Óc Eo là tên gọi do nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret đề nghị đặt cho một địa điểm thuộc huyện Thoại Sơn, nằm ở phía Nam tỉnh An Giang. Theo các nhà khảo cổ thì nơi này đã từng tồn tại một nền văn hóa phát triển cực thịnh từ thế kỷ thứ I đến khoảng thế kỷ thứ VII.

Cổ vật thuộc Văn hóa Óc Eo

Cho đến nay, nhiều cổ vật đã được tìm thấy rải rác trong khu vực châu thổ sông Cửu Long, phần nhiều là tượng các vị thần bằng đá hay các linh thú trong truyền thuyết, trong đó có nhiều cổ vật rất có giá trị đã được thế giới công nhận.

Hiện ở Thốt Nốt, Cần Thơ có một người đã hơn 20 năm nay mày mò, sưu tầm và giữ gìn những cổ vật của dòng văn hóa này.

Với kinh nghiệm hơn 20 năm sưu tầm và gìn giữ cổ vật Óc Eo, chị Cao Thị Xuân Đào, ngụ tại huyện Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ, đã tìm mua được một bộ ấn rất quý và hiếm – cổ vật độc bản đã tồn tại trong lòng đất hơn ngàn năm – mà theo nhiều nhà khoa học thì nó thuộc dòng văn hóa Óc Eo. Chị Đào cho biết, cổ vật Óc Eo có sức mê hoặc rất lạ, cứ nghe ở đâu có ai đào được cổ vật thì giá nào chị cũng tìm tới để mua cho bằng được.

Bộ ấn hiện có 34 con, được tạc hình của các linh thú như rồng, phượng, cá chép hóa rồng, rùa, rắn, trâu… Con ấn nặng nhất có hơn 12kg. Mỗi con ấn đều có thể hiện dấu triện và ký tự riêng mà cho đến nay, chưa ai xác định được nó chứa đựng ẩn ý gì, ý nghĩa gì.

Chị Cao Thị Xuân Đào nói: “Để xác định được một triều đại của một dân tộc thì chỉ có ấn mới xác định được mọi thứ. Chừng nào những dòng chữ này được giải mã ra thì mới có thể khẳng định được nền văn hóa này nó cao đến mức độ nào". Chị rất vui khi mua được bộ ấn này vì đã trên 20 năm lăn lóc chơi đồ Óc Eo nhưng vẫn cảm thấy thiếu cái gì đó. Đến khi tìm được bộ ấn thì chị nghĩ là mình đã chơi tới đỉnh là vì đỉnh cao nhất của văn hóa là ấn và chữ nghĩa.

Với chị Đào, việc sưu tầm cổ vật Óc Eo là cách để lưu giữ lại những dấu ấn, nét văn hóa đã tồn tại trên mảnh đất phương Nam này hàng ngàn năm trước. Song vì chỉ là người sưu tầm và lưu giữ nên chị không thể giải mã hết ý nghĩa của từng bức tượng cũng như ký tự được khắc trên từng con ấn. Chị Đào mong muốn có nhà khoa học nào đó có thể giúp giải mã để xác định niên đại cũng như giá trị lịch sử văn hóa cho cổ vật, qua đó có thể xác định được giá trị của hiện vật cũng như nền văn hóa đã sinh ra cổ vật đó, giúp những thế hệ kế cận tìm hiểu kỹ hơn về một vương quốc tồn tại trong lịch sử hơn ngàn năm trước.

Trường Sơn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *