Bên bờ hạnh phúc

Biểu nói dóc thì nói dóc

Một hôm, tui đi thăm ruộng về, gặp ông Chánh hội (ông Chánh Hội hương của làng). Ông ta nghe tui là tay nói dóc tổ trong làng, ông biểu :

– Vô nói dóc chơi, chú Tám!

Biết ổng khoái nhậu, tui đáp liền xì :

– Ở đó nói dóc. Hồi hôm, tui chài được mấy con cá chẻm bằng bắp vế, bà xã còn rọng ở nhà. Về tui nhậu chơi.

Ông ta khoái, giựt máy cô-le chạy ghe chở tui về nhà cái rụp. Đến nhà, tui đem thuốc giồi ra hút khan, nói tào lao thiên hạ tới trưa. Chừng đói bụng, ổng hỏi :

– Cá đâu?

Tui cười toét :

– Cá có đâu! Biểu nói dóc thì nói dóc, hỏi chi ngộ?

Ổng liền chắp tay xá tui :

– Tao phục cái tài nói dóc của mày, nghen Tám!

Văn hóa dân gian Vĩnh Long vốn là kho tàng vô tận và phát triển không ngừng mà sự ghi chép, sưu tầm thì có giới hạn. Nó là tiếng nói tình cảm, trí tuệ của quần chúng, thể hiện muôn màu, muôn vẻ theo bước thăng trầm của lịch sử và tâm hồn con người qua các thời đại của một vùng đất. Vĩnh Long là một phần đất ĐBSCL rất phong phú và đa dạng, cho nên văn hóa dân gian ở đây mang bản sắc cởi mở và phóng khoáng. Tuy là vùng đất mới, nhưng kế thừa truyền thống văn hóa lâu đời của cha ông cộng với cuộc sống mới đầy gian nan thử thách đã hình thành một nếp sống văn hóa có bề dày sinh động. Văn hóa dân gian Vĩnh Long góp một phần khiêm nhường trong gia tài văn hóa dân tộc.

Theo Việt Chung – Sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *