Những bệnh lý nguy hiểm như ung thư ngày càng tăng cao và có xu hướng trẻ hóa. Trong nhóm ung thư tiêu hóa thì ung thư gan-mật-tụy là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. 

Dù là những bệnh lý nguy hiểm nhưng lại diễn tiến âm thầm, thường phát hiện khi bệnh trở nặng, hoặc tình cờ khi thăm khám sức khỏe tổng quát. Điều này gây khó khăn cho quá trình điều trị, gây tốn kém, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng sống của người bệnh.

Nhằm giúp người dân hiểu hơn về những bệnh lý này, tiếp cận các kiến thức y khoa chính thống, hiện đại trong chẩn đoán và điều trị u đường tiêu hóa và các bệnh lý gan, mật, tụy, tối ngày 28/3/2024, Hệ thống BVĐK Tâm Anh phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam (VTV8) tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến “Siêu âm nội soi – Bước tiến mới trong chẩn đoán & điều trị u đường tiêu hóa và các bệnh lý Gan, Mật, Tụy”.

BS.CKII Võ Ngọc Bích, TS. BS Phạm Công Khánh và TTƯT.TS.BS Phạm Hữu Tùng (từ trái qua)

Chương trình có sự tham gia tư vấn của các chuyên gia đến từ Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi tiêu hóa – Hệ thống BVĐK Tâm Anh: TTƯT.TS.BS Phạm Hữu Tùng (Phó Giám đốc Trung tâm), TS.BS Phạm Công Khánh (Trưởng khoa Gan- Mật-Tụy) và BS.CKII Võ Ngọc Bích (Bác sĩ Ngoại Gan- Mật-Tụy).

 Theo TTƯT TS.BS Phạm Hữu Tùng, nguyên nhân khiến các bệnh lý nguy hiểm ở đường tiêu hóa và gan, mật, tụy ngày càng gia tăng cùng xu hướng trẻ hóa liên quan nhiều đến lối sống, thói quen ăn uống, dinh dưỡng mất cân đối như ăn nhiều thức ăn nhanh, nhiều dầu mỡ, thức ăn chế biến sẵn chứa chất bảo quản, nhưng lại thiếu chất xơ, ít vận động, lạm dụng chất kích thích (rượu, bia), hoặc bản thân bị nhiễm virus HP, viêm gan siêu vi B, C…

Tuy nhiên, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, hệ thống máy móc hiện đại đã hỗ trợ đắc lực cho bác sĩ trong chẩn đoán. Thế hệ máy nội soi hiện đại, với độ phân giải cao, chức năng phóng đại lên gấp trăm lần, mang đến hình ảnh sắc nét; cùng với sự góp mặt của trí tuệ nhân tạo (Al) đã giúp phát hiện bệnh lý và tầm soát ung thư đường tiêu hóa dễ dàng hơn.

Hay hệ thống siêu âm nội soi (là sự kết hợp của 2 kỹ thuật siêu âm và nội soi) đã phát huy công dụng trong việc phát hiện vị trí, kích thước của tổn thương nhỏ nhất ở đường tiêu hóa, bao gồm các khối u, giảm thiểu nguy cơ xuất hiện các biến chứng nguy hiểm. Kỹ thuật này cũng có thể sinh thiết bằng kim nhỏ để xác định bản chất của tổn thương ngay trong quá trình nội soi.

TTƯT, TS.BS Phạm Hữu Tùng giải đáp thắc mắc trong chương trình livestream. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Trong chương trình, rất nhiều câu hỏi gửi về cho các bác sĩ liên quan đến việc thăm khám, chẩn đoán và điều trị các bệnh lý đường tiêu hóa và gan, mật, tụy.

Một bạn nữ 24 tuổi đặt ra câu hỏi: “Gần đây em cảm thấy bản thân có các triệu chứng như sụt cân, suy nhược cơ thể, đau quặn bụng, đi đại tiện lẫn máu. Em tìm hiểu trên mạng thì thấy các triệu chứng này có thể là dấu hiệu ung thư trực tràng. Em nên đi khám và làm các xét nghiệm gì?”.

Giải đáp về vấn đề này, Tiến sĩ bác sĩ Phạm Hữu Tùng cho biết, bạn nữ nên đi khám và nội soi đường tiêu hóa để tìm nguyên nhân gây ra tình trạng đau bụng và xuất huyết đường tiêu hóa. Bạn có thể cần làm một số xét nghiệm giúp chẩn đoán bệnh chính xác. Bác sĩ Tùng lưu ý thêm, khi đi khám tiêu hóa, mọi người cần nhịn ăn uống ít nhất là 6 đến 8 giờ, để thực hiện được những xét nghiệm đặc biệt hoặc nội soi theo chỉ định của bác sĩ.

TS.BS Phạm Công Khánh trả lời trong livestream. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Một khán giả cũng đặt câu hỏi: “Chỉ trong 2 tháng mà tụt 6kg, kèm theo các triệu chứng như buồn nôn nhiều, nước tiểu bị sẫm màu, đau bụng, đi tiêu phân bạc màu, có biểu hiện vàng da là triệu chứng của bệnh gì? Liệu có phải ung thư tụy không? Vì chú ruột đã từng bị căn bệnh này”.

Tiến sĩ bác sĩ Phạm Công Khánh cho biết, để chẩn đoán tình trạng bệnh, bạn cần đi khám tại chuyên khoa Gan- Mật-Tụy để được thực hiện các xét nghiệm xem có bị tắc mật hay không. Nếu tắc mật cần tiếp tục tầm soát nguyên nhân gây tắc mật thông qua các xét nghiệm chỉ điểm ung thư hay các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như chụp CT, MRI hoặc siêu âm nội soi để chẩn đoán tắc mật.

Giống như các bệnh ung thư khác thì ung thư tụy cũng có yếu tố di truyền. Trong các loại ung thư ở đường tiêu hóa thì ung thư tụy diễn tiến phức tạp. Đến nay, khoa học vẫn chưa thể xác định đâu là yếu tố nguy cơ gây ung thư tụy. Do đó, chúng ta nên thận trọng với loại ung thư này. Do đó, bạn cần đi khám sớm, thực hiện các phương pháp xét nghiệm theo chỉ định để chẩn đoán hoặc phát hiện sớm bệnh, giúp nâng cao hiệu quả điều trị.

BS.CKII Võ Ngọc Bích đang tư vấn thắc mắc cho khán giả: Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Một nhóm khán giả đặt câu hỏi: “Sỏi túi mật khi nào phải can thiệp phẫu thuật?”, “Cắt túi mật có ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa hay không?”… Những câu hỏi này đã được bác sĩ Võ Ngọc Bích giải đáp, sỏi túi mật trên 20mm mà không có triệu chứng, không đau vẫn có khả năng cần chỉ định phẫu thuật. Trường hợp sỏi dưới 20mm nhưng không có triệu chứng, cần theo dõi thêm và siêu âm lại mỗi 6 tháng.

Đối với câu hỏi: “Cắt túi mật có ảnh hưởng đến đường tiêu hóa không?”, bác sĩ Ngọc Bích đã giải đáp là không ảnh hưởng. Do đó bệnh nhân sau khi cắt túi mật cần ăn uống, sinh hoạt và làm việc bình thường.

Một khán giả khác gửi câu hỏi đến chương trình về tình trạng mẹ bạn bị sỏi túi mật dẫn đến biến chứng viêm túi mật do sỏi kẹt ở cổ túi mật. Bác sĩ đã điều trị cho hết viêm và hết đau, nhưng hiện nay sỏi vẫn còn kẹt ở vị trí cũ. Người bệnh có điều trị được bằng phương pháp nội soi mật tụy ngược dòng hay không? Người bệnh có tiền sử nhiễm độc tuyến giáp.

Tiến sĩ bác sĩ Phạm Công Khánh giải đáp, trường hợp này cần phải phẫu thuật. Nội soi mật tụy ngược dòng là một kỹ thuật ít xâm lấn. Tuy nhiên, chủ yếu được dùng để điều trị sỏi đường mật chính, tức là sỏi ống mật chủ hoặc là một số trường hợp sỏi đơn giản ở đường mật trong gan. Phương pháp này không dùng để điều trị sỏi túi mật. Kỹ thuật phải thực hiện dưới gây mê toàn thân (gây mê tĩnh mạch) hoặc là gây mê khí quản.

Do đó, người bệnh cần khám với bác sĩ chuyên khoa Nội tiết để được đánh giá tình trạng nhiễm độc giáp. Nếu phải phẫu thuật cấp cứu sẽ có sự kết hợp chặt chẽ giữa các bác sĩ chuyên khoa nội tiết, tim mạch, gây mê hồi sức để đảm bảo an toàn cho người bệnh.

Liên quan đến vấn đề nội soi, một nhóm câu hỏi được khán giả gửi đến chương trình như nội soi thì có đau không, nội soi bằng ống cứng hay ống mềm, người bệnh cần chuẩn bị gì, quá trình nội soi có lây nhiễm chéo không…

Tiến sĩ bác sĩ Phạm Hữu Tùng giải đáp, nội soi là phương pháp dùng một ống soi mềm đưa qua vùng hầu họng xuống thực quản dạ dày tá tràng, hoặc đưa ra sau đại tràng bằng một sợi dây soi từ hậu môn lên tới hết đại tràng (ruột già). Nội soi có 2 loại là nội soi thường và nội soi không đau (tiêm thuốc gây mê trong quá trình soi) bệnh nhân sẽ không có cảm giác đau.

Nội soi có thể gây lây nhiễm chéo nếu khâu vệ sinh, khử khuẩn các máy móc, dụng cụ can thiệp không đúng cách, không đúng quy trình. Tuy nhiên hiện nay, đa số các phòng khám đều phải thực hiện đúng chuẩn quy trình khử khuẩn của Bộ Y tế.

Với thời lượng 120 phút, chương trình nhận được hàng trăm câu hỏi của khán giả và được các bác sĩ giải đáp cặn kẽ. Thông qua chương trình, Tiến sĩ bác sĩ Phạm Hữu Tùng khuyến cáo, người dân nên duy trì lối sống lành mạnh, có chế độ dinh dưỡng cân đối, ưu tiên thực phẩm chín sạch, đảm bảo cung cấp đủ chất xơ, hạn chế thịt đỏ, dầu mỡ và thực phẩm giàu muối. Bên cạnh đó, tránh lạm dụng rượu bia, thuốc lá và tăng cường vận động, thể dục thể thao. Đặc biệt, thực hiện tầm soát định kỳ tại các cơ sở y tế có trang thiết bị hiện đại và đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm để phát hiện sớm ung thư.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *