Bên bờ hạnh phúc

Chỉ trừ những trường hợp Thánh nhập hay cực kỳ linh dị, quái đản nào đó, còn lại thì chín mươi chín phần trăm con người trên trái đất này đều sống trong chính bản thân mình. Chẳng có ai khác chui vào trong mình cả, mọi người đều là mình. Nhưng nhận ra mình là ai thì là cả một vấn đề lớn. Đã từ lâu lắm rồi, trên đầu con người vẫn lơ lửng ba câu hỏi lớn : Ta là ai? Ta từ đâu đến? Ta đi đến đâu? Câu hỏi “Ta là ai” được đưa lên đầu, sau đó “Ta từ đâu tới”, cuối cùng mới là “Ta đi tới đâu”. Vậy là nhận ra ta rất quan trọng, biết “Ta là ai” rất quan trọng. Nhận ra ta hóa ra chả dễ chút nào. Nhưng vẫn phải tìm cách mà nhận ra, nếu không thì nguy to, sẽ lạc bước. Không biết “Ta là ai” thì không thể biết “Ta đi tới đâu”. Mà để biết được “Ta là ai” thì phải tìm hiểu từ những cái nho nhỏ, sau đó mới tới cái lớn, cái tổng thể. Tự biết “Ta là ai” thì phải bình tĩnh, tỉnh táo mà suy nghĩ, phán đoán. Tự biết “Ta là ai” cũng phải trải qua những thử nghiệm, những rút kinh ngiệm, những suy luận và cả những học hỏi, tham khảo từ bên ngoài nữa. Muốn biết “Ta là ai” thì luôn luôn phải ngó vào chính ta. Qua công việc, ta phải nhìn lại xem đó có đúng là công việc của ta không, hợp với ta không, để mà điều chỉnh cho phù hợp. Nếu ta giỏi, ta phát huy hết công lực, trí tuệ của mình ở công việc ta đang làm thì có nghĩa “Ta là ta” ở công việc đó, và hiển nhiên sẽ là rất có lợi. Còn ngược lại thì vô cùng nguy hại, cho cả ta và cho cả xã hội. Không biết “Ta là ai” thì dễ nhầm lẫn, từ phẩm chất thương gia dễ nhảy sang chính trị, từ chính trị dễ nhảy sang văn nghệ, từ văn nghệ dễ nhảy sang khoa học. Đại khái, không biết “Ta là ai” thì dễ loạn. Hãy hình dung một người có sở trường là ngoại ngữ mà lại phải nhăm nhăm cái máy khoan bê-tông trên công trường thì sẽ phí phạm thế nào. Lại thử hình dung một người có đầu óc lãng đãng mà lại làm kiểm toán thì nguy hại thế nào. Trong cái hành trình đi tìm “Ta là ai” thì con người ta thường hay bị vấp phải những trở ngại. Cũng phải nói ngay là những trở ngại này phần lớn là do con người tự bày ra, tự vướng vào chứ không có thần thánh, ma quỷ nào xui khiến. Ái – ố – hỉ – nộ – sân – si đều bởi từ con người mà sinh ra, không phải theo mưa nắng từ trời xuống, càng không phi từ cái đám đĩa bay nó mang tới. Tự huyễn hoặc là một trở ngại lớn. Tự huyễn là làm lóa lên, nhân cấp lên, phồng to lên và nói ngắn lại thì là tự nhân ta lên, do đó khiến cho ta rời xa chính ta. Tránh được tự huyễn là một thắng lợi lớn. Hòn đá chắn đường thứ hai mà con người thường gặp trên hành trình đi tìm mình chính là tự ti. Tự ti là thu hẹp ta lại, tự run rẩy, tự dán băng dính vào miệng và khóa xích vào chân. Tự ti khiến cho ta nhỏ hơn kích thước thực của ta. Khi tự làm nhỏ kích thước thực của ta cũng có nghĩa là ta rời xa ta và sẽ chả có cơ hội để biết được “Ta là ai”. Nhìn chung thì cả tự ti lẫn huyễn hoặc đều là nguyên nhân làm méo hình ảnh, kích thước thực sự của con người. Đi tìm “Ta là ai” tức là đi vào khoảng giữa của hai cái đó, nói cách khác, là phải triệt tiêu được hai hòn đá tảng đó để mà nhìn thẳng vào chính hình dạng, kích thước thực của mình.

Khi nào con người nhìn thấy kích thước thực, hình dạng thực của mình thì khi ấy câu hỏi “Ta là ai” đã được trả lời. Và khi câu hỏi đã được trả lời thì có nghĩa ta hoàn chỉnh ta, ở chừng mực nào đấy.

Chúng ta đều giàu có

Khổ nhất của đời người không phải là nghèo, mà là không biết mình giàu. Thực ra, con người ta chả ai nghèo cả, ai cũng giàu có, không về khía cạnh này thì cũng về khía cạnh khác. Hễ cứ tồn tại trên đời, hễ cứ sống, là giàu có rồi. Trớ trêu ở chỗ, đôi khi con người ta lại chả tính đến những tài sản lớn mình đang sở hữu, mà chỉ loanh quanh thu hẹp cuộc đời mình ở có mấy thứ : tiền, vàng, kim cương, bất động sản.

Con người rất giàu mà lại không biết mình giàu. Sự giàu có về tiền bạc, vật chất cũng oách, nhưng còn có những thứ oách hơn cả tiền bạc. Về mặt tình cảm chẳng hạn. Một anh chàng bị người tình phản bội, bị lấy cắp hết tình cảm, thì anh chàng đó vẫn còn giàu có lắm. Anh ta vẫn có một con mèo cưng, không con mèo thì con chó cưng, không con chó thì con họa mi hoặc con khiếu cưng. Đó là tài sản. Ngay với một thiền sư, khi chẳng giao tiếp với ai thì cũng vẫn giàu có bởi những gì còn trong đầu của ông ta. Sự thanh tịnh mà thiền sư đạt tới, đó là của cải vô giá. Tôi hết tiền, nhưng tôi còn đó một cô bạn gái biết chia sẻ, cảm thông với tôi. Như vậy, cô ta là tài sản cực lớn của tôi, tài sản mà có thể, chỉ dám nói là có thể thôi, Bin-ghết có bỏ ra cả tỉ tỉ đô-la cũng chưa chắc đã có được. Hãy nghĩ một cách lạc quan, tỉnh táo, sẽ thấy mình chả bao giờ nghèo. Ngay cả trong tình trạng bi thảm nhất, khi chị bị gã chồng từ bỏ, lấy hết của cải để theo ả nào đó, chị cũng vẫn là người giàu có. Bởi vì kẻ ra đi không mang theo được kỷ niệm, và kỷ niệm đó là vàng, hơn cả vàng, là kim cương cỡ bảy, tám ca-ra trở lên. Khi nào sắp rơi vào sự tuyệt vọng, hãy ngồi lại, thật bình tĩnh kiểm kê lại tài sản của mình, chúng ta sẽ thấy mình còn nhiều tài sản lắm. Bạn còn những câu thơ mà chúng ta nhớ từ hồi đi học cấp Hai. Bạn còn một lần đã từng giúp ai đó khi họ bị tai nạn. Còn một bông hoa ép trong sổ tay mà ai đó, chả nhớ nữa, đã run rẩy tặng. Bạn từng một quãng trai trẻ phát điên vì cô bạn gái cùng lớp, cùng cơ quan, cùng phố. Còn lời khuyên thiện chí của ai đó, còn cả một vết sẹo khi trèo me hái sấu… những cái đó đáng giá bao nhiêu? Phải nói ngay rằng không thể định giá vì chúng vô giá. Tất cả tỉ phú trên thế giới này cũng không có những tài sản như của bạn. Họ làm gì có giây phút tính toán, cân nhắc khi tiêu đồng tiền cuối cùng trong tháng. Họ làm gì có giây phút ngồi ven đường uống một chén trà nóng để chờ ông thợ vá lốp xe đạp cho bạn. Bọn họ, những tỉ phú ấy làm gì có cái khoái cảm khi chen lên tàu, khi ngồi chen chúc ba người hai ghế trên xe khách và làm gì có kinh nghiệm giữ ví trước những thằng lỏi chuyên móc túi.

Tinh thần lạc quan là một trong những tài sản lớn nhất, đáng giá nhất của bạn.

Để cuộc sống bình ổn

Bình ổn là không thiên lệch, không nhất bên trọng, nhất bên khinh. Một gia đình bình ổn là một gia đình mà ở đó của cải vật chất và tinh thần cân bằng với nhau, hoặc có thiên lệch thì độ nghiêng cũng không nhiều lắm. Suy ra thì một xã hội cũng tương tự như vậy. Của cải, vật chất thường gây ra những phiền phức cho con người, nhưng không có của cải, vật chất thì con người cũng chả là gì hết. Của cải vật chất nếu xa nó thì thấy nhớ, thấy khốn khổ, nhưng áp sát nó quá, nuông chiều nó quá thì nó có thể bẹo mũi, vặt râu, dẫm đạp lên bạn. Phải giữ một khoảng cách với vật chất thì mới an toàn. Mà cái khoảng cách đó chính là sự cân bằng về mặt tinh thần. Một người chỉ chuyên chú vào vật chất thôi, nghĩa là nhìn đâu cũng thấy tiền của, thấy vàng bạc, sờ chỗ nào cũng sột soạt đô-la thì hẳn sẽ có lúc đột quỵ vì thiếu ô-xy. Phải có những khoảng cho tinh thần nó len vào để cân bằng lại. Nói hình ảnh thì vật chất chính là một con phố gồm những ngôi nhà, cửa hàng, xe cộ, còn tinh thần là cây cối và những trang trí thẩm mỹ trên con phố đó. Một con phố không có cây xanh nào thì con phố đó, tuy không phương hại đến ai, nhưng rõ ràng là nó khiến cho người ta bức bối, thiếu đi vẻ đẹp tự nhiên. Một con phố mà không có bóng dáng của trang trí mỹ thuật thì con phố đó chỉ gồm những hòn gạch xếp lại mà thành. Một người mở miệng là nói đến tiền, nói đến ô-tô, biệt thự, bể bơi thì cũng giống như một sa mạc, đi mãi chỉ một chủ đề cát và cát, khô khan, khốc liệt như địa ngục. Thêm tí tinh thần bay bổng vào, như có một hồ nước, một vài cái cây, dăm đám mây và mấy chú chim nữa thì cái sa mạc đó thành thiên đường. Vì thế mà con người ta cần phải cân bằng cả hai thứ, đừng nhất bên trọng nhất bên khinh. Cái anh trọng tinh thần, khinh thường của cải vật chất cũng hiểm nguy, bệnh hoạn như anh coi thường tinh thần, trọng của cải vật chất. Anh coi thường của cải vật chất là coi thường sự phát triển, là ném toẹt cái công lao tiến hóa, lao động cật lực hàng vạn năm của loài người xuống sông xuống bể. Ở thời này, muốn ngắm sao trời, muốn thưởng trăng, hứng gió thì chí ít cũng phải có một vuông đất của riêng mình, một cái nhà hai tầng, hoặc ba, hoặc bốn tầng thì mới thưởng trăng, hứng gió, ngắm sao được. Cứ mơ màng cho rằng một mái nhà tranh hai trái tim vàng là ô-kê thì với kiểu biến đổi khí hậu như thế này, chỉ một cơn bão nho nhỏ là cả trái tim vàng lẫn mái nhà tranh đều sập ráo cả. Một ông chủ mà cứ véo von về trời mây, về siêu hình học, mỹ học, thơ ca học mà để cái bụng của mình đói, cái bụng nhân viên, con cái mình đói thì đó là ông chủ bệnh hoạn, phi nhân. Nhu cầu cân bằng giữa vật chất với tinh thần đã có biết bao dẫn chứng, biết bao ví dụ, lớn có, nhỏ có, nhẹ nhàng có, đau đớn, khốc liệt có. Đưa dân đi tìm thiên đường bằng cái bụng đói thì thiên đường chỉ là ảo ảnh dã man. Bắt dân suốt đời chỉ có cắm mặt vào mà lao động để cải thiện đời sống thì hóa ra đó chính là phá hoại đời sống. Cuộc sống này, thế giới này tồn tại dựa trên sự cân bằng, cho nên nếu lệch về một phái thì tất xảy ra biến cố. Có một sự thật không dễ gì chối bỏ, là vợ của các doanh nhân hay tìm đến với những nghệ sỹ, và vợ của các nghệ sỹ thường hay bắt dây mơ rễ má sang các doanh nhân. Lí do thật đơn giản: Có một sự mất cân bằng giữa vật chất và tinh thần cho nên sự bắt dây mơ rễ má là để cân bằng lại. Hạnh phúc trọn vẹn là gì? Là giữ cán cân giữa vật chất với tinh thần cho cân bằng, nếu có nghiêng thì cũng nghiêng nghiêng một chút thôi. Một nghệ sỹ sẽ hưởng trọn vẹn hạnh phúc của một nghệ sỹ khi anh ta lo cho vợ con có một cuộc sống không cần quá vương giả, mà chỉ cần đề huề. Một doanh nhân giàu có sẽ hưởng hạnh phúc của doanh nhân thành đạt khi anh ta tạo ra cho vợ con một môi trường tinh thần phong phú, có văn hóa, có tri thức. Nếu cả hai làm được như thế thì không còn dây mơ rễ má bắt sang nhau nữa. Và cuộc sống sẽ là bình ổn.

Nguyễn Văn Bình – Tạp chí Nhà văn 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *