Bên bờ hạnh phúc

III. MIẾNG ĂN PHÁT HIỆN ĐƯỢC TÌNH CẢM CỦA CON NGƯỜI

Thu hẹp lại trong phạm vi cá nhân, mỗi món ăn tiêu biểu cho sở thích của con người thì thế nào cũng tố giác được tình cảm, tánh tình của người ấy. Ta thử tìm hiểu tình cảm con người phát lộ trong miếng ăn như thế nào.

1/ Lòng hiếu thảo

Đầu tiên, ta đề cập đến lòng hiếu thảo. Người con phải tận tâm săn sóc cha mẹ già, cố gắng tìm món ngon vật lạ để dâng cho song thân :

– Tôm càng lột vỏ, bỏ đuôi

Giã gạo cho trắng mà nuôi mẹ già.

Hay là :

– Năm tiền một khúc cá buôi

Cũng mua cho được mà nuôi mẹ già.

Dù cho bà mẹ có nghiêm khắc đến đâu, phận con cũng phải cố phụng dưỡng cho chu đáo :

– Má ơi, đừng đánh con đau

Để con bắt ốc, hái rau má nhờ!

Hay là :

– Má ơi, đừng đánh con hoài

Để con bắt cá nấu xoài má ăn!

Gặp những năm đói kém thì lòng hiếu thảo càng được tỏ rõ. Người con chịu sống kham khổ, ăn quơ quào để đánh lừa cái đói, miễn là mẹ già được no ấm :

– Đói lòng ăn đọt chà là

Để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng.

2/ Tình giữa trai và gái

Giữa trai và gái, món ăn là một mối dây nối kết. Để thể hiện một mối tình chớm nở, để nói lên được niềm nhớ nhung người yêu, không gì bằng câu ca dao sau đây :

– Rượu nằm trong nhạo chờ nem

Anh nằm phòng vắng chờ em một mình.

Tình ái như một vị hương ngào ngạt làm đắm say lòng người, kẻ được yêu cảm thấy ngây ngất như được thưởng thức món ăn ngon vật lạ :

– Cầm tay em như ăn bì nem, gỏi cuốn

Dựa lưng nàng như uống chén rượu ngon.

Lòng nhớ thương của người con trai được thể hiện trong câu :

– Bữa ăn có cá cùng canh

Anh chưa mát dạ bằng anh thấy nàng.

Ví von như thế thật là vừa thực tế và cũng vừa ngộ nghĩnh…

Tuy nhiên, người con gái dùng hình ảnh cụ thể qua những lời thâm thúy và thanh nhã để nói lên được một cách kín đáo lòng trong trắng của mình :

– Thân em như củ ấu gai

Ruột trong thì trắng, vỏ ngoài thì đen

Ai ơi nếm thử mà xem

Nếm ra mới biết rằng em ngọt bùi

Hay là :

– Thân em như miếng cau khô

Kẻ thanh tham mỏng, người thô tham dày.

Hay là :

– Thân em khác thể trái chanh

Lắt lẻo trên cành, nhiều kẻ ước mơ.

Cách diễn tả những câu ca dao trên đây có cái táo bạo, cái sắc bén của những câu thơ Xuân Hương hay cái vẻ lả lơi, kỳ cổ của những câu thơ Ôn Như Hầu, nhưng vẫn không mất đi vẻ trang nhã, tế nhị.

3/ Tình vợ chồng

Khi trai gái đã thành gia thất thì mối tình kia lắng xuống đậm đà hơn để đương đầu với bao thử thách đắng cay :

– Tay bưng đĩa muối chấm gừng

Gừng cay muối mặn xin đừng bỏ nhau.

– Cải bẹ xanh nấu với thịt sườn

Khổ qua kia hết đắng thì cái sự can thường hết thương.

Vì đã lấy nhau vì tình thì đâu có ngại cảnh sống nghèo khó, đâu có sờn lòng trước gian khổ :

– Lên non thiếp cũng lên theo

Tayvịn chân trèo, hái trái nuôi nhau.

– Đôi ta là nghĩa tào khang

Xuống khe bắt ốc, lên ngàn hái rau.

Yêu thương như thế thật là gắn bó keo sơn, thật là một bài học thiết thực cảnh tỉnh những người hèn hạ đã từng “Giàu đổi bạn, sang đổi vợ”.

Và đây là một hình ảnh ấm cúng, cảnh vợ chồng hòa thuận, tâm đầu ý hợp trong bữa ăn đạm bạc :

– Râu tôm nấu với ruột bầu

Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon.

Tình thương chồng được phát lộ trong cách thức săn sóc chồng từng bữa ăn, lúc bình thường cũng như khi đau yếu :

– Hồi nào mình bịnh, mình đau

Bắt từng con cá ruộng, nấu canh rau nuôi mình.

Hay là :

– Thương chồng nấu cháo le le

Nấu canh bông bí, nấu chè hạt sen.

Tuy nhiên, đôi khi gặp cảnh tình lạt, nghĩa phai, người vợ hiền đau khổ và thở than :

– Chàng ơi phụ thiếp làm chi

Thiếp như cơm nguội để khi đói lòng. 

4/ Tình bác ái trong miếng ăn

Khi quyền lợt cá nhân đã được thỏa đáng, khi bản thân đã ấm no thì thói thường con người hay nghĩ đến những người bất hạnh khác, những người sống đời đói rét, đương đau khổ hay đương kéo dài đời sống cô đơn :

– Thóc bồ, thương kẻ ăn đong

Có chồng, thương kẻ nằm không một mình.

Tình bác ái được nêu rõ với một lập luận vừa cụ thể, vừa hợp lý. Hình ảnh người giàu thóc đối xứng với kẻ chạy ăn hằng bữa, hình ảnh đầm ấm của đời sống lứa đôi làm nổi bật cảnh lạnh lùng của kẻ cô đơn. Nhưng tình thương người không phải chỉ nằm trong vòng lý thuyết, nghĩa là chỉ là tình thương hại suông thôi. Lòng nhân từ phải cần được thi hành đúng đắn, nghĩa là phải thiết thực cứu giúp người, trong lúc người còn đương hoạn nạn, đau khổ :

– Một miếng khi đói bằng một gói khi no.

Tương trợ như vậy mới tránh được tình cảm thiên vị, khỏi phải mang tiếng là vì quyền lợi cá nhân hay vì hiếu danh, hiếu thắng.

Lưu Văn– Tạp chí Tiến thủ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *