công tác truyền thông, trong một thời gian ngắn, công tác dân số đã có sự chuyển biến tích cực từ các cơ quan nhà nước đến cả cộng đồng. Số người chấp nhận các biện pháp tránh thai hàng năm đều tăng. Đến nay, toàn tỉnh có gần 170.000 cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai, chiếm tỷ lệ trên 86% so với số cặp vợ chồng còn trong độ tuổi sinh đẻ. Tỷ lệ sinh giảm từ 17,26% năm 2000 xuống còn 14,09% năm 2009, tỷ lệ tăng dân số giảm từ 1,26% của năm 2000 xuống còn 0,91% của năm 2009. Số con bình quân của một phụ nữ giảm từ 1,71 con năm 2000 xuống còn 1,23 con và phụ nữ không sinh con thứ ba trở lên giảm đáng kể.

Trên cơ sở Nghị quyết Trung ương 4, Nghị quyết 11 của Tỉnh ủy, Nghị quyết 51 của HĐND tỉnh, kế hoạch 412 của UBND tỉnh và Chiến lược dân số đến năm 2010, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp đều có xây dựng kế hoạch chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác DS & KHHGĐ. Có nơi ngoài kế hoạch chỉ đạo của tỉnh còn có những chỉ thị cụ thể, giao nhiệm vụ cho từng ngành triển khai quán triệt và thực hiện trong nội bộ và phối hợp thực hiện như UBND huyện Mang Thít có Chỉ thị 62, UBND huyện Vũng Liêm có Chỉ thị 04… cụ thể hoá chỉ tiêu thực hiện ở địa phương. Đặc biệt, một số ngành như Giáo dục, Công an, Bưu điện… đã đưa nhiệm vụ, chỉ tiêu KHHGĐ thành chuẩn mực để đánh giá, xếp loại cán bộ hàng năm một cách nghiêm túc và chặt chẽ.

Nhiều điển hình tốt trong công tác vận động thực hiện dân số và KHHGĐ ở nhiều địa phương đều tổng kết và rút ra bài học cho các địa phương. Hiếu Thuận, một xã vùng trọng điểm lúa của huyện Vũng Liêm, dân nơi đây khá đông và nghèo, nhưng lại là một điển hình của công tác DS & KHHGĐ bắt đầu từ sự chuyển biến nhận thức trong cộng đồng mà Hội Phụ nữ xã là thành viên nòng cốt… Mỹ Thuận là một xã vùng sâu của huyện Bình Minh lại dẫn đầu toàn huyện về công tác DS & KHHGĐ qua sự mẫn cảm của người nữ cán bộ chuyên trách công tác dân số xã. Nhiều địa phương khác, mỗi nơi mỗi vẻ, nhưng tất cả đều góp phần vào công tác giảm sinh…

Ngày nay, ý thức về công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình không còn là việc riêng của cán bộ chuyên trách hay tổ chức y tế mà hầu như đa số các cặp vợ chồng đều đã biết. Vấn đề là tính hiệu quả cao trong việc chọn lựa biện pháp tránh thai cũng như tác dụng của việc sinh đẻ có kế hoạch đến đời sống văn hoá trong cuộc sống hiện đại. Công tác DS & KHHGĐ ở Vĩnh Long đã bước sang giai đoạn mới với yêu cầu cao hơn về chất lượng. Nhìn chung, công tác triển khai các nghị quyết và chiến lược dân số có giáp tay và bằng nhiều hình thức tuyên truyền vận động và biện pháp tổ chức thực hiện đã làm chuyển biến tốt về nhận thức quan điểm tư tưởng và hành vi trong thực hiện của cán bộ và quần chúng nhân dân. Đây là những chỉ thị, nghị quyết thiết thực, hợp lòng dân và được nhân dân đồng tình ủng hộ cao.

Mặc dù mức sinh đã giảm nhanh trong những năm gần đây, nhưng quy mô dân số trên 1 triệu người so với diện tích đất tự nhiên là 1.472 km vuông thì mật độ dân số của tỉnh đã rất cao, đứng hàng thứ hai trong khu vực ĐBSCL (sau Tiền Giang) và gấp 3 lần so với mật độ dân số chung của cả nước. Do bức xúc về sự gia tăng dân số quá nhanh, ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế – xã hội và cải thiện đời sống, trong những năm qua, công tác dân số mới chỉ tập trung giải quyết việc giảm sinh thông qua KHHGĐ, chưa chú trọng đến các vấn đề chất lượng dân số, cơ cấu dân số và phân bố dân cư. Công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản cũng chưa được chú trọng đúng mức. Vấn đề d&aci
rc;n số trong những năm qua mới chỉ thành công ở khu vực thành thị và vùng nông thôn phát triển. Vùng sâu, vùng dân tộc còn nhiều hạn chế trong việc triển khai chương trình. Công tác truyền thông, giáo dục và cung ứng dịch vụ sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình chưa đảm bảo yêu cầu. Tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh viêm nhiễm qua đường sinh sản còn cao. Việc triển khai tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, Nghị quyết 11 của Tỉnh ủy và Chiến lược dân số cho số cán bộ mới được bố trí ở các địa phương và ngành chưa liên tục, do đó, nhiều cán bộ thiếu thông tin về công tác DS & KHHGĐ, nhất là những cán bộ giữ vai trò chủ chốt trong hệ thống chính quyền các cấp nên việc phối hợp để tuyên truyền vận động hoặc việc lãnh chỉ đạo công tác này còn gặp khó khăn và thiếu động lực thúc đẩy phong trào.

Tất nhiên, trong giai đoạn này, DS & KHHGĐ, dân số và phát triển cũng như dân số và văn hóa phải là những công tác thường xuyên nhắm đến mục tiêu con người chứ không chỉ là phong trào, chiến dịch như thời gian qua. Muốn vậy, ngoài việc hoàn chỉnh hơn các chính sách cho công tác này, Vĩnh Long cần có những chính sách động viên thêm sao cho phù hợp với đặc thù của từng địa phương. Điều này ai cũng biết nhưng do điều kiện ngân sách của tỉnh còn eo hẹp nên những chế độ chưa tương xứng có thể sẽ không giữ được lâu dài lòng nhiệt tình của những người làm công tác này ở cơ sở và đây cũng là một vấn đề cần được quan tâm, giải quyết thấu đáo để công tác DS & KHHGĐ đạt hiệu quả cao như mong muốn.

Trọng Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *