Bên bờ hạnh phúc
"Nếu để xảy ra xung đột quân sự ở biển Đông sẽ là thảm họa. Các nước phải hết sức kiềm chế, phải xử lý vấn đề ở tầm cao chiến lược", Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh trao đổi với báo chí ngay sau khi trở về từ Hội nghị An ninh châu Á – Thái Bình Dương.

– Tại Hội nghị An ninh châu Á – Thái Bình Dương, nhận định của các nước về an ninh của khu vực thế nào?

– Hội nghị An ninh châu Á – Thái Bình Dương, hay còn gọi là cuộc đối thoại Shangri La về an ninh châu Á – Thái Bình Dương, năm nay có 18 nước tham gia. Ngoài quan chức cấp cao như tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng quốc phòng… còn có các học giả, nhà nghiên cứu chiến lược của các nước. Hội nghị đối thoại về nhiều chủ đề, trong đó chủ yếu nhận định về tình hình châu Á – Thái Bình Dương.

Tuy có những ý kiến khác nhau nhưng tựu trung các đại biểu cho rằng, khu vực châu Á – Thái Bình Dương vẫn cơ bản giữ được hoà bình. Những nhân tố tiềm ẩn gây mất ổn định được nhìn nhận bao gồm thách thức về an ninh truyền thống và phi truyền thống. Trong đó vấn đề an ninh phi truyền thống được quan tâm với các khía cạnh như như an ninh hàng hải, cướp biển, buôn lậu vũ khí, ma tuý, buôn lậu người, khủng hoảng thiên tai… đòi hỏi cần có sự bàn bạc, hợp tác với nhau.

Trong những năm gần đây, nhiều tàu hải quân các nước lớn đã đến Việt Nam thăm, tăng cường giao lưu, hợp tác. Trong ảnh là tàu thuộc Hạm đội 7 của Mỹ cập cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) tháng 11/2009. Ảnh: TTXVN.

– Trên cương vị nước giữ vai trò chủ tịch ASEAN 2010, Bộ trưởng đề xuất gì tại hội nghị này?

– Tôi có bài phát biểu là chúng ta cần phải đổi mới cấu trúc an ninh ở khu vực. Hiện nay có những đối thoại như ARF, Đông Á, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM)…

Khu vực châu Á – Thái Bình Dương là khu vực kinh tế phát triển nhanh nhất và cũng là nơi có rất nhiều quyền lợi, lợi ích của các nước và nhất là các nước lớn. Khu vực Biển Đông có đường hàng hải nhộn nhịp thứ hai thế giới, với 150-200 lượt tàu qua lại mỗi ngày, chiếm 70-80% lượng hàng hoá của các nước khu vực đi qua tuyến hàng hải này. Vấn đề an ninh hàng hải, giữ gìn mỗi trường hoà bình, ổn định trên khu vực Biển Đông và khu vực châu Á – Thái Bình Dương là một vấn đề rất quan trọng.

Tôi đề xuất 10 nước ASEAN cần phải mở rộng hợp tác về quân sự, quốc phòng với 8 nước đối tác, có đối thoại đầy đủ với ASEAN (gồm Trung Quốc, Mỹ, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand) để các bộ trưởng quốc phòng ngồi lại thảo luận, đi tới nhận thức chung về an ninh khu vực, nhằm mục đích giữ gìn hoà bình, ổn định để hợp tác cùng phát triển.

Hầu hết các đại biểu tại hội nghị đều đánh giá cao vai trò của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASEAN khi tổ chức thành công hội nghị ADMM lần thứ tư vào 11-12/5 vừa qua. Trong tháng 10 tới, ta sẽ tổ chức hội nghị ADMM +

– Ông vừa nói, an ninh ở Biển Đông rất quan trọng. Vậy Hội nghị nhìn nhận thế nào về nguy cơ cho an ninh khu vực do những tranh chấp ở đây cũng như các giải pháp giải quyết?

– Nếu để xảy ra xung đột quân sự thì nó đều ảnh hưởng đến các quốc gia không chỉ khu vực Đông Nam Á mà cả khu vực Châu Á Thái Bình Dương và thậm chí là cả thế giới. Nó còn là thảm họa đối với các nước ở khu vực này. Do đó, đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và cùng nhau phát triển là lợi ích quốc gia của các nước.

Cho nên các nước phải hết sức bình tĩnh, phải hết sức kiềm chế, phải xử lý nó ở tầm cao chiến lược vì lợi ích không phải chỉ của quốc gia, của khu vực mà còn của thế giới.

Để giải quyết vấn đề này thì phải bằng đàm phán hòa bình, phải bằng DOC, bằng luật pháp quốc tế, bằng Công ước luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc và phải hết sức sáng suốt, khôn ngoan để không bị các lực lượng chia rẽ quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, chia rẽ trong nội bộ về vấn đề Biển Đông.

Các nước châu Á – Thái Bình Dương đều nhìn nhận, ổn định trên Biển Đông là lợi ích cho tất cả các nước. Ảnh: Nguyễn Hưng.

– Quan điểm giữa các nước lớn và các nước ASEAN có gì khác nhau về tranh chấp trên Biển Đông?

– Các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc đều thống nhất với nhau một điểm là phải duy trì môi trường hòa bình ổn định ở trên Biển Đông. Tất cả các nước đều nhận thức được duy trì hòa bình ổn định trên Biển Đông không chỉ lợi ích riêng của từng nước mà còn là cả khu vực và thế giới.

Mỹ tuyên bố sẽ không đứng về phía nào nhưng yêu cầu phải đảm bảo an ninh hàng hải, đảm bảo các hoạt động trên vùng biển quốc tế và bảo vệ lợi ích của các công ty Mỹ và các nước khác làm ăn hợp pháp với các nước khác trong khu vực này.

Trung Quốc tuyên bố không bá quyền, không bành trướng và luôn luôn phải xây dựng khu vực hài hòa, giữ môi trường hòa bình ổn định để phát triển đất nước Trung Quốc. Cái đó cũng là phù hợp với lợi ích chung của các nước trong khu vực hiện nay.

– Vậy hội nghị này có mở ra hướng để chúng ta giải quyết những căng thẳng về tranh chấp trên biển Đông thời gian qua không?

– Hội nghị mở ra hướng các nước có lợi ích, có quyền lợi ở đây thì ngồi lại với nhau, bàn bạc với nhau, cùng đưa ra những nhận thức chung về an ninh khu vực, đưa ra những biện pháp để hợp tác mà hợp tác ở đây là hợp tác cấp cao tức là hợp tác bộ quốc phòng trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Tôi nghĩ điều đó đóng góp hết sức tích cực, giúp tránh được sự hiểu nhầm, hiểu sai và tránh những xử lý sai về vấn đề trên biển. Điều này là hết sức quan trọng.

Theo VnExpress

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *