Bên bờ hạnh phúc

Qua khỏi chùa Thiên Mụ đã thấy chung quanh làng rợp bóng tre xanh, đúng như tên Trúc Lâm (rừng tre). Làng được thành lập năm 1460, với 12 dòng họ đã tạo nên làng Trúc Lâm ngày nay. Hiện làng có trên 400 hộ và hơn 3.000 nhân khẩu, sống quần tụ trên 270 ha. Đầu làng có 3 cây cổ thụ là cây đa, cây quáo, cây dừa với ý nghĩa “Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.

Đường vào làng Trúc Lâm rợp bóng tre xanh.

Ở Huế, làng Trúc Lâm thường tự hào rằng số cụ sống ở tuổi thất thập của làng nhiều như tre ở trong rừng. Làng có hơn 3.000 nhân khẩu nhưng có tới trên 150 cụ hiện sống trên 80 tuổi, trung bình cứ 40 người dân nơi đây thì có một cụ bước vào tuổi thượng thọ. Ông Võ Văn Nghè, Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Hương Long thành phố Huế cũng cho biết toàn phường có gần 200 cụ từ 80-100 tuổi, trong đó có 22 cụ từ 90-95 tuổi, 18 cụ từ 95 đến 99 tuổi, 4 cụ trên 100 tuổi, đa số họ đều ở làng Trúc Lâm.

Hỏi bí quyết sống lâu, các cụ cao niên trong làng Trúc Lâm đều cho biết nhờ họ chăm chỉ làm việc, sống trong môi trường trong lành, gia đình đầm ấm, đến bữa có gì ăn nấy, sinh hoạt thoải mái và hết sức coi trọng giấc ngủ được bình yên.

Trong ngôi làng quê hiền hòa này, những người lớn tuổi luôn là tấm gương mẫu mực, con cháu thảo hiền, hiếu thuận. Các gia đình, xóm giềng sống hạnh phúc, từ năm 1975 đến nay cả làng chưa có một trường hợp ly hôn. Chính những yếu tố lành mạnh ấy đã nuôi dưỡng người dân Trúc Lâm luôn được trong sáng, mạnh khỏe.

Sống khỏe, sống vui

Trên đường vào làng, chúng tôi sững sờ khi bắt gặp nhiều “lão” lực điền đã bước sang tuổi 80 vẫn vững tay cày trên ruộng. Ông cụ Phan Đình Tiếu (101 tuổi) kể, mỗi chiều, ông thường tự “ bồi dưỡng ” cho mình 2 chai bia Huda và 2 quả trứng vịt lộn. Rồi “đánh chén” hết 1 lon gạo với cá khô. Xong đi ngủ một giấc thẳng cẳng tới sáng!

Cụ Phan Quyện (93 tuổi) đọc tin nhắn không cần kính lão.

Cụ ông Trần Luyến (77 tuổi), Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi làng Trúc Lâm, tỏ ra rất hiếu khách. Khi nghe hỏi chuyện về ngôi làng nổi tiếng có tuổi thọ cao, ông Luyến vui vẻ tự nhận mình chỉ được xếp vào hàng con cháu, tuổi như ông trong làng đếm không xuể. Theo ông Luyến, hiện làng này có 200 cụ từ 80 đến 85 tuổi, gần 20 cụ từ 90 đến 100 tuổi và 3 cụ trên 100 tuổi. Sống thọ nhất là cụ bà Nguyễn Thị Chút đã qua 107 tuổi.

Ông Luyến đưa chúng tôi đến nhà cụ Nguyễn Thị Chút nằm sát cánh đồng làng. Vườn nhà cụ đầy ắp cây trái, cụ Chút có giọng nói to, rõ ràng và dáng đi nhanh nhẹn, lưng rất thẳng. Cụ nhớ vanh vách tên, tuổi, công việc và cuộc sống của từng người con, người cháu của mình. Mấy năm trước cụ còn đi cày cuốc để làm lúa, trỉa ngô tự nuôi sống bản thân. Năm ngoái cụ bị ngã nên con cháu không cho đi làm nữa. Không chỉ có cụ Chút, làng Trúc Lâm còn nhiều cụ bà dù lớn tuổi nhưng vẫn thích sống một mình như cụ bà Nguyễn Thị Thỏa (95 tuổi). Theo ông Luyến, buổi sáng các cụ đi bộ vài cây số rất khỏe, họ thích ăn cau trầu và hút thuốc (do họ tự trồng lấy )…

Chia tay các cụ bà chúng tôi đến thăm nhà cụ ông Phan Quyện (93 tuổi, ở xóm Giữa). Theo lời cụ bà chỉ, chúng tôi tìm ra ruộng cách đó khoảng 2 km, giữa cánh đồng bao la, chúng tôi thấy cụ Quyện đang nhổ cỏ trong vườn đậu tốt tươi. Ngày nào cũng vậy, 4 giờ sáng là cụ thức giấc, uống nước chè, rít hơi thuốc vấn rồi vác cuốc ra đồng làm việc. Cụ Quyện nói: “Tính tôi thích lao động chứ con cháu không bằng lòng. Tôi làm vừa để khuây khỏa, tạo niềm vui tuổi già và ăn cho ngon miệng”. Ông cụ cho biết bữa ăn nào cũng phải có rau xanh, uống nước chè xanh và hút thuốc lá cuốn, thỉnh thoảng cũng có uống một tí rượu gạo cho đỡ mỏi gân cốt. Dù đã cao tuổi nhưng cụ Quyện đọc báo, đọc và nhận tin nhắn điện thoại không cần tới đôi kính lão. Cụ nói chân thật: “Cả đời tôi chưa vào cái bệnh viện nào, vì không bị đau ốm gì cả. Thỉnh thoảng có bị cảm nhưng chỉ nghỉ ngơi là khỏe”.

Sang nhà cụ ông Trần Cược (92 tuổi, ở xóm Tây) chúng tôi càng ngạc nhiên hơn, mặt trời đã gần đứng bóng nhưng cụ vẫn “múa” cái rìu to tướng đẽo gỗ giúp hàng xóm làm nhà. Những nhát rìu của cụ vẫn mạnh mẽ như người thợ rừng. Chỉ chưa hết buổi sáng cụ đã đẽo được gần 10 chiếc đòn tay nhà. Cụ Cược cho biết mình là thợ rừng trong suốt 40 năm, từ khi 20 tuổi.

Chia tay với Trúc Lâm, chia tay những người cao tuổi nhưng tính khí vẫn rất vui nhộn, rất trẻ. Chợt thấy tuổi tác chẳng có gì đáng sợ với những người chân quê, chất phác và yêu đời…

Theo Dân trí

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *