Mùa hè, nhiều gia đình chọn đi tắm biển, thưởng thức các loại hải sản. Hải sản chứa nhiều chất bổ dưỡng nhưng nếu không cẩn thận có thể bị ngộ độc hoặc dị ứng. Hãy lưu ý vài mẹo nhỏ sau để đảm bảo an toàn khi ăn hải sản.

 

Không nên ăn hải sản lạ

Nhiều loại hải sản lạ, chứa hàm lượng độc tố cao, nếu ăn phải có thể nhiễm độc, nguy hiểm đến tính mạng. Ngoài ra, trong các loại hải sản lạ có thể chứa các thành phần gây dị ứng. Vì vậy, tốt nhất nên tránh xa các loại hải sản mà bạn chưa từng ăn qua. Đặc biệt, trẻ em có hệ miễn dịch yếu, dù là hải sản đã từng ăn, cũng nên để trẻ ăn thử một ít rồi mới tăng dần.

Bạn cũng có thể hỏi dân địa phương về tính lành của hải sản lạ, trước khi dùng thử.

Không ăn hải sản chưa nấu chín kỹ

Muốn giữ được vị ngọt và giá trị dinh dưỡng của hải sản, nên chế biến bằng cách hấp, luộc hoặc nướng và ăn khi còn nóng. Tuyệt đối không ăn những hải sản chưa nấu chín kỹ, những món tái, gỏi sống…, vì chứa nhiều vi khuẩn. Ngoài ra, hải sản sống cũng có thể nhiễm ký sinh trùng.

Không ăn hải sản đã chết

Hải sản khi bị chết nếu bảo quản ở nhiệt độ thông thường sẽ rất nhanh bị vi khuẩn xâm nhập và phát triển thành độc tố gây hại. Các loại hải sản có vỏ như sò, ốc hay cua… có tốc độ ô nhiễm gia tăng sau khi chết. Vì vậy, nên chọn ăn hải sản càng tươi sống càng tốt hoặc hải sản đông lạnh được bảo quản đúng cách.

Không ăn hải sản đã chế biến lâu

Hải sản sau khi chế biến nếu bảo quản ở nhiệt độ thông thường, dễ bị vi khuẩn xâm nhập. Ăn những hải sản này có nguy cơ bị ngộ độc.

Tránh ăn hải sản gây dị ứng

Nếu bạn có “tiền sử” dị ứng với loại hải sản nào thì cần tránh xa. Lưu ý, kể cả những người chưa từng bị dị ứng với loại hải sản, nhưng nếu khi ăn có các triệu chứng như đỏ mặt, đau đầu, nổi mẩn ngứa, buồn nôn thì nên dừng ăn ngay lập tức. Có thể lúc đó, hệ miễn dịch của bạn bị suy giảm nên gây dị ứng. Nếu tiếp tục ăn, có thể bị khó thở, thậm chí tử vong.

Dùng hải sản với gia vị

Nên dùng hải sản kèm với các gia vị như gừng, sả, tỏi, giấm, ớt… vì hải sản vốn có tính hàn, dễ bị “lạnh bụng”. Các gia vị trên sẽ giúp cân bằng, diệt khuẩn, bảo vệ cơ thể.

Với các món hải sản nướng, nên tẩm ướp bằng nước xốt, vừa giúp hải sản có hương vị đậm đà, vừa an toàn khi nướng do lớp xốt hạn chế lượng mỡ chảy xuống làm khét món ăn.

Cẩn trọng với các món kết hợp

Khi ăn hải sản không nên ăn cùng trái cây, vì chất asen pentavenlent trong hải sản khi kết hợp với thực phẩm giàu vitamin C sẽ chuyển hóa thành thạch tín gây ngộ độc cấp tính.

Ngoài ra, sau khi ăn hải sản không nên uống trà vì trong lá trà có chất tanin, khi kết hợp với canxi trong hải sản sẽ tạo thành canxi không hòa tan, gây đau bụng, buồn nôn. Tốt nhất uống trà hai giờ sau khi ăn hải sản.

Nguồn: Nguyễn Ngoan ( PNO )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *