Ngoài sự không ngừng phát triển về lực lượng sáng tác, phân hội Mỹ thuật còn là một phân hội có phong trào hoạt động rất mạnh, rất tích cực và rất có ý nghĩa.
Trước hết, phân hội thường xuyên tổ chức được các cuộc thi tranh – tượng và các cuộc triển lãm tranh – tượng trong tỉnh. Mỗi lần tổ chức thi bao giờ cũng thu hút được trên 100 tác phẩm tham dự. Ngoài tổ chức thi và tổ chức triển lãm trong tỉnh, phân hội còn tổ chức cho các tác giả tham gia dự thi và dự triển lãm tranh – tượng trong khu vực và trong nước. Hầu như các lần dự thi, bao giờ phân hội cũng gặt hái được một số giải thưởng nhất định. Điều quý nhất là phân hội đã nhiều lần phối hợp với Hội Mỹ thuật TPHCM tổ chức được nhiều lần triển lãm tranh – tượng của Vĩnh Long tại thành phố. Trong đó có những lần tham gia triển lãm mang ý nghĩa nhân đạo xã hội như lần kết hợp với Sở Công an TPHCM tổ chức triển lãm trên đường Nguyễn Du – Quận I. Ngoài ra, phân hội còn thay mặt Hội đầu tư sáng tác và tổ chức đi thực tế sáng tác rất nhiều lần cho hội viên, trong đó có nhiều đợt tổ chức đi sáng tác ở ngoài tỉnh như Đà Lạt, Cà Mau, Đồng Tháp, Trà Vinh, Tây Nguyên, Hà Nội, Vĩnh Phú… Nhờ vậy, nhiều tác giả đã nhiều lần tổ chức được những galléri riêng của mình ở TPHCM, ở Đà Lạt… chẳng hạn như họa sĩ Lê Triều Điển, họa sĩ Tín Đức… trong đó, người tham gia xây dựng nhiều công trình và phù điêu cũng như trang trí nội thất chính là họa sĩ Lê Triều Điển. Lê Triều Điển là tác giả của nhiều công trình nghệ thuật mang tầm vóc quốc gia, trong đó có công trình xây dựng Vườn cổ tích tại Công viên Tao Đàn. Hiện nay, mặc dù đã chuyển lên TPHCM, nhưng Lê Triều Điển vẫn cùng với vợ là nhà thơ Phạm Thị Quý thường xuyên trở về Vĩnh Long để thiết kế hoa văn cho gốm mỹ nghệ xuất khẩu của Vĩnh Long. Hai vợ chồng họa sĩ này có năng lực sáng tạo rất lớn. Năm 2000, cùng với anh Nguyễn Tấn Nghĩa, họ đã tổ chức được một cuộc triển lãm gốm mỹ nghệ rất có tiếng vang và rất có ý nghĩa kinh tế tại TPHCM.
Cùng thiết kế hoa văn trên gốm mỹ nghệ với Lê Triều Điển, họa sĩ Thế Đệ, họa sĩ Chiêu Đồng cũng là hai họa sĩ có những đóng góp rất lớn, thành công rất lớn. Những đường nét hoa văn được khắc trên gốm của họ rất độc đáo và có sức hấp dẫn rất lớn đối với bạn hàng trong nước và ngoài nước. Đồng thời, đây cũng là hai họa sĩ được đánh giá cao trong các lĩnh vực sơn dầu, sơn mài, tranh lụa, tranh xé giấy và ký họa chân dung.
Họa sĩ Tín Đức được đánh giá là một tác giả có sức vẽ nhanh, tạo được ấn tượng mạnh, có giá trị qua thời gian. Ngoài ra, anh còn tích cực tham gia xây dựng các hòn non bộ có tính nghệ thuật cao. Hòn non bộ lớn tại Công viên trung tâm TXVL chính là tác phẩm của anh trong thời kỳ đầu tham gia tạo hình non bộ.
Để khẳng định sự vững mạnh của phân hội, công tác phát triển hội viên rất được phân hội đặc biệt quan tâm. Trong các phiên họp của mình, phân hội bao giờ cũng đặt ra vấn đề bồi dưỡng và phát triển hội viên. Đến nay, phân hội đã có được các họa sĩ sau đây là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam : Vũ Ba, Lê Phúc, Lê Triều Điển, Thái Bình, Hứa Văn Chiến, Vân Anh, Trần Minh Thái, Tín Đức, Thế Đệ, Đặng Can, Bửu Lộc, Phạm Đình Vĩnh, Tạ Ánh Hồng. Các họa sĩ này mỗi người đều có phong cách sáng tạo nghệ thuật rất khác nhau. Ngay trong chính mỗi tác phẩm của họ đều có sự biến hóa rất đa dạng về bố cục, đường nét, sắc màu… và thường xuyên tạo ra những ý tưởng rất mới, rất lạ, nhất là họa sĩ Lê Triều Điển. Tranh của Lê Triều Điển bao giờ triển lãm cũng gây được những dấu ấn mạnh mẽ trong lòng công chúng cũng như trong giới nghệ sĩ tạo hình của cả nước.
Thời gian gần đây, việc nổi lên về tượng và phù điêu của họa sĩ Ánh Hồng cũng là một sự khẳng định thành công của năng lực sáng tạo và ý nghĩa cống hiến của phân hội. Ngay như Nguyễn Lưu, vốn là một họa sĩ trầm lặng, nhưng trong cuộc thi tranh – tượng của khu vực ĐBSCL tổ chức tại Cà Mau năm 2001, anh cũng đã tự bứt phá chính bản thân mình với tác phẩm “Mùa lũ”, vươn lên giành được giải Nhì của khu vực.
Các họa sĩ trẻ khác cũng càng ngày càng có những tiến bộ nhất định, càng ngày càng có nhiều tác phẩm được tham dự các triển lãm lớn của tỉnh và của khu vực, trong đó đáng kể nhất là các cuộc triển lãm tranh thiếu nhi trong tỉnh, trong khu vực, trong nước và quốc tế. Trong các cuộc thi tranh thiếu nhi trong nước và quốc tế, bao giờ tranh của các em cũng giành được HCV, HCB, mà tiêu biểu nhất là hai em Kim Oanh và Kim Cương. Trong đợt khánh thành cầu Mỹ Thuận vào tháng 5/2000, các em đã tổ chức được một triển lãm lớn với hàng trăm tác phẩm. Rất nhiều tác phẩm của các em đã được mua với giá hàng trăm ngàn. Đặc biệt, em Trương Lê Quỳnh Tương bán được tới ba bức với tổng số tiền gần hai triệu đồng.
Không những tổ chức cho hội viên trong tỉnh tham gia đi thực tế sáng tác, phân hội Mỹ thuật từ khi thành lập tới nay đã nhiều lần tạo điều kiện cho Hội Mỹ thuật Việt Nam đến tổ chức Trại sáng tác tại tỉnh và tổ chức triển lãm tại tỉnh. Trong các đợt sáng tác ấy, bao giờ anh em hội viên của tỉnh cũng có mặt tham dự và có nhiều tranh – tượng có giá trị tham dự. Nhiều tác phẩm được Hội đồng nghệ thuật đánh giá cao, nhiều tác phẩm được trao tặng giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam dành cho khu vực.
Nhìn lại chặng đường của hội họa Vĩnh Long vừa qua, chúng ta tin chắc rằng, thời gian sắp tới, phân hội Mỹ thuật Vĩnh Long nhất định sẽ còn gặt hái được nhiều thành công tốt đẹp hơn trong lĩnh vực sáng tác cũng như trong lĩnh vực phát triển hội viên trong tỉnh và hội viên trung ương. Hiện tại, phân hội Mỹ thuật đang được BCH Hội VHNT Vĩnh Long đánh giá là một phân hội chuyên ngành mạnh, có nhiều họa sĩ là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam nhất, có nhiều tác giả gặt hái được nhiều thành công nhất so với các phân hội khác trong tỉnh, đồng thời cũng là phân hội có nhiều đóng góp thiết thực nhất cho nhiệm vụ chính trị của tỉnh và cũng là phân hội có tốc độ trẻ hóa đội ngũ sáng tác rất nhanh, đặc biệt là trong công tác ươm mầm cho lực lượng vẽ tranh của thiếu nhi. Ngoài ra, đây cũng là một phân hội có tinh thần tập thể rất cao, tính đoàn kết trong sinh hoạt và trong lao động sáng tạo nghệ thuật rất lớn. Bên cạnh đó, anh chị em họa sĩ trong phân hội còn có tinh thần giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau rất cụ thể và thiết thực trong sáng tác cũng như trong việc tham dự các cuộc triển lãm tranh – tượng trong tỉnh và trong khu vực hay ở TPHCM. Chính nhờ tinh thần giúp đỡ có tính tương thân tương ái này, anh chị em trong phân hội mới có đủ điều kiện để mua sắm phương tiện làm việc, sáng tác cũng như bảo đảm được cuộc sống đời thường của mình.
Hồ Tĩnh Tâm – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long