Bên bờ hạnh phúc

Phác thảo thiết kế nghệ thuật Trung tâm Quốc tế Gặp gỡ khoa học liên ngành sẽ xây dựng tại Qui Nhơn.

Hạ tuần tháng 6-2009, tại Gặp gỡ Blois về vật lý thiên văn, một hội nghị khoa học quốc tế được tổ chức hằng năm ở miền trung nước Pháp, GS Trần Thanh Vân, Chủ tịch các cuộc gặp gỡ này, chia sẻ với tôi nhận thức:

– Thế giới đang chứng kiến sự phát triển nhanh chóng ở một số nước mới nổi trên vành đai châu Á – Thái Bình Dương, như Trung Quốc, Việt Nam, Thái-lan, Malaysia, Indonesia, v.v. Nhưng, đồng thời, ai cũng nhận thấy, ở những nước mới nổi ấy, trình độ khoa học và công nghệ chưa tương xứng với tốc độ phát triển cao. Rõ ràng các nền kinh tế đang lớn mạnh từng ngày này cần phải được dựa vững chắc trên nền tảng khoa học và công nghệ hiện đại.

Nhà vật lý lý thuyết quê ở Đồng Hới (Quang Bình) ấy phân tích:

– Ai cũng biết vành đai châu Á – Thái Bình Dương hiện là một nguồn dự trữ cực kỳ phong phú về nhân lực khoa học, trẻ tuổi, có tài năng, đủ sức đóng góp vào việc thực hiện nhiều dự án khoa học đa phương hay toàn cầu, trong hiện tại cũng như trong tương lai. Để “vét cạn” nguồn nhân lực khoa học dồi dào ấy, giúp các nước mới nổi phát huy tiềm năng khoa học và công nghệ của chính mình, một điều kiện vô cùng quan trọng là phải thúc đẩy sự trao đổi khoa học – công nghệ, cũng như sự chia sẻ kinh nghiệm giáo dục – đào tạo giữa các nước mới nổi và các nước phát triển.

Giáo sư Vân “hé lộ” một dự án ông ấp ủ từ nhiều năm nay:

– Chính nhằm mục đích ấy, chúng tôi chủ trương xây dựng Trung tâm Quốc tế Gặp gỡ khoa học liên ngành (International Center for Interdisciplinary Scientific Meetings). Tại Trung tâm này, các nhà nghiên cứu trẻ thuộc các nước mới nổi và các nhà bác học giàu hiểu biết và kinh nghiệm đến từ các nước phát triển, sẽ có thể gặp gỡ, chia sẻ tri thức, trao đổi ý tưởng, trong một môi trường yên tĩnh giữa rừng và biển, vừa làm việc vừa nghỉ dưỡng.

– Nhưng, tại sao – tôi hỏi – giáo sư và các tổ chức khoa học do giáo sư sáng lập (Gặp gỡ Moriond, Gặp gỡ Blois, Gặp gỡ Việt Nam…) lại chọn Việt Nam, chứ không phải một nước châu Á nào khác, làm nơi xây dựng Trung tâm Quốc tế đó?

– Bởi vì, không phải chỉ riêng tôi, một người làm khoa học gốc Việt luôn mong muốn “vun vén” cho Tổ quốc mình, mà cả những người bạn Pháp “khách quan”, trong các tổ chức khoa học do tôi chủ trì, cũng đều nhận thấy: Việt Nam có một thế mạnh “trời cho”, vô cùng quý báu, là nằm ngay ở ngã ba các tuyến đường biển, đường không qua lại vành đai châu Á – Thái Bình Dương. Ngày nay, Việt Nam lại là một nước mở cửa, chân thành hợp tác với tất cả các nước bạn bè. Việt Nam cũng là một quốc gia từng tổ chức thành công nhiều hội nghị khoa học lớn, từng duy trì được trong nhiều năm một số trường lớp về khoa học và công nghệ có tầm vóc khu vực. Trung tâm mà chúng tôi xây dựng sẽ thúc đẩy hơn nữa các hoạt động hợp tác như thế. Vả chăng, Việt Nam còn là một mảnh đất giàu tài năng trẻ. Không ít học sinh Việt Nam từng giành huy chương vàng, bạc, đồng tại các Olympic Quốc tế về toán, vật lý, tin học, hoá học, sinh học, v.v. Nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam trúng tuyển vào các trường đại học danh tiếng nhất của Mỹ, Nga, Pháp, Anh, Đức, Nhật, v.v., và đã học tập, nghiên cứu rất tốt. Tài năng khoa học của tuổi trẻ Việt Nam là điều giờ đây được giới khoa học thế giới – ngay cả ở các nước phát triển cao – thừa nhận…

Chúng ta đều biết, GS Trần Thanh Vân là người đã cùng GS Nguyễn Văn Hiệu tổ chức thành công sáu lần Gặp gỡ Việt Nam về vật lý hạt, vật lý thiên văn và vật lý na-nô tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Đặc biệt, Gặp gỡ Việt Nam lần thứ nhất, diễn ra trong tháng 12-1993, ngay khi chính quyền Mỹ còn cấm vận Việt Nam, thế nhưng vẫn thu hút được nhiều nhà vật lý Mỹ tới Hà Nội, trong đó có GS Jack Steinberger, Giải thưởng Nobel.

GS Vân cũng là người đã cùng GS Hiệu và Viện Vật lý (thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) tổ chức từ năm 1994 Trường Vật lý Việt Nam, mang tên quốc tế Vietnam School of Physics, do GS Patrick Aurenche và TS Nguyễn Anh Kỳ làm đồng giám đốc. 15 năm qua, trường mở đều đặn, kéo dài hai tuần vào mùa hè hay mùa đông, mời được các giáo sư có tiếng từ nhiều nước phát triển đến, cùng một số giáo sư người Việt giảng bài, giới thiệu những thành tựu mới nhất trong vật lý cho các sinh viên cao học, nghiên cứu sinh và tiến sĩ trẻ của Việt Nam, cũng như của nhiều nước và lãnh thổ khác ở châu Á. Ngôn ngữ làm việc tại trường là tiếng Anh. Nhiều nhà nghiên cứu trẻ từ Trung Quốc, Hồng Công, Makau, Đài Loan, Ấn Độ, Thái-lan, Indonesia, Malaysia, Singapore, Pakistan, Nepal, Bangladesh, v.v. đã đến Việt Nam theo học. Đáng tiếc, báo, đài ta “chẳng màng” để ý tới trường này – có lẽ một phần do trường giảng dạy bằng tiếng Anh – cho nên dư luận xã hội ít biết, trong khi nhiều nhà vật lý trẻ châu Á lại quan tâm!

Với kinh nghiệm tổ chức tại Việt Nam những hội nghị khoa học cũng như nhà trường quốc tế ở trình độ cao, và với số tiền nhiều triệu euro tích luỹ được sau bao năm hoạt động khoa học tại
Âu – Mỹ, GS Trần Thanh Vân, mặc dù nay đã 75 tuổi, vẫn quyết thực hiện ý định giúp giới khoa học Việt Nam liên kết tốt hơn với cộng đồng khoa học khu vực và thế giới, thông qua việc đầu tư xây dựng Trung tâm Quốc tế Gặp gỡ khoa học liên ngành.

Quy Nhơn là thành phố biển, giao thông đường bộ, đường không tương đối thuận tiện, và cũng là địa phương đang phát triển nhanh, hiện có hai trường đại học với 30 nghìn sinh viên (trong đó có 15 nghìn sinh viên theo học các ngành khoa học tự nhiên và công nghệ). Hơn nữa, chính quyền tỉnh Bình Định và Trường đại học Quy Nhơn luôn ủng hộ việc xây dựng Trung tâm này tại Quy Nhơn.

Tại Gặp gỡ Blois 2009, với uy tín quốc tế của mình, GS Vân kêu gọi các nhà vật lý 20 nước có mặt, giúp Việt Nam bằng cách đến Quy Nhơn để tổ chức hội nghị quốc tế, hay tham gia các cuộc gặp về khoa học và công nghệ, cũng như giảng bài tại các trường mùa hè, mùa đông.

Cũng tại Gặp gỡ Blois lần này, bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, giới thiệu trước hơn 200 nhà vật lý (trong đó có 6 người đoạt Giải thưởng Nobel) về quyết định của tỉnh cấp đất xây dựng Trung tâm Quốc tế Gặp gỡ khoa học liên ngành.

Trung tâm có tổng diện tích 100 nghìn mét vuông, sẽ bao gồm 1 hội trường 200 chỗ, 3 hội trường nhỏ hơn, 5-10 phòng làm việc và tiếp tân, 1 khách sạn ba sao 60 phòng, cùng cửa hàng ăn – giải khát, bể bơi, và cả những lối đi quanh co rải cuội vàng len lỏi giữa rừng cây xanh mát bên mặt biển ngời lam, giúp các nhà khoa học và vợ con họ, một khi đã đến đây, sẽ có cơ hội vừa làm việc vừa nghỉ dưỡng. Bà Phó Chủ tịch tỉnh hứa Bình Định sẽ làm hết sức mình để Trung tâm có thể bắt đầu hoạt động từ năm 2011.

Chúng ta hy vọng, chẳng bao lâu nữa, nhiều nhà bác học từ các nước phát triển châu Âu, Mỹ, Nhật Bản sẽ có thể tới Quy Nhơn dự hội thảo quốc tế, hoặc giảng bài trong các trường mùa hè, mùa đông bằng tiếng Anh ở trình độ sau đại học, giúp nhiều tài năng trẻ Việt Nam – cũng như một số nước mới nổi khác ở châu Á – nắm bắt nhanh những kiến thức tiên tiến nhất, để nâng cao năng lực chuyên môn, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước mình.

Theo Nhân dân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *