Bên bờ hạnh phúc

Nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương nên Nhật Bản là một trong những quốc gia có nhiều núi lửa trên thế giới. Hiện nay, tại Nhật có 108 ngọn núi lửa đang hoạt động, chiếm 7% trong tổng số núi lửa trên thế giới.

Núi Phú Sĩ được xếp vào dạng núi lửa đang hoạt động

 

Núi Phú Sĩ, ngọn núi cao nhất Nhật Bản cũng được xếp vào dạng núi lửa đang hoạt động. Cao 3.776 met, dáng vẻ hùng vĩ của ngọn Phú Sĩ được tô điểm bởi nhiều hồ nước mênh mông, thơ mộng. Đây là danh thắng nổi tiếng của nước Nhật với tên gọi “Phú Sĩ Ngũ Hồ”.

Lần phun trào gần đây nhất của núi Phú Sĩ xảy ra vào đầu thế kỉ XVIII, chính xác là ngày 16/12/1707. Đây là lần thức giấc hung hãn nhất của núi Phú Sĩ, kéo dài suốt 2 tuần lễ. Tro bụi núi lửa phủ khắp kinh thành Edo lúc bấy giờ và lan xa đến 100 km.

Người Nhật xem đỉnh Phú Sĩ là nơi linh thiêng

 

Theo tính toán của các nhà khoa học, ngọn Phú Sĩ được hình thành cách đây khoảng 100.000 năm, chu vi của miệng núi rộng 3.000 met, sâu 237 mét. Nó được đánh giá là một trong những miệng núi lửa lớn trên thế giới.

Từ thời cổ đại, người Nhật đã xem đỉnh Phú Sĩ là nơi linh thiêng. Tương truyền, vào năm 663, một nhà sư ẩn danh đã chinh phục đỉnh núi lần đầu tiên. Đến nửa cuối thế kỉ XVIII, đỉnh Phú Sĩ là điểm đến nổi tiếng của những người hành hương và những nhà leo núi trên khắp Nhật Bản. Đến nay, truyền thống leo núi Phú Sĩ vẫn được người Nhật duy trì. Thời điểm có nhiều người chinh phục đỉnh Phú Sĩ nhất là từ đầu tháng 7 đến cuối tháng 8 hàng năm. Những người leo núi tin rằng, sức nóng bên trong miệng núi lửa cung cấp một nguồn năng lượng đặc biệt, vì vậy, họ kiên nhẫn trải qua từ 5 đến 6 giờ để lên đến đỉnh núi.

Bên cạnh miệng núi lửa Phú Sĩ có ngôi đền Thần đạo Sengen, công trình tôn giáo đại diện cho tính linh thiêng của núi Phú Sĩ. Khi những người hành hương thực hiện nghi thức cầu nguyện tại ngôi đền, họ hướng mặt về phía miệng núi lửa.

Vẻ đẹp hùng vĩ và tráng lệ của ngọn Phú Sĩ là yếu tố giúp nó trở thành biểu tượng quốc gia nổi tiếng của nước Nhật và là một trong những đỉnh núi linh thiêng cuốn hút nhiều người.

Núi lửa thường kèm theo những tai ương mà con người không thể lường trước được. Năm 1792, ngọn núi lửa Mayu-yama, thuộc quần thể núi lửa Unzen-fugen ở tỉnh Naga-saki, đã gây ra thảm họa núi lửa tồi tệ nhất trong lịch sử Nhật Bản. Ngày 21/5/1792, sườn phía Đông của ngọn Mayu-yama đổ sập tạo nên một trận lở đất lớn. Khối đất đá khổng lồ này rơi xuống biển Ari-aka gần đó và hình thành cơn sóng thần hung hãn tấn công Bán đảo Shima-bara. Lở đất và sóng thần đã cướp đi sinh mạng của 15.000 người.

Gần 200 năm sau, vào năm 1990, đến lượt núi lửa Unzen-fugen thức giấc. So với lần đổ sụp đột ngột của núi lửa Mayu-yama, núi lửa Unzen-fugen có những dấu hiệu cảnh báo trước khi phun trào. Chính quyền địa phương đã di tản 12.000 cư dân sinh sống quanh khu vực núi lửa nhằm tránh những thiệt hại về người có thể xảy ra. Lửa từ vụ phun trào gây ra các đám cháy, nuốt chửng nhiều cánh rừng, nhà cửa và hoa màu của người dân trong vùng. Dù đã được cảnh báo nhưng số người thiệt mạng trong thảm họa này cũng lên đến hơn 40 người.

Núi lửa Unzen-fugen

 

Bên cạnh Unzen-fugen, núi lửa Usu ở công viên quốc gia Shikotsu-Toya thuộc tỉnh Hok-kai-do được đánh giá là một trong những núi lửa hoạt động mạnh nhất tại Nhật Bản. Trong vòng một thế kỉ, ngọn hỏa diệm sơn này đã thức giấc 4 lần và tất cả các lần phun trào đều rất dữ dội.

Bên cạnh mối đe dọa nguy hiểm từ các đợt phun trào, núi lửa Usu đã mang lại lợi ích rất lớn cho người dân Hok-kai-do. Đó là hệ thống suối nước nóng phong phú hình thành từ sự vận động của núi lửa. Ngoài ra, núi lửa Usu cũng là điểm du lịch rất hấp dẫn.

Showa Shinzan, núi lửa trẻ ở Hok-kai-do, được hình thành vào giữa thế kỉ XX. Núi lửa Showa Shinzan được đánh giá là nhỏ với chiều cao chỉ khoảng 400 mét, nằm ngay phía bên trái của núi lửa Usu. Nơi tọa lạc của núi lửa Showa Shinzan ngày xưa từng là cánh đồng lúa mì. Vào năm 1943, một trận động đất mạnh đã xảy ra ở khu vực này. Động đất khiến một vùng của cánh đồng lúa mì nổi lên cao, tạo thành một ngọn núi nhỏ. Nó được đặt tên là Showa Shinzan. Một năm sau, tức vào năm 1944, núi lửa Usu phun trào, dư chấn cùng với sự vận động của núi lửa Usu đã biến Showa Shinzan trở thành núi lửa hoạt động. Sự xuất hiện của núi lửa Showa Shinzan là cơ hội hiếm hoi cho các nhà khoa học muốn nghiên cứu về núi lửa. Tuy nhiên, vào giai đoạn này, Nhật Bản đang trong chiến tranh, mọi thứ đều khan hiếm do đó núi lửa non trẻ này không là mối bận tâm của nhiều người.

Showa Shinzan, núi lửa trẻ ở Hok-kai-do đang hoạt động

 

Nằm sừng sững giữa đảo Miyake là ngọn núi lửa Oyama. Theo số liệu ghi nhận trong hơn nửa thế kỉ qua, cứ trung bình 20 năm, ngọn núi lửa này lại hoạt động một lần. Lần phun trào gần đây nhất của núi lửa Oyama là vào tháng 7/2000. Đó là một đợt phun trào dữ dội, toàn bộ 3.900 cư dân trên đảo buộc phải di tản trước thảm họa này. Hoạt động của núi lửa kéo dài âm ỉ suốt 4 năm, nhà cửa và hoa màu của người dân trên đảo gần như bị phá hủy hoàn toàn. Đến tháng 2/2005, người dân đảo Miyake mới được phép trở về nhà. Sau 5 năm không có người ở, hòn đảo gần như trở nên hoang phế. Nhà cửa không còn nguyên vẹn dưới sức tàn phá của núi lửa, phương tiện sản xuất của người dân cũng trở nên mục nát. Trước thực tế đau lòng đó, một vài cư dân quyết định tiếp tục ra đi. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều người kiên trì ở lại để khôi phục cuộc sống trên đảo.

Núi lửa có thể mang lại nhiều hiểm nguy, nhưng người dân vẫn không rời xa nó, bởi lẽ những lợi ích mà họ nhận được từ núi lửa không hề nhỏ. Trước tiên là suối nước nóng. Suối nước nóng tự nhiên thường xuất hiện rất nhiều tại các khu vực có núi lửa. Chúng chứa vô số khoáng chất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là giúp tăng cường lưu thông máu và làm đẹp da.

Một lợi ích khác mà núi lửa mang lại cho con người, đó là năng lượng. Người ta khai thác nguồn địa nhiệt của núi lửa để tạo ra điện năng. Vào mùa đông, tuyết rơi nhiều, thời tiết lạnh giá nhưng nông dân sinh sống quanh khu vực núi lửa vẫn có thể trồng trọt bởi họ đã dùng nguồn nước ấm áp từ suối nước nóng để “sưởi ấm” cho nhữnh cánh đồng của mình.

Suối nước nóng tại các khu vực núi lửa chứa nhiều khoáng chất tốt cho sức khỏe

 

Không dừng lại ở đó, người Nhật còn tận dụng những khoáng chất núi lửa để sản xuất các mặt hàng công nghệ cao. Các nhà khoa học đã tìm ra một loại vật liệu gọi là bột thủy tinh tổ ong Shirasu lấy từ trầm tích cổ xưa của tro núi lửa. Đây là nguyên liệu quan trọng dùng để sản xuất chip điện thoại di động, máy ảnh kỹ thuật số và nhiều dòng sản phẩm điện tử khác.

Thanh Tâm
 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *