Cách mạng tháng Tám thành công mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam ta. Tuy nhiên, hòa bình thống nhất, độc lập dân chủ của nhân dân ta chưa được bao lâu thì thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Nhân dân ta lại phải tiến hành hai cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Vì vậy, giáo dục Vĩnh Long từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 – 1975 chia làm hai ngả : giáo dục vùng địch tạm chiếm, gọi là “giáo dục quốc gia” (giáo dục dưới chế độ Pháp – Mỹ – ngụy) và giáo dục dân chủ nhân dân (giáo dục cách mạng giải phóng do Đảng lãnh đạo).
Trong những năm 50, 60 của thế kỷ XX, trong hoàn cảnh chiến tranh vô cùng khó khăn gian khổ, truyền thống văn hóa giáo dục Vĩnh Long (Long Hồ dinh) thuở nào vẫn được phát triển. Các trường công lập, bán công, tư thục trong tỉnh đều hoạt động.
Tại tỉnh lỵ có hai trường trung học công lập đệ nhị cấp là Trường Trung học Tống Phước Hiệp và Trường Sư phạm Vĩnh Long.
Ở các quận lỵ Tam Bình, Chợ Lách, Minh Đức (Cái Nhum) cũng có trường trung học công lập đệ nhất cấp.
– Trường Trung học Kỹ thuật : Trường Trung học Kỹ thuật và Trung học Sư phạm Vĩnh Long (khai giảng 2/10/1961)
– Trung học bán công và trung học tư thục ở tỉnh lỵ có các trường :
+ Bán công Nguyễn Thông (1961)
+ Tư thục Long Hồ (1951)
+ Tư thục Nguyễn Trường Tộ (1952)
– Tại các quận có :
+ Tư thục Thánh Lựu Chợ Lách
+ Trung học Chợ Lách
+ Trung học Minh Đức
+ Trung học Bình Minh
+ Trung học Tam Bình
– Bậc tiểu học và bình dân giáo dục :
+ Trường tỉnh : tiểu học có 74 trường, 822 lớp, 758 giáo viên và 41.148 học sinh
+ Sơ cấp có 88 trường, 348 lớp, 269 giáo viên, 15.749 học sinh
+ Trường học nghề : 1 trường, 5 lớp, 5 giáo viên, 75 học sinh
+ Trường nữ công : 1 trường, 2 lớp, 4 giáo viên, 34 học sinh
Giáo dục kháng chiến Vĩnh Long bắt đầu từ các lớp bổ túc văn hóa với phương châm “Người biết chữ dạy người chưa biết chữ”. Các thầy Phạm Bá Can, Nguyễn Văn Diệu và thầy Lê là những người có công đầu trong phong trào này. Để đáp ứng yêu cầu đào tạo cán bộ cho kháng chiến, Trường Nội trú đầu tiên của tỉnh ra đời. Đó là An Trí Viễn ở xã Trà Côn (Trà Ôn) với khóa tốt nghiệp đầu tiên vào năm 1948. Đến năm 1949, tỉnh Vĩnh Long thành lập Trường cấp II Huỳnh Thúc Kháng do đồng chí Cao Văn Ngôn – Ủy ban Hành chính Kháng chiến – làm Hiệu trưởng. Tiếp đến là Trường Quang Diệu (Vũng Liêm).
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, sau Đồng khởi, Tiểu ban Giáo dục được thành lập. Các trường nội trú Nguyễn Văn Trỗi, thiếu sinh quân, tiểu học Lưu Văn Liệt, trung học Lê Văn Tám. Đặc biệt là Sư phạm kháng chiến Vĩnh Long đào tạo không ít giáo viên làm giáo dục kháng chiến. Trường bổ túc văn hóa công nông ở Vũng Liêm. Từ năm 1960 – 1975, tỉnh Vĩnh Long đã đào tạo được 9 khóa sư phạm.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, một mạng lưới trường lớp được phát triển rộng khắp các địa bàn trong tỉnh. Ngày đầu giải phóng, Vĩnh Long chỉ có hai trường trung học Tống Phước Hiệp và Thủ khoa Huân, một trường trung học bán công, hai trường tư thục ở thị xã, 7 trường trung học tỉnh – hạt, 26 trường tiểu học trên trục lộ giao thông với 22 giáo viên vùng tạm chiếm, 142 giáo viên kháng chiến. Nay (năm học 1996 – 1997), toàn tỉnh có 403 trường, 6.838 lớp và 244.203 học sinh phổ thông, 16 nhà trẻ, 55 trường mẫu giáo, 26 trường PTTH, một trường phổ thông dân tộc nội trú, 10 trường trung học chuyên nghiệp, một trung tâm giáo dục thường xuyên – cơ sở chủ yếu đào tạo lao động có trình độ đại học cho tỉnh và khu vực với quy mô hàng năm trên 2.000 học viên – sinh viên theo học, có 7 trung tâm dạy nghề và giải quyết việc làm. Ngoài ra còn có nhiều cơ sở tư nhân dạy nghề thủ công truyền thống với quy mô nhỏ, thời gian ngắn, chủ nhân vừa là thầy, là thợ. Hình thức đào tạo này đã giúp không ít người thành đạt trong cuộc sống.
TRƯƠNG CÔNG GIANG – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long