Tất tả ở những buổi chợ trưa hay quần quật cả ngày trong các cơ sở chế biến thủy sản, những mảnh đời lao động nghèo khó luôn lấy sự chăm chỉ, siêng năng của đôi tay cùng ý chí vững vàng trước khó khăn vất vả để thực hiện nghề nghiệp của mình, mong sao kiếm tiền về trang trải gia đình. Đằng sau những đôi tay tím tái vì ngâm hàng giờ dưới dòng nước lạnh, cả những vết trầy xước bởi gai nhọn hay vảy cá sắc cạnh đến rỉ máu đôi tay, nhưng công việc làm cá bán cá vẫn là cứu cánh duy nhất họ bền lòng trên chặng đường vượt khó của mình.
Video clip chương trình Vượt qua thử thách – Kỳ 201 (06/11/2015)
Hoàn cảnh gia đình chị Miễn Thị Giàu ngụ xã Hưng Điền, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An
Khi màn đêm trải dài nơi khúc sông quê ở xã Hưng Điền, chỉ còn tiếng gió và côn trùng rả rít vọng về thì cũng là lúc vợ chồng chị Giàu sửa soạn vài tấm lưới cũ chuẩn bị cho một đêm dài giăng lưới mưu sinh. Lênh đênh trên sông lạnh với những cơn gió đêm tê tái vào da thịt, nhưng đôi vợ chồng nghèo vẫn nhẫn nại bắt từng con cá tép để buổi chợ sớm mai nơi vùng biên được đắt hàng, anh chị lại có thêm một ít tiền trang trải cho tổ ấm.
Hơn 3 năm gắn bó với vài ba kí cá mè, cá chép nơi khu chợ nhỏ, bên sạp cá quê, chị Giàu luôn miệng niềm nở chào mời bà con lối xóm. Tất bật luôn tay với các công đoạn đánh vẩy, cắt kì, bỏ ruột và mang, từng con cá sạch sẽ, gọn gàng được trao tay là tất cả tấm lòng mà người thợ như chị mong muốn mang đến cho khách hàng những bữa ăn ngon. Mặc cho chi chít những vết chai sần, trầy xướt từ công việc mang lại, nhưng được làm nghề mình yêu thích, chị lại có thêm niềm tin để tiếp tục phiên chợ vào ngày mai. Việc buôn bán nơi vùng biên hẻo lánh chẳng mấy dễ dàng khi dân cư thưa thớt, những người giăng câu, thả lưới kiếm đồng lời từ cá như chị phải chật vật lắm mới lo được cho cả gia đình.
Vất vả buôn gánh bán bưng một ngày dài nơi đầu đường cuối xóm với cá tép, chị Giàu lại cáng đáng luôn trọng trách chăm lo cho mẹ già bị bệnh tai biến, hở van tim từ hơn chục năn nay, từ khi các anh em biền biệt phương xa vì cảnh nhà khốn khó. Nặng lòng với chi phí thuốc thang cho mẹ lên đến hàng chục triệu đồng mỗi tháng, lòng chị Giàu càng thêm nặng trĩu âu lo bởi anh Út – chồng chị, sức khỏe ngày càng sa sút vì căn bệnh suy thận giai đoạn đầu. Trăn trở trước bài toán áo cơm vẫn oằn nặng trên vai người vợ hiền, nên mỗi khi khỏe một chút anh Út nén chặt cơn đau mà gắng gượng làm thuê, mong tổ ấm có thêm chút tiền để lo cho con cái.
Quay quắt với bao nỗi lo toan nhưng những phút giây anh chị được cận kề, chỉ bảo cho con từng nét chữ đầu đời dường như những mệt nhoài đã vội xua tan sau một ngày miệt mài lao động. Để rồi trên bước đường mưu sinh dẫu còn nhiều gian nan, trắc trở ở phía trước nhưng hơi ấm tình thân sẽ luôn là nguồn sức mạnh lớn lao giúp chị mạnh mẽ hơn trong từng quang gánh mỗi sớm mai, còn anh lại cố gắng nhiều hơn sau hàng giờ lênh đênh thả lưới, hy vọng rằng từ những con cá tép hôm nay, một ngày không xa cả gia đình sẽ thoát khỏi khó nghèo, cơ cực.
Hoàn cảnh gia đình chị Lâm Thị Dợt ngụ xã Giục Tượng, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang
Hơn 1 năm nay, dù mỗi ngày chỉ nghỉ ngơi được vài giờ vì phải túc trực thường xuyên chăm lo cho người chồng bị tai nạn nằm liệt một chỗ nhưng mỗi sáng, chị Dợt vẫn tất bật bên bếp lửa nhỏ chuẩn bị chút thức ăn đạm bạc, đơn sơ mong cho chồng mau chóng phục hồi trước bệnh tình vẫn đang bào mòn cơ thể.
Bao nỗi lo toan đâu đó còn in hằn trên gương mặt tiều tụy, trong từng giọng nói run run của anh Quốc – chồng chị Dợt bởi sau nhiều lần chạy chữa khắp nơi nhưng đến giờ, bệnh tình của anh vẫn chưa một ngày thuyên giảm mà xuất hiện thêm biến chứng hoại tử khớp xương đùi nhiều nguy hiểm. Xót lòng trước bệnh tật của chồng, lòng người vợ, người mẹ nghèo càng day dứt hơn khi nhìn đứa con trai bé nhỏ mới 9 tuổi đầu đã chịu nhiều cơ cực.
Không còn chồng đỡ đần công việc nặng nhọc, nặng gánh con đang độ tuổi học hành, chị Dợt gánh vác trách nhiệm trụ cột để chăm lo cho gia đình bằng thâm niên làm cá trong cơ sở chế biến thủy sản từ hơn 4 năm nay. Tuân thủ theo các yêu cầu nghiêm ngặt của cơ sở từ khâu chọn lựa cá sao cho thật tươi ngon đến công đoạn xẻ thịt, lóc xương nhanh nhẹn và khéo léo, với tay nghề thành thục, người thợ như chị luôn nhận được sự tin tưởng của người chủ thuê.
Giọt nước mắt nghẹo ngào của người vợ dường như đã không dừng được mỗi khi nhắc đến người chồng thân yêu đang phải chịu những dày vò do bệnh tật mang lại. Nhưng có lẽ từ chính những xót xa này, chị lại có thêm động lực để tiếp tục con đường mang tên vượt khó cho cả gia đình. Bởi với đôi tay làm cá chuyên nghiệp, với tất cả sự chăm chút, chu đáo của người vợ, người mẹ trong gia đình thì những khó khăn sẽ lùi xa, nhường chỗ cho một cuộc sống mới nhiều no ấm và bình yên.
|
Kim Thơ