Cơn khát chức vô địch V-League của các đội bóng phía Bắc được dự báo sẽ lên đến đỉnh điểm trong mùa giải này bởi những khoản đầu tư khổng lồ mà họ đã bỏ ra

Nếu xét trên khía cạnh đầu tư ở V-League, chắc chắn danh hiệu vô địch sẽ thuộc về các đội bóng phía Bắc. Những Hà Nội T&T, XM The Vissai Ninh Bình (V.Ninh Bình) hay XM Hải Phòng vung tiền ra để đầu tư cho đội bóng khiến các đại gia phía Nam như HAGL, ĐTLA hay B.Bình Dương cũng ngại.

XM Hải Phòng của Leandro mùa này chi nhiều nhất so với các đội ở phía Bắc với quyết tâm lần đầu giành chức vô địch V-League. Ảnh: H.Anh

Cơn khát từ lâu

Ngay cả một đội bóng sống dựa chủ yếu vào ngân sách địa phương như Lam Sơn Thanh Hóa cũng dám tiêu tiền mạnh tay. Tổng mức đầu tư dự kiến của đội bóng này trong mùa giải V-League 2010 dự kiến lên tới 50 tỉ đồng – cũng chẳng kém cạnh bất cứ một đội nào ở V-League. Nhưng từ sự kiện họ quật ngã SHB Đà Nẵng để giành siêu cúp quốc gia còn phải nhắc đến sự khát khao của những đội đã lâu không nếm mùi danh hiệu như Thanh Hóa là rất lớn. Siêu cúp thực chất chỉ là trận đấu làm nóng tinh thần trước thềm mùa giải mới nhưng ý nghĩa của nó với những đội đang rất thèm khát một chiếc cúp để trưng bày ở phòng truyền thống như Thanh Hóa là một sức mạnh mà các đại gia phải dè chừng.

Ở V-League, các đội phía Bắc vẫn chưa thể gọi là đại gia. Danh hiệu đó thuộc về những HAGL, B. Bình Dương hay ĐTLA – những đội đều đã có hai lần vô địch V-League hay đương kim vô địch SHB Đà Nẵng. Những cái tên như Hà Nội T&T, V.Ninh Bình hay XM Hải Phòng vẫn chỉ là những đội nhà giàu. Họ chưa thể trở thành đại gia bởi sức mạnh của họ vẫn mới chỉ nằm ở yếu tố tiềm lực tài chính dồi dào. Họ cần những danh hiệu vô địch để bước chân vào hàng ngũ những đại gia. Thế nên khát khao của những đội bóng lắm tiền nhiều của phía Bắc thực ra là khát khao tìm kiếm một chỗ đứng vững chắc ở V-League.

Tiền + tham vọng: Chưa đủ

Đã hơn 10 năm rồi chức VĐQG chỉ ra tới miền Trung rồi lại quay ngược trở vào Nam. Chức VĐQG năm 1998 của Thể Công khi V-League còn chưa có tên gọi là giải chuyên nghiệp như bây giờ cách nay đã 12 năm. Hơn một thập kỷ không nếm mùi vinh quang, đó không phải là một điều dễ chịu đối với các đội bóng ở phía Bắc. CĐV miền Bắc cũng khát cúp vô địch hơn bao giờ hết.

Ba đội chi mạnh nhất cho mùa giải 2010 là Hà Nội T&T, XM Hải Phòng, V.Ninh Bình đều đặt chỉ tiêu đứng hạng ba khi mùa giải 2010 kết thúc. Tuy nhiên, đó là chỉ tiêu mà họ muốn các cầu thủ phải làm được với những gì mà đội bóng đã đầu tư. Khi đặt ra chỉ tiêu ấy, các đội này cũng rất biết mình biết người. Họ hiểu rằng dù có trong tay binh hùng tướng mạnh đến mấy cũng không dám tuyên bố “98% vô địch” như HAGL mùa trước vì họ sợ cái dớp “nói trước bước không qua”.

Công thức tiền + tham vọng chỉ phát huy hiệu quả khi đội bóng giữ được sự ổn định, đoàn kết, thậm chí là xây dựng được “văn hóa bóng đá”. Thành công của SHB Đà Nẵng mùa trước nhờ giữ được kỷ luật nghiêm minh và sự đồng lòng từ trên xuống dưới là một kinh nghiệm để các đội học tập.

Theo Người lao động

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *