Mướp đắng bị vàng, nâu hay nhớt là kết quả của việc nấu quá chín. Bởi vậy, để giữ được màu xanh cho mướp đắng chỉ cần nấu tái.

Hai món ăn quen thuộc từ loại rau này là mướp đắng xào trứng và mướp đắng nhồi thịt. Tuy nhiên, khá nhiều người thường nấu bị vàng. Nguyên nhân vì các chất diệp lục bị phân giải khi gặp nhiệt độ. Do đó, càng rút ngắn thời gian nấu thì màu sắc của rau sẽ càng được giữ lại.

 

 

Trước tiên, với món mướp đắng xào trứng, bạn nên thái miếng mỏng vừa phải, đều nhau. Đánh tan trứng để sẵn. Ngay khi chảo nóng già thì cho mướp vào, chỉ đảo đi, đảo lại vài lần rồi cho trứng vào. Tiếp tục đảo nhanh tay cho trứng thật ráo. Thời gian nấu món này chỉ khoảng 3-5 phút tùy lửa và lượng nguyên liệu. 

Nếu bạn xào mướp đắng trên bếp chín tới thì đến khi nguội, nó đã có thêm một quá trình tự chín nữa và hậu quả sẽ là vàng và ướt. Bởi vậy, nguyên tắc khi nấu món này là đảo nhanh tay, xào tái, bắc khỏi bếp khi mướp đắng đang còn giòn. Xào trong một chiếc chảo rộng cũng giúp món ăn xanh hơn.

Với món mướp đắng nhồi thịt, rất khó tránh khỏi quả bị vàng, đắng, màu sắc không còn bắt mắt nữa. Có một số cách để khắc phục hiện tượng này như hấp riêng mướp và nhân. Chỉ cần hấp tái qua rồi nhồi nhân vào ruột mướp. Đun lại trên nồi nước đang sôi một lần nữa. Quả mướp đắng giữ được màu xanh, cả vỏ và nhân đều chín, tuy nhiên món ăn không được đậm đà.

 

Một cách khác phổ biến hơn là bạn vẫn nhồi thịt vào mướp đắng, đun sôi nước, cho muối rồi thả nguyên liệu vào. Đun chín tới và bắc ra. Nếu không ăn ngay thì nên vớt mướp đắng ra ngâm vào nước đá mát cho nguội. Đến khi ăn mới cho nước và mướp đắng vào nhau. 

Tuy nhiên, các chuyên gia ẩm thực khuyến cáo với bất cứ món rau nào cũng nên ăn ngay sau khi nấu bởi nó không chỉ đảm bảo ngon miệng mà còn giữ được vitamin. 

Nguồn: Bảo Nhiên ( VnE )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *