Bên bờ hạnh phúc

Làm thủ tục nhận lại tài sản trước khi trở về với gia đình.

Quách Thị Thùy, 20 tuổi, ở Thiên Hòa, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình bị phạt ba năm tù về tội chứa mại dâm, thi hành án ở trại giam Hoàng Tiến, vừa được tha tù trong đợt đặc xá. Niềm vui của cô như được nhân đôi bởi tết này là năm đầu tiên cô được đón tết cùng gia đình sau một thời gian “đi vắng”, đồng thời chuẩn bị lên xe hoa về nhà chồng. Thùy tâm sự: “Em mừng lắm. Ngày bị bắt cứ nghĩ đời mình thế là hết rồi, người yêu chắc chẳng bao giờ đợi để lấy một cô gái "có tiền án” như em, không ngờ anh ấy vẫn đợi, lại còn lên tận Hải Dương đón em”.

Ngày đặc xá, Thùy nước mắt lưng tròng ôm bó hoa lãnh đạo trại giam Hoàng Tiến tặng những phạm nhân tiêu biểu, chạy ào ra cổng. Cô không giấu nổi xúc động khi thấy anh bạn cùng xóm cười rất tươi, vẫy mình. Thùy tâm sự: “Em thấm thía lắm rồi. Bọn em dự định sau tết, cưới nhau rồi, chưa vội có con để làm kinh tế. Anh ấy nhà em có nghề xây dựng, còn em chăn nuôi và làm thêm hàng thêu, ren”. Lo mua sắm mấy ngày tết và chuẩn bị cho “tổ ấm” của mình, trông Thùy rạng ngời hạnh phúc.

Anh Đinh Xuân Hoàng, 41 tuổi, ở huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, cũng khấp khởi mừng với nhiều dự định. Hoàng bị phạt 6 năm tù về tội mua bán ma túy, hôm chúng tôi gặp ở trại giam Thanh Phong, còn 5 ngày nữa là anh ra trại. Trong lúc chờ nhận chứng minh nhân dân, Hoàng tâm sự: “Trước kia ở nhà tôi là dân lái xe, vì nghiện ngập mà thành kẻ buôn bán ma túy. Lần này về, tôi tính sẽ chuyển nghề khác làm ăn, con cái lớn rồi cũng phải nghĩ lại thôi”.

Trung tá Nguyễn Văn Nhung, đội trưởng Đội giáo dục trại giam Thanh Phong cho biết, những phạm nhân quê ở Thanh Hóa, trước khi mãn hạn, ai cũng được làm lại chứng minh nhân dân, được tham gia lớp học tái hòa nhập cộng đồng do Công an tỉnh Thanh Hóa tổ chức. Đây là mô hình do Tổng cục trại giam thực hiện thí điểm ở Thanh Hóa với 102 người đã được cấp mới chứng minh nhân dân, tham gia các lớp học về một số điểm mới của bộ luật hình sự, nghe nói chuyện về tình hình kinh tế, xã hội trong và ngoài nước; kỹ năng sống, kỹ năng tìm kiếm việc làm…, trước khi trở về gia đình.

Cầm tấm thẻ “căn cước” do cán bộ trại đưa cho trước khi trở về gia đình vui tết, Hoàng Ngọc Thương, 38 tuổi, quê ở thành phố Thanh Hóa, xúc động: “Tôi mất chứng minh nhân dân lâu lắm rồi, không nghĩ có thể làm được nhanh chóng như vậy. Có giấy tờ tùy thân tự nhiên thấy tự tin hơn, không mặc cảm mỗi khi phải lên phường trình diện, làm thủ tục xin cấp lại nữa, vừa đỡ mất thời gian”.

Với những người vừa từ trại giam về với gia đình, tết đầu tiên ở nhà thực sự có ý nghĩa nếu họ nhận được sự đùm bọc của người thân. Sự cảm thông chia sẻ của người thân và cộng đồng sẽ là hành trang giúp họ tự tin vào bản thân trong quá trình lập nghiệp sau này.

Theo Đất Việt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *