Bên bờ hạnh phúc

Nói về bữa ăn của người mình thì không có giờ giấc hoàn toàn như nhau trong mọi giới.

Các công chức thời xưa không có thói ăn lót dạ buổi sáng như bây giờ. Bữa cơm sáng ăn hẳn hoi quãng 6 giờ rưỡi, “tan hầu” lúc đứng bóng (12 giờ) về ăn bữa trưa. Thường không có bữa tối là bữa ăn thứ ba, nếu có ăn thì cũng chỉ là sơ sài qua loa.

Những người gồng gánh buôn bán chợ xa, đầu canh năm đã thức dậy thổi cơm ăn, tảng sáng đã ra đi. Đi bộ hàng chục cây số, trưa đói bụng ăn quà chợ, chiều trở về đến nhà đã sá sẩm tối. Quanh năm ngày tháng cần cù như vậy, không có phương tiện chuyên chở trên những con đường đất quanh co từ làng nọ sang làng kia, mà nếu có đường cái quan thì cũng chẳng thể thuê cáng hoặc xe tay vì quá tốn kém, lời lãi chẳng đủ đài thọ.

Một ngày hai bữa cơm đèn

Lấy gì má phấn răng đen hỡi chàng!

Là lời an thường thủ phận của các chị em kia biết chịu thương chịu khó vì chồng con.

Người ở xa rừng núi, đi cắt cỏ tranh hay kiếm củi cũng phải ăn cơm từ đầu canh năm. Đi sớm cho kịp việc, trưa ăn cơm nắm mang theo và uống nước suối.

Mùa cày cấy cũng như mùa gặt, các bạn làm đồng ăn cơm từ lúc vừa mới sáng rõ mặt người. Ruộng gần thì về ăn bữa trưa ở nhà, ruộng xa thì cơm nước được mang đến ăn tại chỗ, trên đường bên ruộng hay dưới gốc cây cao bóng cả giữa đồng không mông quạnh. Những người “làm thuê” này nếu cùng làng xóm với chủ điền thì chiều tà về thẳng nhà, chẳng ăn uống gì, rồi cả đêm đói, nhưng vì mệt nhọc ngủ khì một giấc đến sáng. Thật là đúng nghĩa câu tục ngữ Pháp : “Người ngủ khỏi ăn bữa chiều”. Nếu là nhân công từ xa đến giúp việc từng toán năm – bảy người, mười người thì buổi chiều về nhà chủ điền nghỉ đêm, thường cũng nhịn chong cho đến sáng hôm sau. Họa chăng có ăn thì cũng chỉ qua loa củ khoai, khúc sắc luộc, hậu tình hơn nữa thì sàng bánh đúc hay nồi cơm nếp đậu đen, nhiều no ít đủ.

Nhiều năm mất mùa đói kém, những chủ có ít ruộng cũng chịu cơ cực, một ngày hai bữa còn thiếu ăn, nói chi người “làm thuê”. Trừ những năm phong đăng hòa cốc, ở nơi cần nhân công mùa cấy gặt, người làm thuê có thể được “hậu đãi” với bữa ăn tối tạm đủ ăn.

Cơm người làm đồng được bày dọn trên mâm chõng nan tre dài rộng không quá 1,2m x 0,4m, cao chừng 0,4m, hai bên là chõng ngồi cũng bằng tre, dài hơn và thấp hơn. Rau luộc cả rổ đầy chia ra làm 3 – 4 phần bỏ trên mặt mâm, không cảnh vẻ bày đĩa bát. Chen vào rau là mấy bát mắm mặn với những bát cà nén hoặc dưa muối, chẳng bao giờ có một miếng thịt, họa chăng chỉ có cá vụn nấu cho có món ăn trôi cơm, chẳng ngon lành gì. Bữa trưa có thể thêm một sanh (chảo) canh cua là khá tươm tất.

Mâm chõng, bát đàn, đũa tre, môi (vá) dừa… thật không thể nào sơ sài, kiệm phác hơn nữa, vậy mà còn hơn nhiều nhà không đủ bát ăn, nói chi những gia đình bần cùng đến nước lọ cơm niêu.

Nhà ít người, nhất là không bận công việc đồng áng thì bữa cơm dọn trên mâm tròn bằng gỗ bằng vành nứa chắc bện sơn, đường kính 50 – 60 phân, bát đĩa thường vẫn là đồ đàn với đũa tre, đũa mộc. Khá giả vào hạng sung túc mới dùng mâm thau, bát sứ, đũa sơn. Mâm thau có khi được gắn ba chân, đôn cao lên 10 phân, gọi là mâm chân. Cao sang thì mâm đồng bạch chạm trổ, đũa mun khảm, đũa ngà, bát bịt.

Mâm cơm đặt trên sập, trên ghế ngựa, trên giường. Lệ thường là 4 người ngồi 4 góc chung quanh mâm, bất đắc dĩ mới phải “ngồi 5”, trừ trường hợp tiệp diệp quây quần gia đình.

Ta có thói khách đàn bà đến nhà nếu có đãi cơm thì người vợ tiếp – ngồi cùng mâm, khách đàn ông thì chồng tiếp. Không bao giờ người vợ ngồi ăn cùng mâm với khách đàn ông của chồng. Ngược lại người chồng cũng vậy, không ngồi ăn cùng mâm với khách đàn bà. Ngay lúc bưng mâm cơm dọn lên, người nào trong hai vợ chồng chủ nhà không phải ngồi tiếp cơm thì phải đứng ra nói mời cơm để tỏ ý hân hoan, không có lời mời là tỏ ý chẳng ưa khách đến. Khách của cha thì con không được ngồi ăn cùng mâm, dù con đã trưởng thành, đã bốn – năm mươi tuổi, trừ trường hợp khách đòi hỏi muốn được cùng nói chuyện. Nếu vậy phải kéo ghế ngồi bên cạnh, không được ngồi cùng trên sập trên giường. Có khi con trai, nhất là các thư sinh, còn phải đứng hầu rượu hầu cơm. Chắc hẳn là quá đáng, là cổ hủ. Sao lại có thể như vậy?

Ngồi vào mâm cơm, người mình có thói mời nhau cầm đũa, rồi chủ nhà mời khách gắp thức ăn, gọi là mời đưa cay trong khi uống rượu.

Các bạn Nho ngày xưa từ xa đến với nhau thường ở chơi năm, bảy ngày. Trong thân tình, mỗi bữa một be rượu, một món đồ nhắm, mấy củ lạc rang, một tấm bánh đa, một lưng cơm với mấy thìa canh. Chỉ một lưng cơm vì ăn rất ít, một chủ một khách mà liễn cơm, liễn vừa ăn bằng cái mõm bò, bưng lên. Xong bữa vẫn còn lại gần một nửa. So với sức ăn của người làm lụng thì ăn như thế là làm khách. Thực ra thì nhà Nho mỗi khi ăn ít cũng thành thói quen, đến chơi nhiều ngày không muốn cho bạn phải tốn kém, phần thì muốn tránh tiếng không phải đến để ăn. Âu cũng là một sự kiệm ước trong sự giao du.

Vốn dĩ người mình hiếu khách, lại rất xuề xòa, đã quen thuộc mà đến chơi hay có việc, gần đến bữa ăn là mời nhau ăn cơm, nhiều khi ngay lúc bắt đầu bữa cơm mà có bà con bạn bè đến cũng thường mời ngồi vào ăn cùng, chỉ là thêm đũa thêm bát. Không như lối sống của người Âu Tây, mỗi suất ăn cho một người, chẳng tiện và cũng chẳng thể chia sẻ, ngay cả đối với cha mẹ ở xa đến thăm hay tìm kiếm con có việc bất thần. Ta cho rằng họ coi trọng miếng ăn quá đỗi, và sở dĩ như vậy là tại họ có tướng mũi dòm mồm. Nhiều người có cái mũi vừa to vừa cao với hai vành lỗ mũi hệt hai cái cẳng đang bò lồm cồm từ trên xuống, bỗng đứng dừng lại để lấy sức chống cao đầu mũi lên cho dễ bề dòm ngó qua bên kia vành môi trên.

Trông người lại ngắm đến ta

Một dày một mỏng biết là có nguôi.

Phải chăng vì có mặc cảm phần nào về cái mũi tẹt của ta, nhiều khi tẹt đến nỗi như lặn chìm mất dạng giữa hai gò má mà ta không khỏi “xúc động” khi trông thấy những mũi lõ kia mới liên tưởng đến tướng ăn tướng uống.

Bữa ăn của ta có cái phong vị đặc biệt khó tả nên lời. Những bữa cơm thanh đạm mùa nào thức nấy : rau muống luộc chấm tương, nước luộc rau vắt chanh làm canh, rau muống nấu tương gừng, bắp cải luộc chấm nước mắm dầm trứng, cà ghém mắm tôm, cà dầm tương, canh rau ngót, rau sắng nấu suông, canh dưa chua, vài khúc cá kho, thịt rang mắm tôm… Những bữa ăn năm năm tháng tháng ngày ngày ấy làm cho người ta yên vui với cảnh vật, thắm thiết với quê hương đất nước, không hề nửa lời ước vọng thèm khát những của ngon vật lạ đâu đâu.

Nhất Thanh – Theo Đất lề quê thói

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *