Bên bờ hạnh phúc

Trước đời vua Khang Hy nhà Thanh, ở Trung Quốc có 4 loại nghiên mực nổi tiếng là Đoan nghiên, Hấp nghiên, Đào Hà nghiên và Trừng Nê nghiên và chẳng ai biết đến loại nghiên mực Tùng Hoa hay có những thông tin về nó cả. Tùng Hoa nghiên là nghiên mực làm bằng đá Tùng Hoa. Loại đá này từng được người dân thời xưa sử dụng để mài dao.

Đoan nghiên

 

Một trong những nơi khai thác đá Tùng Hoa là khu vực Giang Nguyên thuộc thành phố Bạch Sơn, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc. Cát Lâm là một tỉnh nhỏ ít người biết đến, với dân số chưa đến 300.000 người. Những năm gần đây, việc khai thác đá và nghề làm nghiên mực phát triển mạnh đã giúp cho tỉnh Cát Lâm trở nên nổi tiếng khắp cả Trung quốc.

Nghiên mực Tùng Hoa được sử dụng phổ biến vào 3 đời vua nhà Thanh là Khang Hy, Ung Chính và Càn Long. Trong quyển sách ‘Phẩm liệt Đoan Hấp’ có ghi chi tiết về hơn 80 loại nghiên mực Tùng Hoa dành riêng cho hoàng đế và nhiều loại nghiên khác đang được cất giữ trong Viện bảo tàng cố cung Đài Bắc.

Vào đầu đời Thanh, đá Tùng Hoa được người dân địa phương dùng làm đá mài dao. Trong một lần tình cờ, hoàng đế Khang Hy đã nhìn thấy loại đá này và cho rằng, nó có thể tạc thành nghiên mực.

Hoàng đế Khang Hy phát hiện nghiên mực Tùng Hoa dễ mài mực hơn nghiên mực Đoan Khê. Từ đó, loại đá mài dao ở tỉnh Cát Lâm bỗng nhiên trở thành nguyên liệu tạc nghiên mực dùng trong hoàng cung nhà Thanh.

Đá Tùng Hoa được khai thác ở núi Trường Bạch. Nhà Thanh xem núi Trường Bạch là nơi bắt nguồn tổ tiên của họ và duy trì các nghi lễ tế tự hàng năm đối với ngọn núi này. Năm 1677, hoàng đế Khang Hy sắc phong núi Trường Bạch là ‘Trường Bạch Sơn Thần’ và đặt ra một khu vực cấm quanh núi. Ông cũng nghiêm cấm người dân săn bắn hoặc khai thác sản vật trên núi. Đá Tùng Hoa được quản lý nghiêm ngặt hơn. Ngày nay, những địa điểm phát hiện ra đá Tùng Hoa đều nằm ở núi Trường Bạch.

Đá Tùng Hoa dùng làm nghiên mực phải được làm bằng loại đá cao cấp, màu xanh của đá rất đẹp, không pha lẫn với màu sắc khác. Loại đá màu xanh có đường vân nhỏ, mịn như tơ bên trong không chỉ giúp ích cho việc mài mực nhanh chóng mà còn giúp đầu bút lông ít bị hư hỏng khi chấm mực.

Nghiên mực Tùng Hoa được làm từ 3 loại đá màu xanh, màu vàng và màu tím. Màu sắc phong phú, rực rỡ là một trong những đặc điểm nổi bật của nghiên mực Tùng Hoa, khác hẳn với 4 loại nghiên mực nổi tiếng trước đời vua Khang Hy.

Hiện nay, vẫn chưa có sự giải thích khoa học về nguyên nhân tạo thành màu sắc đá Tùng Hoa. Theo những người sưu tầm đá quý thì loại đá Tùng Hoa có hơn 60 loại màu sắc khác nhau.

Vào đời Thanh, từ đời vua Khang Hy, công việc chế tác nghiên mực Tùng Hoa được giao cho phòng chế tác nghiên mực phụ trách, nơi đây tập trung nhiều nghệ nhân tạc nghiên mực nổi tiếng khắp cả nước. Do số lượng nghiên mực Tùng Hoa ít, nên hoàng đế Khang Hy ban tặng nó cho một số trọng thần trong triều và một số vua chúa nước lân cận. Đến cuối đời vua Càn Long, do đất nước dần suy yếu nên triều đình Thanh đã ra lệnh ngừng khai thác đá Tùng Hoa, từ đó nghiên Tùng Hoa cũng dần biến mất.

Ngày nay, nhiều thợ chế tác nghiên mực ở Giang Nguyên đã khôi phục sự huy hoàng của nghiên mực đá Tùng Hoa. Họ cũng cố gắng đưa đá Tùng Hoa xuất hiện trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Ngoài những tác phẩm nghiên mực thể hiện phong tục tập quán vùng Đông Bắc, Trung Quốc còn có nghiên mực đá Tùng Hoa khổng lồ hiếm thấy. Chiếc nghiên mực đá dài 3 mét, rộng 1,4 mét được xem là nghiên mực bằng đá Tùng Hoa lớn nhất hiện nay.

Hiện nay, ở khu vực Giang Nguyên có hơn 3.000 người đầu tư khai thác đá Tùng Hoa và chế tác nghiên mực Tùng Hoa. Qua đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân, loại đá Tùng Hoa nằm nằm sâu trong lòng đất hàng triệu năm đã trở thành những tác phẩm điêu khắc đá cao cấp. Nghiên mực Tùng Hoa từng được các hoàng đế nhà Thanh yêu thích đã kể lại cho thế giới hiện đại những câu chuyện rất thú vị về lịch sử và giá trị của chúng.

Hồng Mẫn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *