Bên bờ hạnh phúc

Trong bối cảnh còn tính độc quyền, cơ chế thị trường hoá xăng dầu hãy còn “nửa vời” đã làm nảy sinh nhiều khúc mắc trong dư luận xã hội. Ngày 05/02, Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Nguyễn Cẩm Tú đã trao đổi ý kiến xung quanh thị trường nhạy cảm này.

Tăng giá không có lợi

Thưa ông, ông có cho rằng mức thuế suất nhập khẩu hiện nay vẫn là cao?

Ông Nguyễn Cẩm Tú: Rõ ràng, người tiêu dùng luôn mong có giá rẻ, còn doanh nghiệp (DN) luôn mong được tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh. Nếu đứng dưới góc độ của hai nhóm đối tượng này thì mức thuế đó là cao.

Thuế nhập khẩu xăng dầu liên tục được điều chỉnh giảm trong thời gian qua. Ảnh: VNN.

Tuy nhiên, dưới góc độ cơ quan quản lý Nhà nước thì sẽ khác. Ngân sách cần phải có nguồn thu để bù lại phần đã tạm ứng cho DN trước đây do việc giữ giá bán lẻ trong nước thấp khi giá thế giới tăng cao. Theo tôi, bất cứ ai khi nghĩ về lợi ích của mình, cũng cần phải nghĩ tới hài hoà với lợi ích của đối tượng khác.

PV: Các DN cho rằng, mức giảm thuế nhập khẩu xăng 10% không đủ để giảm giá bán lẻ. Vậy, có cách thức nào để người dân có cơ hội hưởng mức giá thấp hơn?

Vừa qua, các DN đã kiến nghị xin tăng giá bán lẻ trong nước vì lỗ. Có DN xin tăng vài nghìn đồng/lít, có DN xin tăng ít hơn. Trước tình hình này, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã phải bàn với nhau rất kỹ lưỡng, cân nhắc lợi ích của các nhóm đối tượng và đã gửi văn bản xin ý kiến của Thủ tướng.

Quan điểm của chúng tôi là không nên để các DN tăng giá xăng dầu trong lúc này và đề nghị nên giảm thuế. Nếu để giá tăng thì sẽ là đi ngược với chủ trương ngăn ngừa suy giảm kinh tế của Chính phủ theo Nghị quyết 30, vừa tạo tâm lý không tốt trong dư luận xã hội.

Thủ tướng đã đồng tình với ý kiến này và thuế nhập khẩu mặt hàng xăng đã được điều chỉnh giảm. Việc giảm thuế này sẽ tạo điều kiện cho DN giảm lỗ, vừa tạo điều kiện cho DN giảm giá bán lẻ. Tuy nhiên, trên thực tế, quyết định có giảm giá bán lẻ hay không sẽ còn phụ thuộc vào điều kiện chi phí giá thành cụ thể của từng DN. Ngoài ra, áp lực dư luận xã hội cũng là một cách khiến các DN phải cân nhắc vấn đề giá cho người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Cẩm Tú. (Ảnh: Duy Phương)

Thưa ông, từ giá dầu thô trên thế giới, chúng ta có thể ước được mức giá xăng dầu trong nước là hợp lý hay không?

Xu thế tăng hay giảm của giá dầu thô phần nào phản ánh xu thế tăng giảm của sản phẩm xăng dầu. Giữa giá dầu thô và giá sản phẩm xăng dầu có 1 tỷ lệ chênh lệch nhất định nhưng giờ, tỷ lệ đó đã thay đổi một cách bất thường, không còn theo quy luật nào cả.

Nếu như giữa năm 2007 trở về trước, hầu hết từ giá dầu thô có thể tính ra giá xăng thành phẩm nhưng giờ, ta không thể tính được chính xác nữa. Với các khoản thuế và chi phí theo quy định của Nhà nước, theo công thức thì chúng ta có thể tính được giá thành xăng nhưng chỉ là tương đối.

Mỗi DN lại có một mức chi phí khác nhau. DN lớn, có nhiều đại lý, tổng kho dự trữ lớn thì chi phí giá thành có thể sẽ thấp hơn các DN nhỏ, kho ít…

Tạm thời chấp nhận hạn chế tính thị trường

PV: Có ý kiến cho rằng, đã thực hiện thị trường hoá xăng dầu thì chúng ta cần tuân thủ đúng các quy luật của thị trường, không dùng mệnh lệnh hành chính. Ông suy nghĩ sao về điều này?

Đã thị trường hoá mặt hàng thì phải tuân thủ theo nguyên tắc thị trường, điều đó là đúng. Nhưng với mặt hàng hết sức quan trọng đối với toàn bộ nền kinh tế và đời sống xã hội như xăng dầu thì việc thị trường hoá cần phải thực hiện thận trọng, theo một lộ trình chặt chẽ.

Theo tôi, mặt hàng xăng dầu cần thêm một thời gian nữa thì mới thực hiện đầy đủ các tiêu chí của cơ chế thị trường. Khi đó, DN toàn quyền quyết định giá mà không cần phải xin phép ai cả, hoàn toàn kinh doanh theo thị trường thế giới, theo chi phí sản xuất của mình. Ở thời điểm này, chúng ta tạm thời phải hạn chế bớt những tiêu chí đó.

Chúng ta mới trải qua hơn 20 năm đổi mới, còn rất ngắn so với hàng trăm năm để hình thành nền kinh tế thị trường ở các nước khác.

PV: Giảm giá có lợi hơn tăng giá, tại sao các doanh nghiệp vẫn phải xin phép Liên bộ Tài chính- Công Thương?

Mỗi một doanh nghiệp lại có một chi phí sản xuất, chi phí giá thành cao thấp khác nhau. DN nào có chi phí giá thành thấp hơn thì có điều kiện thuận lợi trong việc giảm giá bán lẻ. Nếu DN đó giảm giá vì quyền lợi của người tiêu dùng thì rất có lợi.

Tuy nhiên, nếu như một DN giảm giá sát với chi phí sản xuất, để ở mức quá thấp nhằm “bóp chẹt” những DN còn lại thì rất có hại. Trên thị trường xăng dầu, chỉ có 11 DN đầu mối nhập khẩu kinh doanh xăng dầu đang đảm bảo ổn định nguồn cung xăng dầu cho cả nước. Nếu thiếu đi 1 DN thì nguồn cung cho thị trường xăng dầu sẽ bị ảnh hưởng. Đó là lý do mà chúng tôi phải giám sát cả việc giảm giá.

PV: Với lợi thế chiếm tới 60% thị phần như Petrolimex thì thị trường xăng dầu khó mà hình thành được thế cạnh tranh sau này. Ông có đánh giá gì về điều này?

Tôi cho rằng, cá lớn cũng dễ mắc cạn. Bởi quy mô lớn không có nghĩa là hiệu quả nhất. Trong hoàn cảnh bình thường thì cá lớn có lợi nhưng khi kinh tế không bình thường thì cá lớn cũng bất lợi.

Chẳng hạn, khi giá thế giới lên cao mà vẫn phải giữ giá xăng dầu vừa qua, "cá lớn" Petrolimex cũng rất khó khăn. Chúng ta có thể hi vọng rằng, trong quá trình cạnh tranh, các DN nhỏ sẽ tích tụ, sáp nhập lại để tạo nên sức mạnh hoặc từng DN sẽ lớn mạnh một cách tự nhiên.

Các DN quá lớn sẽ tự mình phải tách ra để thành các công ty nhỏ hơn. Tự thị trường sẽ sắp xếp và quyết định số lượng, tỷ lệ chi phối của từng DN để làm sao đảm bảo đủ cung cấp xăng dầu cho nhu cầu. Vai trò của Nhà nước là từng bước tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh, không để có 1 DN nào quá lớn so với các DN khác.

Theo Duy Phương (VietNamNet)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *