Tiếp theo thế hệ đàn anh, có mặt ngay từ những ngày đầu thành lập Hội, một loạt họa sĩ thuộc thế hệ thứ hai đã kịp nhập cuộc và khẳng định tài năng. Đó là Vân Anh, Trần Minh Thái, Tín Đức, Đặng Can, Thế Đệ, Chiêu Đồng… Các tác giả này ngay khi gia nhập Hội đã lập tức sáng tác thành công hàng loạt tác phẩm, liên tục tham gia nhiều cuộc triển lãm lớn trong tỉnh, trong khu vực và trong cả nước. Đồng thời, họ cũng có tranh treo trong rất nhiều galleri tại TPHCM cũng như đã có rất nhiều tác phẩm được đưa vào lưu giữ tại Bảo tàng của tỉnh. Trong số này, người sớm khẳng định tài năng nhất là họa sĩ Vân Anh.
Họa sĩ Vân Anh quê ở Long Hồ, có năng khiếu hội họa từ nhỏ. Khi gia nhập vào Phân hội Mỹ thuật, anh được Hội VHNT tỉnh cử đi học Đại học Mỹ thuật, chuyên ngành điêu khắc, trở thành hội viên đầu tiên (sau giải phóng) của tỉnh có bằng đại học. Cùng với họa sĩ Nguyễn Thái Bình, Vân Anh là nhà điêu khắc được đào tạo chính quy qua trường lớp. Tác phẩm của Vân Anh rất có hồn và rất đậm tinh thần dân tộc. Nhiều tác phẩm của anh đã từng đạt nhiều giải thưởng lớn của tỉnh, của khu vực và của cả nước. Bản thân Vân Anh là hội viên Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam, từng tham gia dạy mỹ thuật cho một số trường trong tỉnh và ngoài tỉnh. Sau thời gian tham gia dạy mỹ thuật tại Trường Nghiệp vụ Văn hóa của Sở VHTT Vĩnh Long, anh về nghỉ tại quê nhà, chuyên tâm vào công việc sáng tác. Sau đó, anh lên TPHCM, tham gia sáng tác tranh – tượng cho một công ty nước ngoài. Tác phẩm tiêu biểu nhất của họa sĩ Vân Anh, sáng tác trong thời gian tham gia hoạt động nghệ thuật ở Vĩnh Long, là tượng “Suy tư” – giải II Triển lãm khu vực ĐBSCL lần thứ nhất.
Tranh sơn dầu của họa sĩ Đặng Can |
Người thành công cùng lúc với Vân Anh và là một họa sĩ đang độ chín mùi về tài năng là họa sĩ Đặng Can. Đặng Can hiện nay là Chi hội phó Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh Vĩnh Long, Phân hội phó Phân hội Mỹ thuật Vĩnh Long. Bản thân anh năm nào cũng có tác phẩm được trao giải thưởng cao trong tỉnh, trong khu vực và trong cả nước. Tính từ năm 1996 đến nay, Đặng Can đã 4 lần đạt giải thưởng quốc gia của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Năm 1996 là tác phẩm sơn dầu khổ lớn có tên “Những người thợ xây” – giải KK. Năm 1997 lại được giải KK tranh sơn dầu với tác phẩm “Những chiếc lồng màu xanh”. Năm 1999, khi tham gia cùng Hội Mỹ thuật Việt Nam đi thực tế sáng tác về cầu Mỹ Thuận, Đặng Can lại tiếp tục giành được giải thưởng cao với tác phẩm sơn dầu khổ lớn “Một đời người 20 thế kỷ”. Bước vào thiên niên kỷ thứ ba, điều kỳ diệu lớn đã đến với Đặng Can khi anh trở thành niềm tự hào của hội họa Vĩnh Long và hội họa cả nước : bức sơn dầu có tên “Giấc mơ xanh” của anh đã giành được giải Nhất của Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức tại thành phố Cà Mau.
Hồ Tĩnh Tâm – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long