Bên bờ hạnh phúc

Kỳ 4: Túng quẫn “sanh tật’”

Những ngày ở Rạch Láng, tôi được dự một tiệc cúng giỗ và thật kinh ngạc khi chứng kiến những người nông dân đi cúng giỗ bằng… tiền.

Đồng tiền trần trụi

Mà đồng tiền cũng không cần nguỵ trang, che đậy trong những cái phong bì. Khi chủ nhà thắp hương khấn vái xong và mời khách nhập tiệc thì ở bàn tôi một anh đứng lên móc túi lấy ra 30.000 đồng chìa ra trước mặt người kế bên, nháy mắt ra hiệu. Anh này móc túi mớ tiền bèo nhèo, đếm được 20.000 đồng. Và cứ thế, đến người kế tiếp. Đến lượt một anh bối rối nhìn xuống, nói lí nhí là quên mang tiền và hỏi mượn anh “chủ trò”. Anh này sững nhìn một lúc, móc túi nhập vào xấp tiền thêm 20.000 đồng rồi bảo mấy người quanh bàn làm chứng hộ việc cho mượn. Xong xuôi, anh “chủ trò” cầm xấp tiền tiến đến chìa cho ông chủ nhà. Ông này thản nhiên cầm lấy, nhét túi quần. Trông sang bàn các bà, các cô, việc diễn ra giống hệt.

Còn nhớ chưa lâu, cách nay chỉ hơn chục năm, mỗi khi một nhà trong xóm có giỗ, đó là một ngày hội hè. Chiều và đêm hôm trước là tiệc tiên thường. Vì chưa phải là chánh giỗ, nên chủ nhà có thể thịt một con chó hay con dê để thết đãi đám trai tráng đến giúp mượn ghế bàn, dựng rạp. Ngày chánh giỗ, mờ sáng các bà các cô đã lục tục kéo đến, mang theo người trái bầu, người mụt măng, con rắn, mớ lươn, chai rượu… là sản vật từng nhà dành để cho ngày giỗ, dù người mất không bà con thân quyến. Rồi cũng từ những thứ nguyên liệu ngẫu nhiên ấy mà các bà mới định ra các món cho mâm cỗ.

Cái tình làng xóm ấm nóng ấy giờ đã vĩnh viễn nguội tắt. Tôi uống ực hết ly rượu ai đó đưa tới ngay mũi mà nghe cổ họng đắng nghét.

Đỏ xanh lộn ẩu

Sau khi người đàn bà trung niên mắt xanh, môi đỏ, móng tay móng chân sơn tím, ghé qua nói cười xởi lởi một lúc rồi ra đi, ông Ba Chơi hỏi tôi có biết người đó là ai? Không chờ tôi lắc đầu, ông kể một hơi. Thì ra đây là cô con dâu của bà Ba L. (1). Cô này về làm dâu nhà bà Ba L. đã hơn 10 năm, sinh cho bà ba đứa cháu nội. Bỗng một sáng nàng dâu này biến mất. Nhà bên cũng phở lở vì cũng biến mất một người, đó là anh con rể của ông Năm T. Oái oăm ở chỗ ông Năm T. chính là em ruột của bà Ba L. Dù không huyết thống, nhưng tính đúng thì chị nàng này tằng tịu với chính em rể của chồng mình. Sự việc diễn ra cũng chỉ hơn năm và hôm nay cô nàng này thản nhiên về lại xứ nhà chồng như chưa có chuyện gì xảy ra.

Theo ông Ba Chơi thì toàn xứ Rạch Láng từ khi khai khẩn cho đến ngày hết chiến tranh, chỉ xảy ra duy nhất một vụ dâm án. Đó là vào những năm 1960 của thế kỷ trước. Một đêm trăng mùa hạn, ông H. đi nhậu xóm trên, băng đồng về Lung Lá. Khi đi qua sân đập lúa giữa đồng, ông H. ghé vô căn chòi lúa vì biết trong chòi ấy chỉ có cô D. ngủ canh lúa. Trong ánh trăng mờ mờ, cô D. hốt hoảng la: “Dượng Ba làm gì kỳ vậy?” (cô D. gọi ông này bằng dượng theo quan hệ chòm xóm). Lúc bị xô té ngửa, ông H. nghe mình đang ngồi trên một vật cứng và ông nắm lấy vật ấy giáng thẳng vào đầu cô D. Vật cứng ấy lại là một chiếc búa. Khi thấy cô D. bất động, ông H. đến gõ cửa nhà cha mẹ cô D. nói là khi mình đi qua thì nghe cô D. kêu cứu. Nhát búa đã làm cô D. mất mạng và ông H. cũng mau chóng thú tội. Ông H. bị chính quyền cách mạng bắt đi gần bốn năm thì đưa về Rạch Láng lập phiên toà xử công khai, và được tha vì đã qua 4 năm tù tội. Thực ra ngày ấy cách mạng còn chưa có nhà tù để nhốt bọn Việt gian, nói chi đến hiếm hoi một tội đồ hình sự. Chỉ sau một đêm ông H. được tha về với gia đình, người ta phát hiện ông treo cổ trên cành gừa giữa đồng.

Kể xong câu chuyện, ông Ba Chơi nói, bây giờ người ta sống sai quấy cỡ nào cũng không thấy ai biết mắc cỡ. Rồi ông nhẩm tính chỉ riêng kinh Trâm Bầu đã có đến 11 cặp vợ chồng bỏ nhau. Thêm chuyện bìm bịp đẻ ra con tu hú (2), như chuyện con dâu ông Tư M. đẻ ra thằng con không khác đám con của nhà ông V. một li.

Hậu thế cũng phong hoá

Không chỉ chuyện lộn ẩu trong quan hệ hôn nhơn, Rạch Láng bây giờ còn u ám vì chuyện cờ bạc, trộm cắp, cả cướp giật. Nhà bà Năm H. có bốn người con trai, thì hai người đang ngồi tù, một người trốn biệt xứ và một người bị bắn chết vì đang đêm mò vào kho bạc nhà nước của tỉnh. Bà Năm H. xuất thân trong một gia đình gia giáo. Cha bà từng là ông thầy dạy chữ Nho cho cả vùng. Bản thân bà thời chiến tranh từng là giáo viên trường làng. Bà có hai người em nổi tiếng trong hoạt động nghệ thuật của tỉnh. Khi mới “chuyển dịch”, các con trai bà Năm H. sắm vỏ lãi, làm lái tôm rồi mon men đến cờ bạc, đá gà. Một hôm anh con cả của bà Năm H. được công an huyện hộ tống về nhà và cho người xuống mò dưới mương vườn, tìm thấy 13 giàn láp máy thuỷ động cơ. Máy trộm cắp được tháo bỏ phần giàn láp này cho dễ bán, dễ phi tang.

Đêm cuối cùng trước khi rời Rạch Láng tôi ngủ ở nhà ông Ba Chơi. Bất chợt nhìn lên đòn dong nhà, tôi hỏi ông về con dao bứng lúa. Ông nói ngày giải phóng ông đã đem chôn con dao ấy rồi. Ông nghĩ đất nước hết chiến tranh, coi như lời nguyền của cha ông đã được hoá giải. Qua hai cuộc chiến tranh, thân tộc ông có đến bảy liệt sĩ, sáu người chết vì bom đạn và hai người là Việt gian bị Cách mạng trừng trị, trong đó ông mất ba người con, hai gái, một trai. Ông chôn con dao là để quên đi thời quá khứ không vui này, mong muốn sự yên vui đời đời cho xứ sở. Nhưng đến hôm nay, khi tóc không còn sợi đen, ông mới biết sự yên vui ấy hãy còn xa vời.

Rạch Láng, tháng 9.2007

(1) Người viết xin được phép không nêu tên thật một số nhân vật trong bài, vì lý do riêng.

(2) Loài chim tu hú có thói xấu thường trộm trứng của bìm bịp để ăn rồi đẻ trứng của mình vào ổ bìm bịp. Sau khi bìm bịp ấp nở ra tu hú thì vẫn cứ nuôi mà không biết chuyện gì đã xảy ra

Theo Nguyễn Trọng Tín – SGTT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *