Bên bờ hạnh phúc

Xưa nay và bất cứ ở đâu, dinh dưỡng vẫn là cần thiết. Có ăn có uống mới sống, người ta không ai nhịn ăn nhịn uống mà sống mãi được.

Ta có câu Dân dĩ thực vi tiên – Người dân lấy ăn làm đầu, và phương Tây cũng nói Ăn để mà sống.

Có ăn, đứa trẻ mới lớn, cơ thể mới mở mang. Có ăn, người lớn mới giữ được sức lực của mình và người già mới chống được sự suy yếu của cơ thể.

Các cụ tuy nói rằng Thực vô cầu bão – Ăn không cần no, nhưng không ai có thể ăn đói mãi mà sống bình thường được. Người phương Tây khi nghiên cứu về dinh dưỡng thì tính sao cho món ăn, cho suất ăn có đủ chất bổ để nuôi cơ thể con người. Còn người Việt Nam, nhất là ở đồng quê, không có sự tính toán ấy trong vấn đề ăn uống hàng ngày. Chỉ cần ăn no, ăn đủ no là cơ thể con người đủ duy trì và phát triển. Người ta cũng không kén món ăn, trừ người đài các và giàu có. Gặp rau thì ăn rau, gặp cá thì ăn cá. Người bình dân nông thôn rất dễ dãi, chỉ mong có đủ ăn.

Có ăn thì phải có uống. Nước cũng cần cho cơ thể như thức ăn. Người ta ăn riêng, uống riêng, nhưng vẫn có thể vừa ăn vừa uống được. Thường thì người ta uống sau bữa ăn. Trừ trường hợp uống rượu, người ta uống trước bữa ăn, hoặc cùng với bữa ăn, nhưng lúc uống rượu, người ta chỉ ăn những đồ nhắm đồ nhậu. Còn cơm, người ta ăn sau khi uống rượu.

Người ta uống khi khát cũng như ăn khi đói. Con người lệ thuộc rất nhiều vào ăn uống. Chính vì vấn đề ăn uống mà các cụ ta xưa thường lập làng xã ở những nơi sản xuất được thức ăn và có nước uống.

Toan Ánh – Sách Phong tục Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *