Toạ lạc ở vùng trung tâm của Trung Quốc, núi Hoàng Sơn là một những ngọn núi được nhiều người biết đến nhất ở quốc gia này. Từ núi Hoàng Sơn, bạn có thể đến làng Hồng Thôn (Hongcun), nơi diễn ra bối cảnh của bộ phim Ngoạ hổ tàng long.

Cổng vào làng Hồng Thôn

Hầu hết các ngôi nhà ở đây đều được xây dựng vào đời nhà Minh và nhà Thanh. Có nhiều lý do để ngôi làng này không phải chịu những tai hoạ từ các trận hoả hoạn. Đó là nhờ vào những dòng nước mà dân làng dùng trong cuộc sống hàng ngày.

Phong cách kiến trúc của làng được hình thành đời Minh và đời Thanh

Núi Hoàng Sơn là nguồn cung cấp nước chủ yếu và chúng chảy về hướng Tây của làng. Các cư dân ở Hồng Thôn đã làm thay đổi dòng chảy của nước, khiến chúng chảy xung quanh làng rồi chảy ra ngoài.

Người dân Hồng Thôn đã làm thay đổi dòng chảy của nước, khiến chúng chảy xung quanh làng, vừa phục vụ cho sinh hoạt, vừa có tác dụng điều tiết nhiệt độ

Những nghiên cứu khoa học về ngôi làng cho thấy, người ta đã sử dụng nước để ngăn chặn những mối đe doạ từ các trận hoả hoạn. Nước chảy xung quanh làng không chỉ cung cấp nguồn nước thuận lợi để dập tắt các đám cháy, mà còn có khả năng điều tiết nhiệt độ không khí trong làng. Sự tiếp cận dễ dàng với nước cũng mang đến cho cuộc sống nơi đây nhiều thuận lợi và tạo nên môi trường sống trong lành.

Những lối đi nhỏ hẹp trong làng

Trong số các ngôi nhà xinh đẹp được bảo tồn ở làng Hồng Thôn, nhà Thừa Chí Đường – nhà của một thương nhân buôn muối – là điểm đến nổi tiếng với nhiều du khách. Những hình ảnh chạm khắc ở Thừa Chí Đường được tạo nên bằng gỗ, kính và gạch. Chúng được kết nối với nhau để miêu tả về con người, chim chóc, cây cối và các bông hoa. Những hình ảnh chạm khắc đã khiến ngôi nhà trở thành phòng trưng bày nghệ thuật rất sống động, thể hiện tài năng khéo léo của nghệ thuật chạm khắc gỗ. Chúng còn phản ánh những nét văn hóa rất đặc trưng trong cuộc sống thường nhật của người dân nơi đây.

Thừa Chí Đường phản ánh những nét văn hóa rất đặc trưng trong cuộc sống thường nhật của người dân nơi đây

Xidi là một ngôi làng đặc biệt nằm ở nơi núi non hiểm trở và thung lũng sâu. Phần lớn cư dân của vùng núi này kiếm sống bằng cách buôn bán ở những nơi khác. Đó là lý do nhà trong làng được xây dựng đặc biệt để bảo vệ phụ nữ và trẻ em trước sự nguy hiểm của những tên cướp và các đám cháy.

Cổng làng Xidi

99 lối đi nhỏ hẹp ở đây là mê cung thực sự đối với những người lạ mặt. Những bức tường cao giữa các ngôi nhà được gọi là Ma-tu-bi. Người ta nói rằng, đó là hình ảnh tượng trưng cho con ngựa. Những bức tường này được xây dựng nhằm bảo vệ cuộc sống và tài sản trong trường hợp có hỏa hoạn vì những ngôi nhà ở đây được xây dựng kề sát bên nhau.

99 lối đi nhỏ hẹp ở Xidi là mê cung thực sự đối với những người lạ mặt

Cũng như những ngôi nhà ở Hồng Thôn, nhà ở đây có rất nhiều hình ảnh chạm khắc rất tinh xảo, thể hiện sự giàu có và sung túc của chủ nhân. Các thương nhân trang trí nhà ở của mình theo những cách rất riêng.

Phong cách kiến trúc của làng Xidi có vẻ như rất đóng kín và đối xứng. Tuy nhiên, mỗi ngôi nhà đều có một không gian mở. Đó là những khoảng không hình chữ nhật bên trên mái nhà, cho phép ánh sáng tràn vào nhà, giúp nhà trở nên thông thoáng.

Nội thất của một ngôi nhà ở làng Xidi

Cả hai ngôi làng Hồng Thôn và Xidi đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới vào năm 2000.

Thanh Trúc

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *