Tăng huyết áp là bệnh do nhiều nguyên nhân khác nhau: tim mạch, nội tiết, thần kinh thực vật, thận… Đặc biệt còn có thể đơn thuần do nguyên nhân ăn uống như ở người quá thừa protein, ăn quá nhiều mỡ động vật nhất là thực phẩm có nhiều cholesterol. Hoặc người ăn uống các chất quá dư thừa, cơ thể ít vận động, người béo phì… Hay nói đúng hơn thói quen ăn uống là nhân tố quan trọng ảnh hưởng tới huyết áp, đặc biệt là người tăng huyết áp thì chế độ ăn uống càng ảnh hưởng lớn.
Dưới đây là những điểm cần chú ý trong ăn uống hằng ngày để giữ huyết áp luôn ổn định:
Tránh ăn nhiều đạm (protein): Cần hạn chế không ăn nhiều. Có thể ăn với mức độ bình thường 0,5-1g/kg trọng lượng cơ thể (người 50kg dùng khoảng nửa lạng thịt trong ngày). Nên chọn các loại thịt trắng (gà, vịt…) tốt hơn các loại thịt đỏ (trâu, bò…) không nên ăn các loại thịt tẩm ướp nhiều gia vị như lạp sườn, xúc xích, dăm bông… Không nên dùng thịt gia súc, gia cầm non vì có nhiều nuclêôprotein khi tiêu hóa sinh ra các chất purin, axit uric có hại cho gan thận, tim mạch; phủ tạng gia súc, gia cầm như gan, óc, bồ dục… cũng không nên dùng vì có nhiều nuclêôprotein. Có thể ăn đậu đỗ để bổ sung lượng đạm thực vật cho cơ thể.
Tránh ăn nhiều chất béo (lipit): Cần ăn giảm nhất là người béo phì. Không ăn quá 30g lipit/ngày, trong đó nên ăn một nửa là dầu thực vật, một nửa là mỡ động vật.
Giảm ăn chất đường bột (gluxit): Chất đường bột nói chung không có hại cho người bệnh tăng huyết áp nhưng nếu ăn nhiều cũng dễ sinh ra béo phì, không tốt cho người tăng huyết áp, vì vậy cũng cần giảm bớt.
Giảm ăn muối: Ăn quá nhiều muối hoặc gia vị chứa muối không tốt cho ngườităng huyết áp. Người khỏe mạnh mỗi ngày ăn 5-6g muối, người tăng huyết áp nên ăn ở mức 3-4g muối mỗi ngày. Nên tránh ăn dưa muối, cá muối, thịt muối. Người tăng huyết áp có biến chứng tim, phù nhiều hoặc tăng huyết áp ác tính do u thượng thận hoặc căng thẳng thần kinh và tăng huyết áp ở người trẻ mà không tìm thấy nguyên nhân thì càng cần hạn chế muối.
Ngoài ra, người tăng huyết áp không nên dùng các chất kích thích thần kinh mạnh như: rượu, cà phê, nước trà đặc, thuốc lá…
Ăn nhiều rau quả tươi: Rau củ quả tươi như khoai tây, chuối, đu đủ hàm chứa rất nhiều kali, có tác dụng thải loại natri ra ngoài. Trong rau xanh có nhiều vitamin K, và vitamin C có tác dụng tăng lượng ion canxi trong máu, chống đông tụ máu, giúp chống xơ cứng động mạch. Trong các loại quả như quýt, táo,… có nhiều vitamin P, C… giúp hạ cholesterol trong máu, tăng cường sức bền thành mạch giúp phòng ngừa xuất huyết não. Trong các loại quả còn chứa nhiều vitamin E có tác dụng tăng cường công năng của thành mạch, giảm kết tập tiểu cầu, giảm thiểu nhu cầu cung cấp ôxy của cơ thể nên rất thích hợp với người bệnh tăng huyết áp kèm bệnh về van tim… Vì vậy, nên ăn nhiều rau rất có lợi cho cơ thể, vì nó ổn định huyết áp.
Ăn nhiều thực phẩm chứa canxi và i-ốt: Người Việt Nam nói chung không được hấp thu đủ lượng canxi cần thiết, thiếu canxi cũng ảnh hưởng đến tăng huyết áp nên cần ưu tiên lựa chọn thực phẩm giàu canxi như sữa (mỗi ngày uống khoảng 250ml sữa hoặc sữa đậu nành) sẽ bổ sung lượng canxi thiếu hụt hoặc lựa chọn các loại rau như rau cải, rau cần tây, nấm, mộc nhĩ… cũng có lượng canxi lớn. Người tăng huyết áp cũng nên ăn nhiều đồ biển vì chứa nhiều i-ốt như rau câu, sứa biển, tảo biển, tôm tép để tránh bị xơ cứng động mạch, phòng ngừa tăng huyết áp.
Lưu ý: người tăng huyết áp cần phải kiểm soát huyết áp bằng cách tuân thủ tuyệt đối dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Song, riêng ăn uống kiêng khem cũng là điều quan trọng, chớ ăn quá nhiều chất dinh dưỡng sẽ bị thừa nhưng cũng không ăn quá ít sẽ không đủ lượng, gây ảnh hưởng xấu cho cơ thể. Cần ăn vừa đủ cả chất đạm, chất béo từ động vật và thực vật theo tỷ lệ hợp lý. Ưu tiên ăn cá, hạn chế ăn thịt.
Nguồn: BS Trần Quang Nhật ( SK & ĐS )