Theo Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex), nhiều công ty thuộc Vinatex đã có đơn hàng sản xuất đến hết quí 3-2011, nhưng điều lo ngại nhất chính là tình trạng thiếu điện trong mùa khô sẽ ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng đơn hàng của các doanh nghiệp.

CôngThương – Tại cuội họp giao ban trực tuyến về tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại cả nước 2 tháng đầu năm 2011 do Bộ Công Thương tổ chức sáng 7-3, một lãnh đạo Vinatex cho biết, mặc dù đang có xu hướng rất nhiều đơn hàng dệt may đổ vào Việt Nam, lúc này doanh nghiệp tập trung xuất khẩu hàng cho mùa hè, nếu gặp phải cắt điện nhiều thì sẽ rất khó khăn.

Hiện tại, rất nhiều doanh nghiệp dệt may chuyển nhà máy sản xuất về miền Trung, vùng nông thôn, các huyện, nhưng đây lại là những khu vực bị cắt điện nhiều hơn so với ở thành phố, và đây chính là điều lo lắng nhất của doanh nghiệp dệt may trong 3 tháng mùa khô tới đây.

Ngoài ra, việc đáp ứng đơn hàng còn gặp khó khăn vì các chương trình, dự án đầu tư mở rộng sản xuất của doanh nghiệp dệt may bị trì hoãn bởi khó tiếp cận vốn vay do chính sách thắt chặt tín dụng.

Riêng Vinatex cũng phải cắt giảm tối đa việc đầu tư các dự án, chỉ tiếp tục những dự án có tỉ suất lợi nhuận trên 20% như một số nhà máy sợi, nhà máy may nhỏ ở khu vực miền Trung với qui mô khoảng 300 chuyền may, sử dụng khoảng 18 ngàn lao động/nhà máy, còn lại những dự án sản xuất nguyên liệu tạm thời ngưng triển khai.

Bên cạnh đó, việc nhập khẩu nguyên liệu lại vướng tỉ giá đô la Mỹ biến động đang tạo ra áp lực không nhỏ. Vì doanh nghiệp phải tồn trữ lượng nguyên liệu trước từ 3 đến 4 tháng, nếu giá nguyên liệu biến động thì rủi ro cho doanh nghiệp dệt may trong nước rất lớn.

“Giá nguyên liệu dệt may trên thế giới đang rất bất ổn, lịch sử ghi nhận chưa bao giờ giá bông thế giới tăng đến 5,2 đô la Mỹ/kg trong thời gian gần đây, tăng hơn 300% so với năm 2010”, vị lãnh đạo Vinatex cho biết.

Hiện tại, Vinatex có 52 công ty cổ phần trực thuộc và khoảng 38 công ty khác hoạt động liên doanh, liên kết với Vinatex.

Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu dệt may 2 tháng đầu năm 2011 đạt 2,1 tỉ đô la Mỹ, tăng đến 54% so với cùng kỳ, đây là mức tăng xuất khẩu cao nhất trong vòng 4 năm gần đây.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, vì dệt may là ngành sử dụng nhiều lao động, đặc biệt là lao động nông thôn, chưa kể có đóng góp rất lớn cho kim ngạch xuất khẩu cả nước (dự kiến kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt trên 13 tỉ đô la Mỹ năm 2011), do vậy UBND các tỉnh, Sở Công Thương các tỉnh, thành nên lưu ý tập trung điện cho ngành dệt may trong mùa khô tới.

 

Theo TBKTSG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *