Tháng 6/1938, Phạm Thái Bường được kết nạp vào Đảng Cộng sản. Đầu năm 1939, ông được bầu vào Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Trà Vinh và bất chấp mọi hiểm nguy, ông đã tích cực tổ chức nhiều hội Ái hữu, hoạt động tuyên truyền giác ngộ trong mọi tầng lớp, mọi nghề nghiệp để xây dựng cơ sở Đảng. Đến cuối năm 1939, ông đã gây dựng được các chi bộ xã Lương Hòa, Đại Phước, Hưng Mỹ (thuộc quận Châu Thành – Trà Vinh) và chi bộ Trại cưa tại Trà Vinh.

Đầu năm 1940, ông được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh, cùng ra sức tập trung củng cố, chấn chỉnh cơ sở Đảng, xây dựng lực lượng tự vệ võ trang để chuẩn bị cho Khởi nghĩa Nam kỳ. Trong lúc này, do tình thế của phong trào cách mạng tỉnh Bến Tre vô cùng khó khăn phức tạp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre lại bị địch bắt, Xứ ủy Nam kỳ đã điều động Phạm Thái Bường về làm Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre (6/1940) và trong thời gian này, ông đã gấp rút tổ chức, gầy dựng cơ sở phong trào và lãnh đạo trực tiếp cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ và đồng nhất tại Bến Tre vào ngày 23/11/1940. Thực dân Pháp đối phó bằng các cuộc đàn áp đẫm máu, nhiều đồng chí trong Tỉnh ủy bị bắt, trong đó có ông. Chúng kết án ông 10 năm tù, giam ở Khám Lớn Sài Gòn rồi đày đi Côn Đảo.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, ông được Trung ương tổ chức đón từ nhà tù Côn Đảo về và bổ sung vào Tỉnh ủy Trà Vinh, giữ chức vụ Phó Bí thư. Tiếp tục sự nghiệp cách mạng, ông đã cùng BCH bắt tay vào việc xây dựng, củng cố Mặt trận Việt Minh, mở các lớp huấn luyện cán bộ cơ sở, đứng ra tổ chức “Trinh thám đỏ”, “Quốc gia vệ”, bảo vệ tổ chức Đảng và trừ tề ngụy, mật thám, giữ gìn an ninh cho Tỉnh ủy, các Huyện ủy trong tỉnh.

Thực dân Pháp tái chiếm tỉnh Trà Vinh vào tháng 11/1945. Lúc này, cơ quan Tỉnh ủy cùng lực lượng vũ trang rút về Khu 9 để chấn chỉnh và an toàn. Tháng 10/1946, ông đảm trách chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh, cùng Tỉnh ủy lãnh đạo vừa chiến đấu, vừa củng cố cơ sở, vừa chú trọng công tác dân vận để vạch trần âm mưu “chia để trị” hai dân tộc Kinh – Khmer trong tỉnh. Năm 1948, ông được bầu vào Khu ủy Khu 8 với trách nhiệm đi kiểm tra tình hình ba tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre. Tháng 6/1948, Khu ủy Khu 9 chỉ định ông về giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre. Tháng 10/1949, Khu ủy điều về nhận nhiệm vụ Ủy viên thường vụ Khu ủy, phụ trách công tác tổ chức. Tháng 7/1951, Trung ương Cục miền Nam chỉ định ông về làm Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Trà, vừa làm phái viên của Trung ương Cục, vừa làm đại diện cho Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam bộ, phụ trách hai tỉnh Vĩnh Trà và Bến Tre.

Năm 1954, sau Hiệp định Genève, Phạm Thái Bường được bầu vào Xứ ủy, phụ trách công tác miền Tây. Từ năm 1958 – 1959, ông là Bí thư Liên khu ủy miền Tây. Tại Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng (1960), ông được bầu là Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng. Từ 1961 – 1962, là Ủy viên Trung ương Cục, phụ trách công tác quân sự. Năm 1963, ông làm Bí thư Khu ủy Khu 9. Cuối năm 1965, làm Ủy viên Trung ương Cục và về công tác tại Trung ương Cục miền Nam. Để chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968, cuối 1967, Trung ương Cục điều động trở về làm Bí thư Khu ủy Khu 9. Sau chiến thắng Mậu Thân, ông trở về làm Ủy viên Trung ương Cục miền Nam, phụ trách công tác an ninh toàn miền Nam. Năm 1972, ông được bầu làm Ủy viên chính thức BCH Trung ương Đảng Khóa III. Suốt một quá trình hoạt động, lãnh chỉ đạo phong trào cách mạng miền Nam, “với những kinh nghiệm công tác cách mạng già dặn, đồng chí đã lãnh đạo công tác an ninh ở miền Nam đạt nhiều thành tích. Trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng chí đã góp phần mình trong sự lãnh đạo chung của Trung ương Cục, để lại những thắng lợi rất to lớn ở miền Nam… ”.

Tháng 1/1974, trong một cơn bệnh nặng, Phạm Thái Bường đã từ trần, hưởng dương 59 tuổi. Nói về ông, một cán bộ lãnh đạo mẫu mực, trung kiên của Đảng, điếu văn của BCH Trung ương Đảng ngày 6/2/1974 đã đánh giá : “Là một chiến sĩ cộng sản kiên cường, một cán bộ lãnh đạo lâu năm của Đảng, đồng chí luôn nêu cao tinh thần không ngại hy sinh, gian khổ, xông pha vào những nơi khó khăn nhất, linh hoạt, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống. Với tác phong gần gũi quần chúng, đi sát cán bộ, với nếp sống giản dị, đồng chí luôn được đồng bào, chiến sĩ và các đồng chí kính trọng, yêu mến… ”.

Với những thành tích trong sự nghiệp cách mạng, Phạm Thái Bường đã được Đảng và Nhà nước CHXHCN Việt Nam tặng thưởng :

– Huân chương Thành đồng hạng Nhất
– Huân chương Quyết thắng hạng Nhất
– Huân chương chống Mỹ hạng Nhất
– Huân chương Giải phóng hạng Nhất

Tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh chọn hai con đường lớn tại hai thị xã Vĩnh Long và Trà Vinh đặt tên Phạm Thái Bường để giáo dục thế hệ hôm nay mãi nhớ đến công lao của người cán bộ tiêu biểu trong sự nghiệp cách mạng.

Lê Thị Bích Vân – Theo sách Nhân vật chí tỉnh Vĩnh Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *