Bên bờ hạnh phúc

Chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, nhiều nghệ nhân, cá nhân, tập thể đã sáng tạo nên những tác phẩm độc đáo, tinh xảo và số ít trong số đó đã được ghi vào kỉ lục Guiness Việt Nam

1. Chiếc chóe men rạn lớn nhất

Chiếc chóe có kích thước: cao 2,4m (từ đỉnh đến chân), đường kính 1,25m, nặng 200kg, được làm bởi anh Lê Minh Ngọc (Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội). Gồm hai bộ phận: thân và nắp chóe được làm theo dạng men rạn màu lam cổ giả cổ.

Tác phẩm được khắc họa những tích chuyện thời xưa với hình ảnh vinh quy bái tổ của các sĩ tử. Đây không chỉ là mong ước "Ngựa anh đi trước, võng nàng theo sau" của các sĩ tử ngày xưa mà còn thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn" với tấm lòng kính nhớ tổ tiên, bái tạ người thầy đã dạy dỗ mình nên người và tri ân quê hương chôn nhau cắt rốn.

Ngày 9/10, trong khuôn khổ chương trình Triển lãm “Nghề gốm Bát Tràng – cổ truyền và hiện đại", đôi lộc bình và chóe men rạn chính thức được trao tặng kỷ lục Việt Nam.

2. Cặp áo dài thêu rồng phượng nhiều nhất

Cặp áo dài có tên “Ngàn năm hội tụ” do nhà thiết kế Lan Hương (Hà Nội) lên bản vẽ, và được thực hiện bơi 100 đôi bàn tay thêu khéo léo của thợ thêu làng nghề Quất Động.

Cặp áo gồm áo nam thêu hình 1.000 rồng, áo nữ thêu hình 1.000 phượng, mỗi tà áo sau dài 10m, ngang 0,83m, được làm từ 200m lụa tơ tằm Vạn Phúc.

Tối 16/9, đôi áo dài Ngàn năm hội tụ được nhận kỷ lục Guiness Việt Nam

 

 

 

 

3. Bình hoa có dáng hình trống đồng lớn nhất

Bình hoa được chế tác bởi Công ty TNHH Cường Phát (Bình Dương). Sau 50 lần thất bại thì tác phẩm cũng thành công.

Mặt trước và sau bình hoa hình trống đồng Việt Nam với họa tiết chim lạc, nai cùng nét sinh hoạt của người xưa, được chạm nổi công phu, tỉ mỉ và phủ men xanh lam (cobal), dát vàng 24k. Hai con rồng được bố trí hai bên mặt trống, đuôi rồng làm chân đế bình nâng mặt trống đồng.

Lý Ngọc Bạch, Giám đốc Công ty TNHH Cường Phát, đặt cho tác phẩm cái tên "Quốc bình Thăng Long" để nói lên tâm nguyện: mong ước cho Thăng Long – Hà Nội nói riêng, đất nước Việt Nam nói chung luôn thái bình, no ấm.

Tác phẩm được lên ý tưởng từ năm 2008, bắt đầu thực hiện ý tưởng năm 2009 và tháng 7 năm 2010 thì hoàn thành.

 

 

 

 

4. Bức tranh "Di sản triều Đại Lý" bằng bạc lớn nhất

"Di sản Triều Đại Lý" được nghệ nhân Lê Đình Hùng (Thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện, với chiều dài 10m, rộng 2m, được dát toàn bộ bằng bạc. Bức tranh vẽ đôi Rồng thời Lý ở dáng bay lên, chính giữa là trái tim rựa đỏ với dòng chữ “Thiên hạ thái bình”.

Ngoài việc sử dụng toàn bộ bạc dát bức tranh, nghệ nhân còn sử dụng vàng 24 cara để dát 5 câu thơ: "Tinh hoa lịch sử là di sản của nhân loại/ Càn khôn chuyển vần bốn nghìn năm lịch sử/ Văn hóa rạng ngời chuyển tiếp muôn đời sau/ Địa linh ấy nơi chín rồng tranh ngọc/ Linh khí tuyệt vời tạo nghiệp đế vương/ Viên mãn". Bốn câu thơ là những khái quát nhất về lịch sử, con người Việt Nam.

Tác phẩm là tình yêu, tình cảm của tác giả cũng như người dân cả nước đối với Thủ đô Hà Nội thân yêu. Thông qua bức tranh này, ông muốn gửi tới mọi người dân hai chữ "thái bình" và phải luôn hướng về cội nguồn "con rồng cháu tiên"

 

 

5. Quạt gỗ lớn nhất

Chiếc quạt gỗ lớn nhất Việt Nam rộng 9m, cao 4,5m do chính nghệ nhân Dương Văn Mơ và Phí Quang Bộ thực hiện xã Chàng Sơn (Thạch Thất).

Chiếc quạt được làm từ các chất liệu: nan làm bằng gỗ thông; múi quạt làm bằng gỗ tếch loại I được dán bằng mây phên đan ô; bản lề làm bằng vải lụa.
 

 

 

 

6. Bức tranh đồng tam khí lớn nhất

Mang tựa đề “Thiên tải nhất thì” (Nghìn năm có một), bức tranh đồng tam khí là tác phẩm của nghệ nhân làng nghề chạm bạc Đồng Xâm (Thái Bình) làm cách đây 3 năm (tức là từ năm 2007). Có chiều dài hơn 4m, rộng hơn 2,3m.“Tam khí” là 3 loại kim khí: đồng đỏ, vàng và bạc.

Bức tranh thể hiện việc dời kinh đô từ Hoa Lư và sự linh diệu của thế "Rồng cuộn Hổ ngồi" của đất Thăng Long, qua đó nói lên khát vọng xây dựng đất nước giàu mạnh, thịnh vượng và mong muốn hòa bình, hữu nghị của dân tộc Việt Nam.

Bức tranh gồm hai phần: Hình ảnh vua Lý Công Uẩn đang dẫn đầu đoàn thuyền dời kinh đô từ Hoa Lư về Thăng Long, đánh dấu cột mốc lịch sử trọng đại của đất nước, bắt đầu thời kỳ mới của Thăng Long – Hà Nội; và các hình ảnh tiêu biểu, linh thiêng của nền văn hoá Thăng Long – Hà Nội (hình ảnh sông Hồng – “dòng sông mẹ” của đất nước Việt Nam; núi Ba Vì – ngọn núi tổ của nước Đại Việt).

Hai bên bức tranh là hai câu đối: "Hổ cứ long bàn thiên thiết hiểm/ Nhân khang vật phụ địa trung linh" (tạm dịch: Thế đất rồng cuộn, hổ ngồi, con người luôn khoẻ mạnh, mọi vật đầy đủ/ Nhờ có đất linh thiêng mà hun đúc lên sự thịnh vượng)

 

 

 

7. Tác phẩm mô phỏng Rồng thời Lý lớn nhất

Đôi Rồng thời Lý là tác phẩm của anh Nguyễn Văn Bình (Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội), làm từ 25/6 đến 16/9/2010.

Hai sản phẩm thủ công độc đáo được lắp ghép bởi 6.500 chiếc đĩa, 5 tấn mạch sứ và 4.500 chiếc cốc của làng gốm Bát Tràng. Phần ruột Rồng được chế tác bằng bê tông cốt thép có kết cấu đảm bảo độ bền vững. Mỗi Rồng có chiều dài 15m (nếu tính theo đường uốn khúc dài 35m), cao 8,2m (kể cả bệ), đường kính 90cm (nơi phần thân lớn nhất).

Anh Bình đã thể hiện màu men ngọc trên hầu hết tác phẩm. Đây là loại men có tên celadon, nghiên cứu từ một bài men có từ đầu thời Lý dùng sản xuất gốm sứ.

 

 

 

 

8. Bức tranh "Cội Xưa" thêu tay lớn nhất

Chủ nhân ý tưởng bức tranh là chị Phạm Thị Hoài, được hơn 100 thợ thêu làng nghề Văn Lâm (Hoa Lư, Ninh Bình) thêu từng đường kim mũi chỉ.

Cao 5,5m rộng 31m, được ghép từ 13 mảng thêu khác nhau, bức tranh được thêu từ vải len Italy và hàng trăm kilogam chỉ thêu các loại.

Bức tranh gồm 3 phần: Sự ra đời của nhà nước Đại Cồ Việt; Phong cảnh của Cố đô Hoa Lư với hai ngôi đền thờ hai vị vua gắn liền với miền đất Hoa Lư là Đinh Tiên Hoàng Đế và Lê Đại Hành; Và Chiếu dời Đô của vua Lý Công Uẩn đánh dấu mốc lịch sử trọng đại của đất nước, bắt đầu thời kỳ mới của Thăng Long – Hà Nội

 

 

 

 

9. Bức tranh "Hồn thiêng Đại Việt" thêu tay dài nhất

Đạt kỷ lục Quốc gia năm 2010 với danh hiệu "Bức tranh thêu tay dài nhất Việt Nam" do công ty TNHH XNK thủ công mỹ nghệ Đông Thành (TP Ninh Bình) thực hiện, với kích thước 3,3m x 33,3m.

Bức tranh thêu tái hiện những huyền thoại và mốc son lịch sử của ba triều đại Đinh – Lê – Lý, từ khi Đinh Tiên Hoàng còn trẻ đến năm Lý Công Uẩn xuống chiếu dời đô (1010), được chia thành 7 chương:

Chương I: "Cờ lau tập trận" – là hình ảnh "Đinh Bộ Lĩnh nuôi chí anh hùng thời niên thiếu cờ lau tập trận". Chương II: "Thống nhất giang sơn" – "Vạn thắng Vương xuất binh nhất thống, buổi trưởng thành dẹp loạn sứ quân". Chương III: "Đại lễ đăng quang" – "Cồ Việt quốc đương Tống Khai Bảo, Hoa Lư đô thị Hán Tràng An". Chương IV: "Hồn thiêng Đại Việt" – là chủ đề của cả bức tranh. Dấu tích Hoa Lư nay chỉ còn là những lũy thành và hai ngôi đền thờ Vua Đinh và vua Lê, nhưng ngọn cờ "Thái Bình" niên hiệu của vua Đinh vẫn tung bay phấp phới. "Hồn thiêng Đại Việt, đời đời tỏa sáng anh linh/ dũng khí Hoa Lư, lớp lớp nêu cao truyền thống". Chương V: "Trao áo Long bào" – "Dương Thái hậu một lòng vì nước/ áo Hoàng Bào nối chí vua Đinh". Chương VI: "Bạt Tống – Bình Chiêm" – "Lê Đại Hành mười đạo ra quân/ dòng Bạch thủy dìm sâu giặc Tống". Chương VII: "Dời đô Hưng Quốc" – "Nhìn ra phía trước: Tiền đồ Thăng Long vạn thế thênh thang, ngoảnh lại đằng sau sự nghiệp Hoa Lư bà triều lồng lộng".
 

 

 

 

10. Bình hoa sen mây lớn nhất

Bình hoa sen được làm bằng mây tre cao 6,5m; nặng khoảng 120 kg, đường kính đáy 1,2m. Thân bình được đan theo 3 kiến trúc nổi tiếng của Hà Nội là Khuê Văn Các, Chùa Một Cột và Tháp Rùa. Cổ bình đan hình rồng đang bay lên. Ngoài ra bình còn được trang trí bằng những nét hoa văn cổ, phía trên có 10 bông sen làm bằng mây, gắn đèn bên trong nhị để thắp sáng.

Chiếc bình đặc biệt này do ông Nguyễn Phương Quang làm từ tháng 10/2007 đến 11/2009

Theo Đất Việt
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *