Vài tuần trước mùa tựu trường là thời điểm lý tưởng bổ sung các mũi vắc xin ngừa sởi, ho gà, bạch hầu, uốn ván, thủy đậu… cho trẻ, sẵn sàng hành trang sức khỏe cho năm học mới.
Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hàng trăm ca mắc và biến chứng do sởi, ho gà, bạch hầu… Các chuyên gia cảnh báo nếu không chủ động phòng ngừa, các bệnh kể trên có thể lây lan rộng ra cộng đồng. Trẻ em với hệ miễn dịch còn non kém, học tập và sinh hoạt trong môi trường đông đúc có nguy cơ mắc bệnh rất cao.
Để độc giả hiểu rõ các tác nhân gây bệnh và biện pháp phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm có nguy cơ lây lan cao trong mùa tựu trường, các chuyên gia truyền nhiễm và nhi khoa đã trực tiếp trả lời các câu hỏi trong livestream diễn ra tối 9/8 với chủ đề: “Vắc xin cần tiêm cho trẻ em trước khi đi học trở lại”.
Chương trình tư vấn trực tuyến tối 9/8 với chủ đề “Vắc xin cần tiêm cho trẻ em trước khi đi học trở lại”.
Livestream có sự tham gia tư vấn của bác sĩ Bùi Thanh Phong, Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC; BS.CKI Nguyễn Đông Bảo Châu, bác sĩ khoa Nhi, BVĐK Tâm Anh TP.HCM và khách mời diễn viên Ngọc Lan. Bạn đọc quan tâm xem lại chương trình tại đây
Mở đầu chương trình, BS.CKI Nguyễn Đông Bảo Châu cho biết miễn dịch từ các mũi vắc xin đầu đời sẽ dần suy giảm khi trẻ lớn lên. Nếu không bổ sung các mũi nhắc, trẻ có nguy cơ mắc và gặp biến chứng khi tiếp xúc các mầm bệnh như cúm, ho gà, bạch hầu, sởi, thủy đậu…
Bên cạnh đó, tâm lý lơ là phòng bệnh cho con của người dân có thể khiến trẻ dễ mắc bệnh hơn. Bác sĩ Châu dẫn chứng mỗi năm nước ta có thêm khoảng 1 triệu trẻ sơ sinh. Nếu tỷ lệ tiêm chủng đạt mức 95% thì vẫn còn 5% tương đương 50.000 trẻ không được chủng ngừa. Qua 4 năm, số trẻ không được tiêm ngừa sẽ vào khoảng 200.000, là một “lỗ hổng miễn dịch” khiến mầm bệnh dễ lây lan ra cộng đồng.
Một nguyên nhân nữa khiến trẻ dễ mắc bệnh đến từ môi trường sống. Học tập, vui chơi, tiếp xúc nhiều bạn bè cùng trang lứa trong khi đó ý thức tự phòng bệnh chưa cao. Nếu không được chủng ngừa đầy đủ, một trẻ mắc bệnh có thể lây cho nhiều trẻ khác.
BS.CKI Nguyễn Đông Bảo Châu tại buổi tư vấn trực tuyến tối 9/8.
Bác sĩ Châu cũng khuyến cáo người dân không nên tự điều trị tại nhà các bệnh truyền nhiễm như sởi, ho gà, bạch hầu, thủy đậu… Ví dụ việc tự ý dùng kháng sinh có thể gây loạn khuẩn đường ruột tức kháng sinh sẽ tiêu diệt các lợi khuẩn đường ruột, gây các vấn đề tiêu hóa. Thêm vào đó, chức năng gan thận của trẻ của sẽ bị ảnh hưởng nếu sử dụng kháng sinh kéo dài.
“Nếu trẻ có bệnh lý nhiễm trùng, phụ huynh nên đưa trẻ đi khám để chẩn đoán và điều trị đúng bệnh. Bên cạnh đó, cần chú trọng tiêm ngừa đầy đủ cho trẻ”, bác sĩ Châu lưu ý.
BS Bùi Thanh Phong tại buổi tư vấn trực tuyến tối 9/8.
Để phòng bệnh, bác sĩ Bùi Thanh Phong cho biết phụ huynh cần hướng dẫn trẻ các biện pháp phòng bệnh ngay từ nhỏ như giữ vệ sinh cá nhân, giữ khoảng cách khi đến nơi đông người, đeo khẩu trang đúng cách, thường xuyên rửa tay. Và đặc biệt, phụ huynh cần chú trọng tiêm ngừa cho trẻ từ các mũi tiêm đầu đời đến các mũi nhắc khi 4-6 tuổi và 9-15 tuổi để trẻ được bảo vệ tốt nhất.
Theo bác sĩ Phong, hiện chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) đã phổ biến vắc xin phòng khoảng 10 bệnh cho trẻ. Tuy nhiên, hiện nay có khoảng 30 bệnh truyền nhiễm thường xuyên tấn công trẻ mà chưa có trong TCMR, chỉ có trong tiêm chủng dịch vụ, phụ huynh cần phòng đầy đủ cho trẻ.
Hai năm đầu đời là thời gian trẻ cần bổ sung sớm và đầy đủ các vắc xin như 6 trong 1, phế cầu, tiêu chảy do rotavirus, não mô cầu, cúm, thủy đậu, sởi, quai bị, rubella, tả, thương hàn, viêm gan A… Đây là giai đoạn lịch tiêm vắc xin cho trẻ nhiều và dày nhất. Tuy nhiên, bác sĩ Phong cho biết trẻ còn các mốc tiêm nhắc quan trọng sau đó. Cụ thể, trẻ 4-6 tuổi cần tiêm nhắc các vắc xin 4 trong 1 ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và vắc xin 3 trong 1 ngừa sởi, quai bị, rubella. Trẻ 9-15 tuổi cần tiếp tục nhắc ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván và tiêm nhắc mỗi 10 năm sau đó để có miễn dịch bền vững với bệnh.
Bác sĩ Phong cũng lưu ý thêm 9 tuổi là mốc trẻ đủ tuổi tiêm ngừa vắc xin HPV phòng bệnh sùi mào gà và các ung thư nguy hiểm như ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo, hậu môn, hầu họng. Riêng mũi vắc xin cúm, bác sĩ Phong cho biết cần tiêm nhắc mỗi năm sau phác đồ cơ bản, ở cả trẻ em và người lớn.
Bác sĩ Phong nhấn mạnh vắc xin cần thời gian 2-3 tuần để sinh kháng thể bảo vệ. Thời gian nghỉ hè là thời điểm lý tưởng để phụ huynh bổ sung các mũi vắc xin cần thiết cho con.
Khách mời diễn viên Ngọc Lan tại buổi tư vấn trực tuyến tối 9/8.
Tham gia buổi tư vấn trực tuyến tối 9/8, diễn viên Ngọc Lan cho biết con trai Louis vừa hoàn thành chương trình lớp 1 với nhiều cung bậc cảm xúc. Chăm sóc con, nữ diễn viên không chỉ quan tâm đến chế độ dinh dưỡng, rèn luyện thể dục thể thao mà còn theo sát lịch tiêm ngừa, không bỏ sót mũi tiêm nào.
“Và Lan tin tưởng chọn cho con các các trung tâm tiêm chủng dịch vụ uy tín, có hệ thống bảo quản vắc xin chuẩn và quy trình tiêm chủng an toàn cùng các bác sĩ, điều dưỡng được đào tạo bài bản, giàu kinh nghiệm như VNVC. Dù bé có lịch tiêm dày và có một số mũi tiêm có khoảng cách khá xa, gia đình Lan cũng không sợ quên lịch vì VNVC có hệ thống nhắc lịch tự động qua tin nhắn điện thoại, mobile App VNVC cũng như đội ngũ tổng đài viên luôn sẵn sàng hỗ trợ khi phụ huynh có thắc mắc”, diễn viên Ngọc Lan chia sẻ.
Ngoài ra, Ngọc Lan cho biết chị là một người mẹ tin tưởng vào khoa học nên thường xuyên cập nhật các thông tin mới về vắc xin. Gần đây, khi nghe tin vắc xin HPV mở rộng tuổi tiêm ngừa đến 45 tuổi, chị đã ngay lập tức tiêm ngừa cho bản thân. Trước mùa tựu trường của con, chị cũng kiểm tra sổ tiêm của con và của cả bản thân để tránh bỏ sót các mũi tiêm nhắc.
Nhật Linh