Bên bờ hạnh phúc

Còn hơn tháng nữa mới đến tết Nguyên đán, nhưng ngay từ thời điểm này, nhiều loại hàng hoá bắt đầu tăng giá 15 – 20%, thậm chí có loại tăng gấp đôi năm trước. Hàng hoá tiêu thụ chậm.

Giá các mặt hàng thuỷ hải sản khô ở chợ đang tăng, nhưng rất ít người mua. Ảnh: Lê Quang Nhật

 

Ghi nhận tại chợ Bình Tây, quận 6, sáng 26.12, hầu hết thuỷ sản khô như tôm, mực, cá, khô bò, lạp xưởng đều tăng giá thấy rõ. Nếu như hồi giữa năm nay, tôm khô loại ba dùng nấu canh, làm gỏi… có giá 220.000 – 250.000 đồng/kg thì nay tăng lên 370.000 – 380.000 đồng/kg; loại hai, loại một dùng làm quà biếu, sử dụng tết giá không dưới 600.000 đồng/kg. Chủ sạp hàng A Lũ cho biết, trong vòng khoảng nửa tháng trở lại đây, giá tôm khô tăng 20 – 40%, có loại gấp đôi. Mặc dù tăng giá mạnh, nhưng tiểu thương cho hay sức mua khá chậm, ngoại trừ một số khách Việt kiều sắm sửa làm quà biếu, còn lại đối tượng quen thuộc mua nhiều vào dịp tết là các công ty, doanh nghiệp, đại lý ở các địa phương thì lấy hàng khá thưa thớt.

Hải sản khô, mứt, trái cây tăng giá

Theo ông Sáu Tiền, chủ vựa chuyên cung cấp tôm khô ở Phước Tỉnh, Bà Rịa – Vũng Tàu, năm nay vùng biển phía Nam có gió mùa đông bắc lớn, nước lạnh khiến sản lượng tôm đánh bắt giảm thấy rõ. Tình trạng này đẩy giá tôm tươi tăng trung bình 10.000 đồng/kg, lên 25.000 – 30.000 đồng/kg (10kg tôm tươi làm ra 1kg tôm khô). Giá tăng, nhưng ông Sáu Tiền lại phàn nàn bán hàng không được.

“Có lẽ giá quá mắc khiến người dân không dám ăn. Ngày thường, các vựa trên chợ Bình Điền xuống lấy vài ba tấn tôm, nhưng bây giờ dịp tết họ lại chỉ lấy có vài trăm ký”, ông Sáu Tiền nói. Hiện nay, nhiều lò ở Phước Tỉnh còn ôm vài chục tấn, có lò hàng trăm tấn tôm khô bán tết.

Mặt hàng tăng giá không kém là mứt tết. Một số cơ sở sản xuất cho hay, nguyên liệu đầu vào như gừng, dừa, hạt sen, bí, củ năng, đường… năm nay tăng 15 – 20% đẩy giá mứt tăng khá mạnh. Hiện nay giá các loại mứt như mứt gừng lên 52.000 – 60.000 đồng/kg, tăng 15.000 – 20.000 đồng, mứt dừa cũng tăng khoảng 30%…

Bà Hương, tiểu thương chợ Bình Tây nói: thời điểm này năm ngoái thương lái các tỉnh đã lên hỏi giá, đặt hàng, nhưng năm nay không khí chợ đầu mối vẫn khá vắng vẻ. “Mua bán phập phồng nên cũng không dám trữ hàng nhiều nữa”, bà Hương than.

Theo ghi nhận, từ giữa tháng 12 đến nay, hầu hết loại trái cây tăng giá khá mạnh so với tháng 11. Chẳng hạn như thanh long từ 20.000 đồng lên 34.000 đồng/kg, cam sành 30.000 đồng lên 40.000 đồng, xoài cát Hoà Lộc 40.000 đồng lên 60.000 đồng… Chị Thoa, chủ sạp trái cây tại chợ Bình Thới, quận 6 khẳng định lượng trái cây về chợ đầu mối Bình Điền khá dồi dào, nhưng ngày lễ, tết ai cũng phải mua trái cây cúng nên giá có xu hướng tăng hơn so với trước. Hiện nay, riêng mặt hàng xoài, cam sành, bưởi không phải mùa vụ chính, nên nguồn cung từ các tỉnh miền Tây đưa về thành phố không dồi dào như trước. Anh Hai Được, chủ vựa chợ đầu mối trái cây Đồng Tháp cho biết, ngoài lý do nghịch vụ, sở dĩ giá xoài năm nay tăng cao còn vì xuất khẩu sang Trung Quốc. Theo anh Được, khoảng hai tháng trở lại đây, thị trường Trung Quốc hút xoài từ các tỉnh miền Tây. “Cứ hai ngày là tôi gom một xe tải khoảng 25 tấn xoài cát chu, xoài Đài Loan với giá bán cho đầu mối cửa khẩu 22.500 đồng/kg”, anh Được nói.

Giá thực phẩm khó có biến động mạnh?

Khoảng hai tháng trở lại đây, mặt hàng dầu ăn có giá biến động mạnh nhất trong các mặt hàng thực phẩm thiết yếu. Hiện nay, giá dầu ăn bán lẻ từ 34.000 – 38.000 đồng/lít, tăng trên 50% tuỳ loại. Chị Nghi, chủ sạp tạp hoá ở chợ Hà Tôn Quyền, quận 11 nhẩm tính: “Cứ vài ngày là nhà sản xuất lại điều chỉnh giá tăng thêm vài ngàn. Dầu ăn Cái Lân rẻ nhất cách đây một tháng chỉ có 22.000 đồng/lít, nhưng hiện nay là 34.000 đồng/lít”. Theo một số tiểu thương, giá cả tuy biến động hàng ngày nhưng do là mặt hàng thiết yếu nên người tiêu dùng vẫn phải mua…

Ngoại trừ dầu ăn, còn lại những loại thực phẩm tươi sống, chế biến, thậm chí gạo đến nay vẫn giữ giá, nhưng ở mức cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Hơn nữa, rút kinh nghiệm các năm trước, một số đơn vị kinh doanh thực phẩm lớn như D&F, Vissan, tổng công ty nông nghiệp Sài Gòn, hay như C.P đã chuẩn bị nguồn hàng từ cách đây ba bốn tháng. “Ngoài nguồn tự nuôi, đa số doanh nghiệp chủ động liên kết bằng cách ứng vốn cho các trại nuôi, sau đó sẽ thu mua lại nên nguồn cung, giá cả ít bị biến động”, ông Nguyễn Tuấn Phương, giám đốc nhà máy thực phẩm D&F Đồng Nai cho biết.

Ông Văn Đức Mười, tổng giám đốc Vissan cũng cho rằng giá thịt heo sẽ khó tăng thêm vào dịp tết, do nguồn cung ổn định. Thịt heo dự báo giữ giá ổn định sẽ là yếu tố kìm hãm giá hàng loạt các mặt hàng thực phẩm chế biến dùng loại nguyên liệu này như giò, chả, xúc xích, lạp xưởng… “Nếu có tăng cũng không đáng kể”, ông Mười nhận định.

Còn ông Nguyễn Tuấn Phương thì lại cho rằng, các nhà kinh doanh sẽ phải lường đến yếu tố sức mua năm nay dự báo kém, nên nếu tăng giá mà tiêu thụ chậm cũng khó bán, không có lời. “Chúng tôi mới nhận đơn hàng đặt mua một ít xúc xích, các loại khác thì vẫn chưa thấy có tín hiệu gì”, ông Phương nói.

Ngoài ra, thịt gà và một số loại thuỷ sản chế biến, tươi sống hiện vẫn giữ giá. Gà tam hoàng tại trại, chủ yếu dùng cúng tết khoảng 33.000 đồng/kg, thấp hơn năm trước khoảng 2.000 đồng. Các loại cá đồng như cá lóc giữ ở mức như hai tháng trước là 45.000 – 60.000 đồng/kg tuỳ loại, điêu hồng 35.000 – 40.000 đồng, rô đồng 35.000 – 40.000 đồng. Riêng giá các loại rau lại có xu hướng giảm do thời tiết các tỉnh phía Nam như Đà Lạt đang khá thuận lợi…

Theo SGTT
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *